'Bồi thường tinh thần' người bị hiếp dâm thế nào là đủ?
Những tình huống này trên công đường ngày càng trở nên phổ biến, nhưng quy giá trị tinh thần ra bằng vật chất thực sự là bài toán khó.
Hơn trăm triệu đồng cho... tương lai rẽ ngang
Đang là sinh viên năm cuối ngành thủy sản của Trung tâm giáo dục thường xuyên Sóc Trăng, Trương Hoàng Hiếu (SN 1983, ngụ ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Mỹ Tú) mắc vào vòng lao lý khi năm 2007, Hiếu bị Công an huyện Mỹ Tú bắt giam về hành vi cố ý gây thương tích. Vụ án qua hai vòng tố tụng, đến ngày 10/9/2010, sau hơn hai năm ngồi tù, Hiếu được Công an huyện quyết định đình chỉ điều tra bị can vì hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được Hiếu phạm tội.
Sau khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra, Hiếu đã làm đơn yêu cầu TAND huyện Mỹ Tú phải có trách nhiệm bồi thường thỏa đáng về vật chất, lẫn tinh thần sau hơn hai năm bị bắt giam.
Thương lượng không thành, năm 2011 Hiếu khởi kiện yêu cầu tòa án bồi thường hơn 530 triệu đồng, trong đó gồm cả tiền tổn thất tinh thần do thời gian ở tù khiến Hiếu học hành dang dở, tương lai sự nghiệp tiêu tan.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm vụ án đòi bồi thường thiệt hại do oan sai, TAND huyện Mỹ Tú chỉ chấp nhận bồi thường cho Hiếu 168 triệu đồng, trong đó thiệt hại giảm sút tinh thần được tính bằng 139 triệu đồng, còn lại là các khoản chi phí khác...
Không đồng tình với mức bồi thường này, Hiếu tiếp tục kháng cáo lên TAND tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng mức kiện đòi bồi thường về vật chất và tinh thần do oan sai của Hiếu có những phần không hợp lý; Hiếu cũng không đưa ra được bất kỳ tài liệu, chứng cứ gì mới để chứng minh các khoản thiệt hại... Do đó, Tòa án tỉnh tại phiên tòa phúc thẩm tháng 1/2013 đã giữ nguyên mức bồi thường của án sơ thẩm.
Một vụ án khác cũng gây nhiều tranh cãi về bồi thường "tổn thất tinh thần". Đó là vụ án Đỗ Ngọc Hữu Nghĩa "hiếp dâm" bạn gái là chị T. ở tỉnh Hậu Giang. Hai người này quen biết với nhau qua chương trình kết bạn trên mạng điện thoại di động. Khi đó, Nghĩa tự giới thiệu mình là cảnh sát hình sự ở Tp. Hồ Chí Minh. Đầu năm 2012, Nghĩa đưa chị T. về nhà mình chơi. Lấy cớ dạy võ cho chị T, Nghĩa đã trói tay, bịt mắt với chị T rồi giở trò đồi bại với chị.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa bị tuyên phạt 6 năm tù về tội hiếp dâm. Riêng phần trách nhiệm dân sự, Tòa tuyên bị cáo phải bồi thường gần 19 triệu đồng bù đắp tổn thất tinh thần cho bị hại (tương đương 18 tháng lương tối thiểu).
Nhiều ý kiến cho rằng mức bồi thường này là tương xứng với tổn thất bị cáo gây ra vì trong tội hiếp dâm, khách thể xâm hại ngoài danh dự, nhân phẩm còn có cả tính mạng sức khỏe. Trong vụ này, chị T bị tổn hại sức khỏe 2%, do đó, theo Nghị quyết 03 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì mức bồi thường tối đa là 30 tháng lương tối thiểu.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, nếu chỉ tính bồi thường tổn thất tinh thần thì Nghị quyết 03 chỉ quy định tối đa là 10 tháng lương tối thiểu. Vụ án nói trên quy ra bằng 18 tháng là vượt quá mức cho phép.
Khó quy đổi thành tiền
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật dân sự, thì người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Để hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan, trong đó có "tổn thất tinh thần" Hội đồng thẩm phán TANDTC đã có Nghị quyết số 03 ngày 08/7/2006. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tính toán bồi thường rất khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của Tòa.
Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự, TANDTC, từng nhận định: "Tổn thất về tinh thần không thể xác định được một cách chính xác hoặc tương đối chính xác như thiệt hại về vật chất; mức độ tổn thất về tinh thần nhiều hay ít cũng không phụ thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm; cũng không phụ thuộc vào hình thức lỗi của người xâm phạm (cố ý hay vô ý), mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, bị xa lánh, bị hiểu lầm của người bị thiệt hại hoặc người thân thích của nạn nhân". Tuy nhiên, mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm cũng là một đại lượng khó xác định.
Nhiều thẩm phán có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cũng thừa nhận, việc tính tổn thất tinh thần trong từng vụ việc cụ thể là khác nhau. Ví dụ như một nghệ sỹ, bị đánh đến cụt tay, mù mắt không thể tiếp tục nghề nghiệp của mình thì tổn thất dù có áp dụng đến mức tối đa cũng chưa tương xứng với những gì họ phải chịu đựng. Một bé gái bị hiếp dâm làm cho hoảng loạn đến phát điên thì bồi thường đến bao nhiêu cũng sẽ là không đủ... Do đó, quyết định ở mức nào, bao nhiêu sẽ là do Tòa án quyết định trên cơ sở các chứng cứ có được.
Biết rằng, với ý nghĩa chỉ bù đắp một phần tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm nên việc quy định mức bồi thường chỉ mang ý nghĩa tương đối, song khi xét xử trong từng trường hợp, thẩm phán cũng cần cân nhắc cẩn trọng, công tâm.
Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định...và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu..Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (Khoản 2 Điều 609 BLDS) |
Theo T. Nhất (Pháp luật Việt Nam)
www.nguoiduatin.vn