Miễn trách nhiệm hình sự thế nào để tránh hàm oan, lọt tội?
Quá trình sửa đổi BLHS, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có những quy định chặt hơn về vấn đề này...
Chỉ áp dụng với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng
Miễn TNHS là chế định nhân đạo trong Luật Hình sự Việt Nam. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 BLHS thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội.
Khoản 2 điều này cũng quy định trong trường hợp trước khi có hành vi phạm tội mà bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm; cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn TNHS.
Không còn nguy hiểm cho xã hội sẽ được miễn TNHS |
Tuy nhiên, việc quy định "có thể được miễn TNHS" dẫn đến những cách áp dụng khác nhau. Cùng một tính chất vụ việc nhưng có thể được miễn, hoặc không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, việc cho miễn TNHS đối với loại tội phạm nào cũng gây nhiều tranh cãi.
Th.s Lê Văn Toán - Bộ môn Pháp luật, Học viện Cảnh sát nhân dân - phân tích: "Xét về lô gic thì bất cứ tội phạm nào, người phạm tội nào nếu thoả mãn các tình tiết được quy định tại Khoản 2 Điều 25 BLHS thì đều có thể được miễn TNHS không kể tội phạm đó là loại tội phạm nào, tội danh gì…
Tuy vậy, trong thực tiễn khi áp dụng điều khoản này, cơ quan có thẩm quyền thường miễn TNHS đối với loại tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, còn với loại tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì rất ít trường hợp người tội phạm được miễn TNHS mà chỉ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ TNHS khi quyết định hình phạt".
TS. Trịnh Tiến Việt - Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tư pháp Hình sự (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) dẫn chứng: Báo cáo khảo sát hầu hết các địa phương chỉ áp dụng đối với trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng, chưa có áp dụng nào đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Việt cho rằng "Nên hạn chế phạm vi loại tội mà người phạm tội chưa bị phát giác nếu họ ra tự thú, đó là loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng để có sự phân hóa hơn nữa trong chính sách hình sự, cũng như có sự kết hợp với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi".
"Nếu không quy định hạn chế phạm vi loại tội sẽ dễ dẫn đến việc lạm dụng để áp dụng đối với cả những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, không bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm", ông Việt nhấn mạnh.
Đưa hối lộ mà chủ động khai báo: Nên miễn
Thực tế trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng hiện nay, nhiều người không dám tố cáo hành vi tham nhũng, nhận hối lộ khi bản thân họ là người bị "vòi vĩnh" vì nếu tố cáo họ sẽ trở thành nạn nhân.
Bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - cho rằng: "Chúng ta đang chặn cả hai đầu, vừa xử lý người nhận hối lộ đồng thời xử lý người đưa hối lộ, điều khoản về miễn trách nhiệm nếu chủ động phát giác vẫn còn rất nhỏ và hẹp, dẫn đến tình trạng người đưa hối lộ nếu tố cáo sẽ đồng thời tố cáo chính mình".
Cũng theo bà Nga, trong tình hình hiện nay, nếu miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn cho người đưa hối lộ thì mới xử lý được người nhận hối lộ. Vì công chức nhà nước, cán bộ có chức vụ quyền hạn thì phải chịu sự kiểm soát của nhà nước nghiêm khắc hơn so với dân. Phải trả lời câu hỏi tại sao dân đưa hối lộ, nếu không phải vì bị nhũng nhiễu, gây khó dễ?.
Th.s Đinh Văn Quế - nguyên Chánh Tòa Hình sự TANDTC - phân tích thêm: Pháp luật quy định người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Và việc này do cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng quyết định.
"Bản thân quy định này đã tạo ra sự “tùy tiện” khi hành xử đối với người tố cáo". Ông Quế nói và cho rằng "pháp luật không nên đòi hỏi người tố cáo phải đưa ra bằng chứng, mà chỉ buộc họ phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo, khi nhận được tố cáo, nếu cần cơ quan tiếp nhận phải yêu cầu người tố cáo làm cam đoan về nội dung tố cáo là sự thật. Việc thu thập chứng cứ là nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận đơn thư tố cáo".
Nhiều ý kiến đồng tình, pháp luật cần đứng về phía người chủ động tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là với các tội phạm về tham nhũng thì mới có thể phát hiện và xử lý triệt để loại tội phạm này.
Bên cạnh đó, cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, trong đó hướng dẫn cụ thể thế nào là “sự chuyển biến của tình hình”; “hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội” và “người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội” trong các trường hợp được miễn TNHS để áp dụng cho thống nhất và đúng pháp luật, qua đó không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội.
Theo Bình An (Pháp luật Việt Nam)
www.nguoiduatin.vn