Đã là 'giả điên' thì dĩ nhiên phải có chế tài
Một luật sư đã đăng đàn trả lời báo chí rằng: Người cố tình giả điên cũng là động cơ và mục đích xấu nên theo tôi Toà án kiên quyết không cho họ hưởng khoan hồng. Cách nói như vậy có phần hơi thiếu Logic. Bởi lẽ nếu Tòa án xác định được hành vi đó là “giả điên” chứ không phải điên thật thì không những người đó không được hưởng khoan hồng mà còn là cơ sở để tăng nặng hình phạt đối với người phạm tội. Và dĩ nhiên đã là giả điên thì lỗi cố ý và có động cơ và mục đích rõ ràng là trốn trách trách nhiệm hình sự, trốn tránh sự “truy xét” của cơ quan chức năng.
Ảnh minh họa.
Theo quy định của Bộ luật hình sự: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.” Do đó vấn đề quan trọng nhất là xác định người đó có đang mắc bệnh tâm thần, bệnh điên dẫn đến mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi thật không hay chỉ “giả vờ”.
Thực tế Luật sư và cả Tòa án đều không có đủ trình độ chuyên môn để xác định một bị can, bị cáo có “giả điên” hay không mà phải nhờ đến cơ quan giám định và cơ quan chuyên môn khác. Do đó nhiều đặt dấu hỏi về tính khách quan, trung thực của văn bản giám định. Và cho rằng đây có thể là “lỗ hổng” trong việc chạy án. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng mỗi cơ quan có chức năng và nhiệm vụ của mình và bản thân họ phải chịu trách nhiệm với việc thực hiện chức năng nhiệm vụ đó.
Trong trường hợp có những nghi vấn về văn bản giám định và quá trình giám định thì Luật sư cũng như Tòa án đều có quyền yêu cầu giám định lại hoặc chứng minh văn bản giám định đó không có cơ sở pháp luật. Khi chứng minh được có hành vi “giả điên” thì cả người “giả điên” và người giám định người phạm tội bị điên đều phải chịu những chế tài theo quy định của pháp luật.
Điều 307: Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật (BLHS năm 2009) 1. Người giám định, người phiên dịch, người làm chứng nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Có tổ chức; b) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Băng Tâm
www.nguoiduatin.vn