Nóng bình luận về phạt người đội mũ bảo hiểm rởm
Dư luận đang rất quan tâm đến thông tin người đi đường khi đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt như đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách. Và việc xử phạt này có thể bắt đầu được áp dụng từ ngày 15/4.
Theo đó, người đi đường khi đội mũ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là người dân bằng mắt thường liệu có khả năng nhận thức được đâu là mũ rởm, mũ không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và đâu là mũ “xịn”, phù hợp tiêu chuẩn.
Một điều đáng nói nữa hiện nay trên thị trường các loại mũ rởm, mũ “thời trang” được bán tràn lan không những ở các hàng mà ngay cả trên những chiếc xe bán dạo phố. Và chính vì mũ bảo hiểm rởm được bán tràn lan như thế nên rất nhiều người mua, rất nhiều người sử dụng. Nhiều bạn đọc đặt dấu hỏi liệu phạt người đi đường khi sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vào lúc này đã hợp lý?
Giả thiết vào ngày 15/4, khi cơ quan chức năng đồng loạt ra quân xử phạt người tham gia giao thông về hành vi đội mũ bảo hiểm không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng trên thị trường vẫn bán công khai những loại mũ này thì ai mới là người đáng phạt. Người đội mũ rởm đáng phạt? Người sản xuất mũ rởm có bị phạt? Người bán mũ đáng phạt? Hay phạt người quản lý thị trường đã để mũ rởm tràn lan khắp mọi nơi?
Phân tích trên khía cạnh logic sẽ thấy hành vi của người đội mũ kém chất lượng tham gia giao thông là hành vi cuối cùng trong chuỗi những hành vi “lưu thông” mũ rởm. Bởi lẽ trước khi đến tay người sử dụng thì phải có người sản xuất ra chiếc mũ đấy, mũ rởm cũng là một loại hàng hóa, sản xuất mũ rởm cũng là sản xuất hoàng hóa rởm, hàng hóa kém chất lượng.
Người sản xuất mũ rởm chính là mầm mống, là nguồn cung ứng những chiếc mũ kém chất lượng này ra thị trường. Sản xuất ra thì phải có người bán nó, người bán mũ rởm là người trung gian đưa mũ rởm ra thị trường. Và nếu không có đội ngũ bán hàng này thì mũ rởm cũng không thể ào ạt, lấn át “tự tung, tự tác” ghê gớm như vậy.
Tiếp đó, chúng ta có một đội ngũ những người làm công tác quản lý có đầy đủ khả năng, biện pháp để ngăn chặn thậm chí răn đe bằng các hình thức xử phạt hành chính, áp dụng biện pháp tịch thu tiêu hủy. Nhưng dường như còn có sự yếu kém, thiếu quyết liệt trong công tác quản lý của cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng buôn bán mũ rởm vẫn xảy ra.
Ai phạt người bán mũ rởm
Vậy ai phạt người bán mũ bảo hiểm kém chất lượng? Cơ quan chức năng phạt, chắc chắn là như thế. Nhưng phạt đến đâu, hiệu quả ra sao lại là một câu chuyện khác. Ai sẽ phạt cơ quan, những người quản lý thị trường hay ít ra những người này chịu trách nhiệm đến đâu khi mũ rởm vẫn được bày bán công khai trên đường phố?
Luật gia Giang Quyết
www.nguoiduatin.vn