Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Vụ án oan làm đổi luật nước Mỹ (Kỳ cuối)


Phiên điều trần diễn ra rất căng thẳng vì những lời tranh luận của 2 bên. Nelson Gary luôn bảo vệ bản án của các phiên tòa trước đã tuyên dành cho Ernest vì ông tin rằng cảnh sát đã làm đúng. Dựa trên lời khai của Patrice, lại thêm việc chiếc xe ô tô màu xanh, đằng sau ghế trước có sợi dây buộc trùng hợp với miêu tả của nạn nhân cũng đủ cho thấy Ernest là nghi can số một. Việc cảnh sát tập trung điều tra nghi can duy nhất này là đúng đắn dù có sơ suất nhỏ là không thông báo các quyền của anh ta. Sơ suất này không hề làm ảnh hưởng tới bản chất của vụ án khi nghi can đã tự nguyện nhận tội mà không hề bị đánh đập hay ép cung.


Cuối cùng, viên chánh án Earl đã phải tự tay viết những quan điểm trái chiều của các bên và đề xuất phương án bỏ phiếu. 9 viên thẩm phán sẽ cân nhắc và bầu chọn quan điểm nào là đúng đắn hơn cả.


Và quan điểm của Flynn, Frank đã chiến thắng.


Theo đó, các vị thẩm phán cho rằng những người thi hành công vụ phải đảm bảo mọi nghi can được phổ biến và thông báo sao cho họ hiểu được các quyền do Hiến pháp quy định mà mình được hưởng. Sở cảnh sát trên khắp đất nước bắt đầu phải thông báo cho nghi can biết họ có quyền giữ im lặng, bất kỳ điều gì họ nói sẽ được sử dụng để chống lại họ trước tòa, và họ có quyền có luật sư. Nếu họ không có điều kiện mời luật sư, sẽ có một luật sư được chỉ định để bào chữa cho họ.


Quan điểm này (thường được biết tới với cái tên “quyết định Miranda”) được đưa ra công chúng vào ngày 13/6/1966. Nhờ đó, Ernest Miranda phát hiện ra vụ án của anh ta được đảo ngược lại thông qua việc xem tivi. Ernest, cũng như gia đình nhỏ của anh ta, nghĩ rằng anh sẽ được tự do. Họ vui mừng khôn xiết và chuẩn bị buổi tiệc ăn mừng.


Nhưng bang Arizona chưa muốn để Ernest đi dễ dàng như vậy.


Ernest vẫn phải ở trong tù vì tội ăn cắp từ trước. Đây là tội danh đã được tuyên từ trước và không bị ảnh hưởng bởi “quyết định Miranda”. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin về luật mới tới bang Arizona, các công tố viên ở Maricopa tuyên bố sẽ xét xử lại vụ Ernest Miranda hiếp dâm mà không chấp nhận sử dụng tờ thú tội của anh ta như một bằng chứng có hiệu lực.


Nhưng tự bản thân Ernest Miranda lại là vấn đề trục trặc nhất vào lúc này. Không hiểu vì lý do gì, anh ta vẫn thú nhận việc mình đã hãm hiếp Patrice McGees với vợ là Twila Hoffman.


Cô vợ, nghe xong nổi điên và muốn có quyền chăm sóc và nuôi con mình sau khi ly dị. Cô nói với công tố viên về lời thú tội của chồng trong trại giam với mình. Các công tố viên đã sử dụng điều này trong phiên tòa tái thẩm. Từ đó lại nảy sinh vấn đề có nên sử dụng lời khai của người vợ để làm bằng chứng trong phiên tòa xét xử lại Ernest. Mọi việc lại kiện cáo lên tòa án tối cao Hoa Kỳ. Nhưng lần này tòa không chấp nhận nghe những lời bào chữa cho Ernest Miranda. Anh ta bị kết án lần thứ 2 về tội hiếp dâm Patrice McGee. Một thẩm phán tối cao ở Maricopa tái kết án Ernest Miranda từ 20 – 30 năm tù vì tội bắt cóc và hiếp dâm.


"Chúng tôi dựa trên thực tế là mọi vấn đề đều có ngoại lệ và coi trường hợp của Miranda như là kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, trong thời gian bắt giữ và xét xử Ernest, luật chưa quy định đầy đủ về quyền cơ bản của nghi phạm như đã được Hiến pháp đề cập tới” – chánh thẩm phán Rehnquist nói. “Chúng tôi đồng tình với kết luận của phiên phúc thẩm, mặc dù thừa nhận có những quan niệm khác nhau về việc này”.


Vậy là dù thẩm phán Rehnquist chấp nhận luật mới quy định phải thông báo quyền cho nghi can trong quá trình bị bắt và thẩm vấn, ông vẫn giữ nguyên mức án dành cho Ernest vì ông tin rằng cơ quan điều tra đã làm đúng. Các tổ chức dân quyền vẫn đấu tranh rất nhiều. Kết quả tuyệt vời cho những nỗ lực đó, thông qua vụ án của Ernest Miranda, là luật pháp quy định những người thi hành công vụ phải công bố quyền của nghi can khi bị bắt và thẩm vấn, xét xử.


Cuộc đời của Ernest Miranda sau khi ra tù


Ernest Miranda thi hành được 1/3 án bị tòa tuyên phạt thì được giảm án rất nhiều trước khi tòa án Aricona đồng ý thả tự do anh trong tháng 12/1972. Sau niềm vui đó là cả một cuộc mưu sinh vất vả.


Ernest Miranda kể với bạn rằng anh muốn làm việc gì đó ở bên ngoài. Anh này muốn đi học lại để “được hiểu biết trong xã hội”. Dù không biết là khó khăn nhưng đó chỉ là suy nghĩ ban đầu.


Nhưng “giang sơn dễ chuyển, bản tính khó dời”, Ernest Miranda sớm rơi vào lối sống trước đây. Ra tù sau hơn 1 năm, anh ta lại có trục trặc với cảnh sát vì lái xe trong lúc say xỉn. Sau nữa, Ernest bị phạt 1 năm tù vì sử dụng súng trái phép. Thế là anh ta lại phải “thăm lại” nhà tù bang Arizona một thời gian.


Sau khi ra tù, Ernest dành toàn bộ thời gian đi làm hầu bàn ở các quán bar. Một đêm tháng 1/1976, Ernest Miranda dành buổi tối chơi bài và đánh bạc với một nhóm khác. Một cuộc hỗn chiến vì mâu thuẫn về tiền bạc xảy ra trong nhóm. Ernest bị một gã nhập trái phép người Mexico đâm chết. Lúc đó anh mới 36 tuổi.


Cảnh sát đã bắt được một trong những kẻ gây ra vụ án mạng. Và khi khống chế tên này, họ đã thực hiện 1 quy tắc theo luật mới quy định với những lời thông báo: “Anh có quyền giữ im lặng, bất kỳ điều gì anh nói có thể chống lại anh tại tòa”.


Theo Trutv/Khampha.vn





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP