Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tòa hình sự có được hòa giải tại phiên xử?


Sau đó, quyết định này bị kháng nghị, hủy vì tòa đã “hòa giải” giữa bị cáo và người bị hại để người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố. Vị chánh án có quyết định bị hủy trả lời báo chí: Chúng tôi không ấu trĩ vì án hình sự không được hòa giải, đó chỉ là sự thỏa thuận giữa bị cáo với người bị hại...


Xung quanh việc này có nhiều ý kiến khác nhau. Vậy với án hình sự, tòa án có được hòa giải hay không? Ai phải hòa giải, thủ tục thế nào…?


Đúng là BLTTHS không có điều luật nào quy định tòa án “hòa giải” nhưng cũng không có quy định nào cấm “hòa giải”. Qua nghiên cứu các quy định của BLTTHS, việc “hòa giải” vẫn có thể được trong một số trường hợp sau:


Thứ nhất: Với vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, tòa án có thể “hòa giải”. Nếu người bị hại đồng ý rút đơn khởi tố thì tòa án hướng dẫn cho họ viết đơn rút yêu cầu khởi tố, đồng thời tòa ra quyết định đình chỉ vụ án. Việc tòa án cấp sơ thẩm tiến hành “hòa giải” để người bị hại rút đơn yêu cầu không vi phạm tố tụng mà còn thể hiện trách nhiệm của tòa án trong quá trình giải quyết vụ án, góp phần tăng cường sự đoàn kết xóa bỏ những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Vì việc phải mở phiên tòa để xét xử chỉ là biện pháp cuối cùng, không ai mong muốn.



Ảnh minh họa


Trong BLTTHS, lẽ ra thủ tục hòa giải cũng phải quy định vì trong một số trường hợp, việc hòa giải đó không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo. Thực tiễn xét xử không ít trường hợp tại phiên tòa người bị hại đã xin tòa tha cho bị cáo hoặc xin cho bị cáo được hưởng án treo và dù không có quy định nào đề cập nhưng khi quyết định hình phạt, tòa bao giờ cũng cân nhắc đến lời đề nghị của người bị hại. Vì thế đã có ý kiến cho rằng nên chính thức quy định tình tiết “người bị hại xin tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là tình tiết giảm nhẹ”.


Trường hợp thứ hai, tòa hòa giải phần dân sự không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo. Chẳng hạn, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại hoặc của người chăm sóc người bị thiệt hại; chi phí cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng; tiền bù đắp tổn thất về tinh thần... Phần dân sự này, theo quy định của BLTTHS thì tòa án có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Và khi tách phần này ra, việc hòa giải là bắt buộc. Vậy hà cớ gì khi được giải quyết trong vụ án hình sự nó lại không được hòa giải?!


Tòa án chỉ không được hòa giải nếu phần dân sự trong vụ án hình sự có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo. Ví dụ: Bị cáo A lừa đảo chiếm đoạt 700.000.000 đồng của B thì tòa án không thể hòa giải để giảm số tiền A chiếm đoạt vì số tiền này thuộc tình tiết định khung hình phạt. Tuy nhiên, tòa án vẫn có thể hòa giải giữa B và A về việc bồi thường thiệt hại đối với số tiền 700.000.000 đồng vì B có thể chỉ yêu cầu A phải bồi thường ít hơn, thậm chí không buộc bồi thường.


Việc hòa giải trong vụ án hình sự cũng phải lập biên bản, có chữ ký của các bên (thẩm phán, thư ký, bị cáo và người tham gia tố tụng…).


Hy vọng khi sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2003, vấn đề hòa giải trong vụ án hình sự sẽ được quy định chính thức.


Theo ĐINH VĂN QUẾ (Pháp luật TP HCM)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP