Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Nhân chứng 'tố' cảnh sát giả mạo lời khai


Sau khi có quyết định hoãn phiên tòa, điều tra viên đã “chạy đôn chạy đáo” truy tìm… nhân chứng.


Theo trình bày của ông Linh Văn Hùng, gia đình ông có nhận đất 327 của nhà nước để trồng rừng tại xã Tràng Đà – TP. Tuyên Quang. “Ngày 07/09/2012, tôi và con gái là Linh Thị Thu Hà lên rừng làm, trên đường về có thấy khúc gỗ ai đó vứt bên đường. Với bản chất là người nông dân, tôi thấy tiếc vì chí ít khúc gỗ còn có thể làm củi nên bố con đưa lên xe trở về. Vừa về đến dốc nhà Cao thì chúng tôi gặp một đoàn Kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm TP. Tuyên Quang gồm các đồng chí: Quang, Tráng, Tú,… Tại đây, đoàn Kiểm lâm đã yêu cầu lập biên bản, thu giữ. Mặc dù đã hết lời xin nhưng các đồng chí Kiểm lâm không cho và sau đó đã lập biên bản, xử phạt tôi 2.000.000 đồng về hành vi vận chuyển trái phép lâm sản (gỗ)”, ông Hùng kể.



Một hành vi bị coi là chống người thi hành công vụ. Ảnh minh họa


Cũng theo lời ông Hùng, ngày 23/11/2012 điều tra viên Đỗ Quang Căn cùng hai người đến nhà ông Hùng và tỏ thái độ hách dịch, tự ý khám xét, lùng bắt Linh Viết Cường (con trai ông Hùng), nhưng không gặp Cường vì anh đang đi làm xa. Hôm sau đi làm về, Cường nhận được lời nhắn nhủ từ điều tra viên là “lên nhờ chút việc”. Cường bảo vợ là (Nguyễn Thị Nga) chở lên cơ quan công an. Nhưng sau khi lên đến nơi, chỉ mình Cường được vào và khoảng 30 phút sau Đỗ Quang Căn ra nói với Nga: Cường đã bị bắt tạm giam.


Ngày 06/02/2013 Viện kiểm sát nhân dân Tp. Tuyên Quang đã ra cáo trạng truy tố Linh Viết Cường về tội “chống người thi hành công vụ theo khoản 1, điều 257 Bộ Luật hình sự”. Cáo trạng có nêu, “khoảng 18 giờ cùng ngày (tức ngày 07/09/2012) khi tổ công tác đang tiến hành lập biên bản với hành vi vận chuyển lâm sản trái phép của Linh Văn Hùng thì Linh Viết Cường điều khiển xe trên dốc nhà Cao lao thẳng vào tổ công tác, các cán bộ tổ công tác phải tránh ra hai bên đường… Cường rút từ xe môtô ra một con dao và đe dọa tổ công tác đang làm nhiệm vụ…, quá trình điều tra, Linh Viết Cường không thừa nhận hành vi phạm tội của mình”. Và cáo trạng đi đến kết luận “căn cứ các tài liệu như: Biên bản xác minh hiện trường (BL 03 đến 05); Lời khai của các bị hại (BL 61 đến 96); Lời khai những người làm chứng (BL 122 đến 130 – 131 đến 144); Biên bản vụ việc cùng các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án, đủ căn cứ xác định Linh Viết Cường đã có hành vi chống người thi hành công vụ”.


Phóng viên cũng như những người dự khán đều thắc mắc, Viện kiểm sát nhân dân Tp. Tuyên Quang dựa vào đâu để truy tố Linh Viết Cường về tội “chống người thi hành công vụ”?, trong khi nhân chứng lại không đồng ý dùng văn bản lấy lời khai của mình với điều tra viên làm chứng cứ trước tòa, uẩn khúc ở đây là gì, đấy là chưa kể đến việc bản vẽ hiện trường đang được xem là không chính xác!?.


Điều tra viên có 'làm giả' lời khai ?


Khi hoãn phiên tòa, gia đình nhân chứng gọi điện cho phóng viên thông báo: Điều tra viên Đỗ Quang Căn đang chạy khắp nơi lục lọi, tìm kiếm, đòi gặp bằng được các nhân chứng.


Vụ việc đã được tòa án thụ lý, cơ quan điều tra được xem như đã hết nhiệm vụ. Thế nhưng vì sao điều tra viên Đỗ Quang Căn lại có sự “quan tâm” đặc biệt đến các nhân chứng như vậy? Liệu có uẩn khúc gì xoay quanh sự vắng mặt của các nhân chứng tại phiên tòa? Không chần chừ, phóng viên đã quay đầu xe tìm hiểu sự thật theo lời “kêu cứu” của các nhân chứng và tiếng gọi đi tìm sự thật bắt đầu.

“Tôi không nói như thế, mà đó là do điều tra viên tự viết thêm vào”, đó là câu trả lời chung của các nhân chứng khi chúng tôi hỏi về những lời khai trong bút lục điều tra. Theo ông Đỗ Xuân Dần (1938), tôi ở trong nhà nghe tiếng ồn ào thì đi ra đầu hiên nhìn ra. Vì trời tối và mắc hàng rào nên tôi chỉ nghe có tiếng nói qua lại chứ không nhìn thấy ai.


“Biên bản của Công an lập ngày 17/9/2012 và biên bản ngày 29/11/2012 ghi là tôi thấy ông Hùng, anh Cường và chị Hà ồn ào với 5-6 người kiểm lâm là sai, tôi không nhận ra người nào với người nào cả. Tôi không thấy Cường cầm dao, cũng không thấy Cường ném đá, lại còn nói đến mức viên đá to bằng nào thì tôi càng chịu, cái này Công an bịa ra, rõ ràng bịa ra” – ông Dần khẳng định.


Vừa nói, ông Dần vừa đưa chúng tôi ra vị trí mà ông đứng lúc đó, đúng là ban ngày nhưng cũng thật khó mà nhìn ra hiện trường, huống gì lúc đó trời đã tối không rõ mặt người. Qua đây, “tôi đề nghị HĐXX căn cứ vào biên bản lời khai của tôi qua làm việc với luật sư vì tôi đã kiểm tra biên bản kỹ càng chứ không được dùng biên bản mà tôi đã làm với điều tra viên vì biên bản đó có nhiều điều tôi không nói”- ông nói thêm.


Cũng như ông Dần, một nhân chứng khác là Vũ Ngọc Tuyền (1985) cho biết: Khi tôi đang ở nhà thì Trưởng công an xã Tràng Đà là ông Cường có điện thoại gọi tôi ra xã. Tôi không biết có việc gì và đã ra xã. Khi ra đến nơi thì có hai anh công an trên thành phố xuống giới thiệu tên là Đỗ Quang Căn và Phạm Sơn Tùng. “Kết thúc buổi làm việc tôi có ký biên bản, các anh ấy không đọc lại cho tôi nghe, tôi cũng không được đọc lại vì tôi cũng không yêu cầu, các anh ấy xoay tờ giấy và chỉ cho tôi ký vào đâu và ký như thế nào thì tôi ký”. “Buổi làm việc thứ hai xảy ra tại nhà riêng của tôi, khi đó chỉ có một mình anh công an Đỗ Quang Căn, làm việc cũng giống như lần trước, nghĩa là tôi cũng không được nghe đọc lại, cũng không tự mình đọc lại và anh Căn bảo tôi ký vào đâu thì tôi ký”.


Như vậy, có thể thấy rằng anh Tuyền đã không kiểm soát việc điều tra viên Đỗ Quang Căn đã ghi những gì vào biên bản lời khai. Cũng như cách làm với ông Dần, chúng tôi đã cho anh Tuyền xem lại biên bản làm việc giữa anh và điều tra viên hôm đó, anh giật mình “Trong các biên bản đó có nhiều câu ghi mà tôi không được chứng kiến”. “Việc tôi ký vào văn bản của các anh công an và có viết cả nội dung là: “tôi đã đọc lại biên bản và thấy đúng như đã khai” cũng là do các anh công an hướng dẫn viết như vậy”. Vì từ trước đến nay tôi chưa bao giờ làm việc với cơ quan pháp luật nên tôi không chú ý. “Tôi đề nghị Toà án cho xét xử vắng mặt tôi và Toà án căn cứ vào các nội dung mà tôi làm việc với luật sư chứ không căn cứ vào các biên bản làm việc của tôi với công an trước đây. Bởi vì, trước đây khi làm việc xong với công an tôi không được đọc lại biên bản mà tôi đã khai” anh Tuyền đề nghị.


Những ngày qua điều tra viên Đỗ Quang Căn vẫn đang tiếp tục tìm gặp nhân chứng bằng mọi cách.


Nguyễn Phúc Khánh (Tạp chí Pháp lý)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP