Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Hé lộ 'chiêu' né thuế 9 tỷ USD của Apple


Trước khi tiến hành vụ phát hành trái phiếu đình đám nêu trên, hồi tháng trước Apple đã công bố một chương trình mua lại cổ phiếu kỷ lục với quy mô lên tới 55 tỷ USD. Trong vòng 3 năm tới “gã khổng lồ” ngành công nghệ sẽ chi trả cho các cổ đông tổng cộng 100 tỷ USD.


Apple né được hàng tỷ USD tiền thuế


Apple "né" được hàng tỷ USD tiền thuế


Để tài trợ cho kế hoạch này Apple không dùng tiền mặt sẵn có mà quyết định huy động từ thị trường tài chính dưới hình thức phát hành trái phiếu. Vì sao một tập đoàn dư thừa hàng trăm tỷ USD lại chấp nhận đi vay để thực hiện kế hoạch này? Theo phân tích của các chuyên gia thuế, hiện tại mặc dù Apple có khối tiền mặt dôi dư tới 145 tỷ USD nhưng chỉ có 45 tỷ USD tại Mỹ, còn lại đều ở nước ngoài.


Nếu dùng trực tiếp tiền mặt, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp Apple phải trả cho chính phủ Mỹ sau khi chuyển số lợi nhuận trên từ nước ngoài về sẽ lên tới 9 tỷ USD. Ngoài ra, việc sử dụng nợ thay vì tiền mặt tại quỹ cũng sẽ giúp công ty này tiết kiệm được khoảng 100 triệu USD mỗi năm.


Cho dù khoản vay 17 tỷ USD mới đây khiến mỗi năm Apple phải chi trả khoảng 310 triệu USD tiền lãi, họ vẫn sẽ thu về được khoảng một phần ba số này nhờ được giảm thuế thông qua “lá chắn thuế”.


Một doanh nghiệp khi dùng vốn vay để đầu tư cho hoạt động kinh doanh, khi hạch toán lợi nhuận, khoản lãi vay sẽ được tính vào chi phí hoạt động, giúp giảm thu nhập chịu thuế, qua đó giảm số tiền thuế phải nộp. Trong khi đó nếu sử dụng vốn tự có, doanh nghiệp sẽ không được giảm trừ.


“Với việc dùng vốn vay thay vì chuyển tiền từ nước ngoài về Mỹ, Apple đã tiết kiệm được một khoản thuế khổng lồ”, Kevin Phillips, một chuyên gia thuế quốc tế tại công ty Baker Tilly khẳng định. “Họ sẽ nhận được khoảng 100 triệu USD mỗi năm nhờ được giảm thuế”.


Gerald Granovsky, một nhà phân tích tại hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng khẳng định: “Nếu giả định rằng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 35%, dựa trên những dữ liệu hiện có và những tính toán sơ bộ khác thì để có được số tiền tương ứng 17 tỷ USD tại Mỹ, công ty đó phải chuyển về nước 26 tỷ USD. Điều này rõ ràng không hấp dẫn bằng việc chỉ phải trả 300 triệu USD tiền lãi từ đợt phát hành trái phiếu”.


Apple xuất sắc trong kinh doanh, tài tình trong “né” thuế


Trong một bản báo cáo trình lên Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ mới đây, Apple cho biết trong năm 2012 đã trích dự phòng 14 tỷ USD tiền thuế thu nhập trên tổng lợi nhuận trước thuế 55,7 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp “trái táo” phải chịu là 25%.


Thu nhập của Apple tại Mỹ đều được chuyển về Braeburn Capital để né thuế


Thu nhập của Apple tại Mỹ đều được chuyển về Braeburn Capital để né thuế


Trong khi đó, vẫn theo bản báo cáo trên, tập đoàn này chỉ trích dự phòng 713 triệu USD cho khoản thuế thu nhập ở nước ngoài trong khi đạt lợi nhuận trước thuế tới 36,8 tỷ USD. Điều đó cho thấy mức thuế suất thuế thu nhập tại nước ngoài họ phải chịu chỉ là 2%.


Theo tìm hiểu của tờ New York Times, để có được mức thuế suất như mơ tại nước ngoài này, một trong những biện pháp chính của Apple là thành lập một công ty con có tên là Braeburn Capital, tại thành phố Reno, bang Nevada, nơi thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0.


Quỹ đầu tư này đã quản lý và đầu tư hầu như toàn bộ nguồn tiền của Apple tại Mỹ cho dù văn phòng chỉ có một nhúm nhân viên với vài chiếc máy tính và được đặt tại một tòa nhà không ai biết đến.


Nhờ thủ thuật này, Apple không phải trả thuế cho bang California, nơi họ đặt tổng hành dinh trong khi các nhân viên vẫn được hưởng phúc lợi từ nguồn thuế của người dân tại bang này. “Trái táo” làm được điều này bởi rất nhiều hàng hóa của họ, như các bài hát, game, ứng dụng...là những sản phẩm vô hình. Họ có thể khai đã bán nó từ bất kỳ đâu. Trong khi đó một chiếc xe hơi nếu bán tại bang nào sẽ phải chịu thuế thu nhập tại bang đó.


Ngoài ra, còn một thủ thuật khác mà họ sử dụng đó là “Nhân đôi Ailen với bánh xăng-uých Hà Lan”. Với phương pháp này, mọi lợi nhuận bên ngoài nước Mỹ của Apple sẽ được chuyển qua các công ty con tại Ailen, sau đó được chuyển tiếp tới Hà Lan và cuối cùng là tới một quốc đảo ở Caribbe.


Tại “thiên đường thuế”, Luxembourg, Apple mở một công ty con có tên iTunes S.à r.l. Công ty này kiểm soát tới 20% doanh số toàn cầu của hãng trong khi chỉ có vài chục nhân viên. Hay như đảo Virgin Island của Anh, một “thiên đường thuế” khác, cũng là đích đến của các khoản doanh thu của tập đoàn này.


Theo Dân trí





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP