Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Vụ ‘con ruồi nửa tỷ’: Chưa đủ yếu tố cấu thành tội 'Cưỡng đoạt tài sản'?


Cái giá của sự thiếu hiểu biết


Theo tin tức trên báo Dân Trí, ngày 5/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, công an tỉnh Tiền Giang đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, bắt tam giam đối với Võ Văn Minh, SN 1980 (ngụ An Cư, Cái Bè, Tiền Giang) để điều tra hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.


Theo kết quả điều tra ban đầu, ngày 5/12/2014, anh Võ Văn Minh (bán bún riêu, nước giải khát ở xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã gọi điện thoại đến Công ty TNHH MTV Tân Hiệp Phát (đóng tại tỉnh Bình Dương) báo đang giữ một chai nước hiệu Number One nhựa còn nguyên vẹn tem, bên trong có con ruồi; đồng thời đề nghị Công ty đưa số tiền 1 tỷ đồng mới trả lại chai nước. Nếu phía công ty không chấp nhận sẽ kiện ra Ban bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Bình Dương, đưa tin lên báo, đài để làm mất uy tín Công ty Tân Hiệp Phát.


Vụ ‘con ruồi nửa tỷ’: Chưa đủ yếu tố cấu thành tội 'Cưỡng đoạt tài sản'? - Ảnh 1


Công ty đã cử người xuống làm việc và sau nhiều lần thương lượng, cuối cùng anh Minh yêu cầu phía công ty phải bồi thường cho mình số tiền là 500 triệu đồng thì mới đồng ý trả lại chai nước ngọt. Anh Minh hẹn đến ngày 27/1 sẽ tiến hành giao nhận tiền tại một quán cà phê ở xã Hậu Thành, huyện Cái Bè. Ngay sau khi nhận xong tiền, bỏ vào cốp xe máy thì anh Minh bị lực lượng trinh sát tạm giữ để điều tra hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.


Đến lúc bị bắt, mọi người trong gia đình mới hay anh Minh dám cưỡng đoạt số tiền lớn như vậy. Ông Võ Văn Kỷ, 70 tuổi (Cha của Minh – PV) cho biết: “Chiều bữa đó nghe người ta nói nó bị công an bắt tôi cứ tưởng là nhậu nhẹt quậy phá gì đó bị công an xã mời nên giận không quan tâm. Nào ngờ nghe người ta đồn ầm lên là buôn ma túy hay buôn tiền bạc gì đó nhưng tới tối khi xem ti vi mới biết mọi chuyện”. Theo ông Kỷ, tất cả những thành viên trong nhà không ai ngờ xảy ra chuyện như vậy vì anh Minh có chai nước ngọt giấu kín và đi thương lượng 1 mình.


Không phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản"?


Tuy nhiên, nhiều người quan tâm đến vụ việc đã đặt câu hỏi: việc Tân Hiệp Phát thỏa thuận và chấp nhận đề nghị đổi 500 triệu đồng lấy chai nước ngọt có ruồi mà anh Minh phát hiện được có phải là bị đe dọa hay đó chỉ là thỏa thuận dân sự nhằm bảo vệ uy tín của công ty?


Nhất là việc đại diện công ty đã vờ đồng ý với đề nghị 500 triệu đồng của anh Minh nhưng rồi âm thầm tố cáo công an bắt quả tang anh Minh nhận tiền có phải là hành vi cố tình "giăng bẫy" để khách hàng rơi vào tình huống vi phạm pháp luật?


Nhiều người thông cảm nhưng cũng không ít người chê trách hành động tham lam, thiếu hiểu biết của anh Minh. Đồng thời, nhiều người cũng lên án Công ty Tân Hiệp Phát quá tàn nhẫn với chính khách hàng của mình. Ông Nguyễn Văn An, chạy xe ôm ở xã An Cư cho biết: “Tôi chạy xe ôm ở gần quán bún riêu của vợ chồng ông Minh thuê mặt bằng bán vào buổi chiều. Bình thường ông Minh cũng hòa đồng, lo làm ăn nên khi xảy ra chuyện cũng không ai ngờ tới”. Theo ông An, có lẽ do thiếu hiểu biết nên anh Minh mới “bắt đền” công ty sản xuất số tiền lớn đến như vậy để rồi bị bắt, khởi tố vì tội “cưỡng đoạt tài sản”.


Chia sẻ trên báo Giáo dục Việt Nam, luật sư Nguyễn Tấn Thi – văn phòng luật Hoa Sen, Đoàn luật sư TP.HCM (người nhận bào chữa miễn phí cho ông Minh) đã khẳng định: Chưa đủ yếu tố để cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” để áp dụng xử lý đối với Minh.


Luật sư Thi phân tích: Theo đúng điều 135 của Bộ luật Hình sự về tội ‘Cưỡng đoạt tài sản’, người bị hại phải có những vũ lực hoặc thủ đoạn khác, nhằm đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác, thì mới bị xử lý theo tội danh này. Tuy nhiên, áp dụng trường hợp cụ thể của ông Minh và Tân Hiệp Phát, rõ ràng Tân Hiệp Phát là một tổ chức hoạt động theo đúng những quy định của pháp luật, chứ không phải là một cá nhân.


Trong trường hợp này, nếu xét trên phương diện cá nhân thì “người khác” được quy định trong luật ở điều 135 ở đây có thể hiểu là Ban lãnh đạo của Tân Hiệp Phát, nhưng Minh lại không hề làm việc uy hiếp, đe dọa tinh thần này.


Ngoài ra, việc ông Minh dùng lời nói (đưa chai Number 1 lên báo chí, Ban bảo vệ người tiêu dùng) có thể được coi là đe dọa người khác hay không, hay thủ đoạn khác là những thủ đoạn cụ thể gì, trong Bộ luật Hình sự cũng không có hướng dẫn cụ thể.


“Mà đã không có ghi trong luật thì không thể áp dụng, chúng ta hoàn toàn không thể suy diễn điều này được” – luật sư Thi nhấn mạnh.


Luật Bảo vệ người tiêu dùng và luật Vệ sinh An toàn thực phẩm đã quy định rõ, người tiêu dùng khi mua phải một sản phẩm bị lỗi, kém chất lượng, hoàn toàn có quyền thông báo sự việc đến Ban bảo vệ người tiêu dùng, hoặc các cơ quan báo chí, nhưng không có nghĩa là bắt buộc phải làm.


“Nếu đã xác định được đó là quyền của người tiêu dùng, thì rõ ràng chúng ta không thể coi nó là lời nói đe dọa được, mà chính là quyền được pháp luật quy định, chính đáng của người tiêu dùng. Như vậy, theo luật sư Thi thì việc cơ quan điều tra khởi tố ông Minh với tội “Cưỡng đoạt tài sản” là không đủ yếu tố, mà đó là quyền của người tiêu dùng.


Vụ ‘con ruồi nửa tỷ’: Chưa đủ yếu tố cấu thành tội 'Cưỡng đoạt tài sản'? - Ảnh 2


Luật sư Thi khẳng định chưa đủ yếu tố khởi tố ông Minh tội 'Cưỡng đoạt tài sản' - Ảnh: Báo Giáo dục Việt Nam


Đồng quan điểm với Luật sư Nguyễn Tấn Thi – văn phòng luật Hoa Sen, Đoàn luật sư TP.HCM. Trên báo Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), điều 135 Bộ luật hình sự quy định về tội cưỡng đoạt tài sản như sau:


"Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ...".


"Dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác" nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ làm một việc gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội.


Chẳng hạn như đe dọa hủy hoại tài sản, tố giác hành vi phạm pháp hoặc hành vi vi phạm đạo đức, loan tin về đời tư (mà người bị đe dọa muốn giấu kín)... dẫn đến việc nạn nhân phải đưa tiền.


Về mặt chủ quan, người phạm tội phải là người có lỗi cố ý trực tiếp, tức là biết được hành vi của mình đang uy hiếp người khác dẫn đến việc người đó phải đưa tiền cho mình.


Trong vụ án này, dù anh Minh có nói sẽ đưa vụ chai nước cho cơ quan báo chí nếu công ty không đưa tiền nhưng cũng cần phải làm rõ mức độ nghiêm trọng trong lời "đe dọa" này đến mức nào và phía người đại diện của Công ty Tân Hiệp Phát có thật sự lo sợ đến mức phải chấp nhận đề nghị ấy bằng mọi giá hay không?


Việc công ty đưa ra các đề nghị, chấp nhận một phần đề nghị của anh Minh (500 triệu đồng khi anh Minh đề nghị 1 tỉ đồng) có thể thấy phía công ty đã cố tình làm cho anh Minh hiểu rằng đề nghị bồi thường của khách hàng đã được phía công ty chấp nhận.


Vì thế anh Minh đã yên tâm đến nhận tiền "bồi thường" và bị công an bắt, cho nên trong ý thức chủ quan có thể anh Minh không nghĩ rằng hành vi của mình là sự đe dọa mà cho rằng đó là sự tự nguyện bồi thường của công ty.


Vì vậy, quy kết anh Minh cưỡng đoạt tài sản trong trường hợp này cần phải điều tra thật chặt chẽ.


Nếu ngụy tạo chai nước ngọt có ruồi, khởi tố là đúng


Trao đổi với Tuổi Trẻ, kiểm sát viên cao cấp Trần Đông Chu - Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm khu vực III (tại TP.HCM) - cho biết "cần làm rõ yếu tố cưỡng đoạt tài sản của anh Minh trong vụ án này".


Theo ông Chu, đáng lẽ cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải trưng cầu giám định chai nước ngọt trước khi khởi tố vụ án để xem con ruồi có sẵn trong chai hay do anh Minh cố tình ngụy tạo, bỏ con ruồi vào để hù dọa nhà sản xuất.


Nếu chai nước ngọt có ruồi là do anh Minh cố tình làm ra thì hành vi đe dọa, tống tiền doanh nghiệp của anh Minh đã rõ, cơ quan điều tra khởi tố là đúng.


Tuy nhiên, nếu con ruồi đã có sẵn trong chai nước trước khi anh Minh mua về thì lỗi này hoàn toàn do doanh nghiệp sản xuất đã bất cẩn, cẩu thả, không tuân thủ quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.


Vì thế khi mua phải chai nước này, anh Minh là khách hàng - là người bị thiệt hại khi bỏ tiền mua phải sản phẩm mất vệ sinh, có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nếu uống phải.


Theo quy định của pháp luật, anh Minh hoàn toàn có quyền đòi nhà sản xuất phải bồi thường cho mình. Phía công ty có quyền đồng ý hay không, số tiền đồng ý là bao nhiêu.


Việc anh Minh nói sẽ đưa chai nước cho báo chí có phải là thủ đoạn đe dọa để cưỡng đoạt tài sản của Tân Hiệp Phát hay chỉ là cách nói chuyện trong quá trình thương lượng bồi thường cần phải được làm rõ.


Triệt phá băng nhóm chuyên cưỡng đoạt tài sản trên xe khách


Gia Huy (tổng hợp)



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP