Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Những vụ thâu tóm công ty CN Việt của đối tác ngoại


Các công ty công nghệ mới khởi nghiệp tại Việt Nam đang truyền nhau câu cửa miệng “IDG hay là chết” (IDG là quỹ đầu tư chuyên mua các công ty công nghệ có tiềm năng theo dạng đầu tư mạo hiểm). Các công ty khởi nghiệp (startup) cũng tìm cách để nhận những khoản đầu tư của các quỹ, hoặc bán cổ phần, bán công ty cho đối tác nước ngoài. Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2013 đã diễn ra nhiều cuộc "bán thân" trong làng công nghệ Việt Nam.











Những cuộc mua bán trong làng công nghệ Việt Nam gần đây.

Thương vụ Ngân Lượng: Hài lòng


Ngân Lượng là một sản phẩm của công ty cổ phần Giải pháp Phần mềm Hòa Bình (Peacesoft). Đây là cổng thanh toán điện tử lớn với khoảng 10.000 nhà cung cấp sử dụng dịch vụ, được chấp nhận kết nối từ 3 nhà mạng, 24 ngân hàng. Peacesoft đã bán 50% vốn của Ngân Lượng cho MOL Access Portal Sdn. Bhd (MOL). MOL là một công ty thanh toán trực tuyến lớn có trụ sở ở Malaysia, với doanh thu năm vừa rồi lên tới 300 triệu USD, với khoảng 60 triệu giao dịch.


Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Peacesoft, việc ra các quyết định kinh doanh từ đây về sau tại Ngân Lượng sẽ do ông Ganesh Kumar Bangah, Tổng giám đốc MOL toàn cầu, thực hiện. Ông Bình không tiết lộ giá trị thương vụ M&A này và chỉ nói giá trị đó xứng đáng với công sức phát triển thị trường thanh toán trực tuyến của nganluong.vn trong suốt 4 năm vừa qua, và xứng đáng cho sự mở rộng thị trường của MOL tại Việt Nam.


Phía MOL cũng thỏa mãn với hợp tác lần này, khi hoàn thành danh mục đầu tư tại thị trường Đông Nam Á với thị trường quan trọng cuối cùng là Việt Nam.


Trước thương vụ của Ngân Lượng, đã có những làn sóng từ thị trường dịch vụ nhân sự. Tháng 2/2013, Vietnam Online Network (sở hữu kiemviec.com, HRvietnam.com) đã bán sản phẩm Yume cho MJGroup, sau đó bán toàn bộ công ty cho CareerBuilder.


Tháng 4/2013, Navigos (sở hữu VietnamWorks và Navigos Search) cũng bán 89,8% vốn cho En-Japan. Trước đó, thị trường thanh toán trực tuyến cũng chứng kiến nhiều cái bắt tay giữa đối tác Việt và đối tác ngoại. Cuối năm 2011, NTT Data (Nhật) đã mua 40% vốn điều lệ tại VietUnion để sở hữu ví điện tử Payoo tại Việt Nam. Trước khi liên doanh với MOL, Ngân Lượng cũng đã hợp tác với Paypal.


Ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc khối thương mại điện tử của công ty VCCorp cho rằng: “Đối với những sản phẩm tốt thì chuyện M&A để phát triển tốt hơn là chuyện hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, có rất nhiều startup chỉ chăm chăm suy nghĩ xây xong để bán, khiến cho họ làm ra những sản phẩm không thật sự tốt và bán lúa non”.


Là người trong cuộc, ông Bình Peacesoft cho rằng: “Đừng gọi là bán con, vì như thế là sai bản chất. Phải hiểu đúng ý nghĩa của nó là dựng vợ gả chồng. Theo đó con mình đẻ ra, đến lúc phải cho nó lập gia đình cho ổn định để còn phát triển gấp 5 gấp 10 lần nữa”.


Chỉ mua tiềm năng


Trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện tại, dù là "bán con" hay là "dựng vợ gả chồng" đều không phải chuyện dễ dàng, nhất là về giá trị mua bán sao cho vừa lòng đôi bên.


Nói về việc làm thế nào để bán được giá, ông Bình Peacesoft cho rằng, không có một biện pháp nào có thể nâng cao giá trị doanh nghiệp một cách nhất thời trong mắt các nhà đầu tư, hoặc nếu có thì cũng sẽ sớm bị lật tẩy vì các quy trình thẩm định của các nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp là cực kỳ kỹ lưỡng và chặt chẽ. Theo ông, nếu doanh nghiệp có thực lực, hiểu biết sâu rộng và đang thực sự dẫn đầu thị trường với chiến lược phát triển lâu dài thì tự nhiên các nhà đầu tư sẽ tìm đến với giá trị xứng đáng.


Theo ông Bình, nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn vào thị trường Việt Nam nhưng nếu tự đầu tư xây dựng từ đầu thì chưa chắc đã hiệu quả bằng việc mua lại các doanh nghiệp bản địa đang có sẵn. Vì vậy, họ mua lại cổ phần của doanh nghiệp số 1 thị trường, giá mua cao nhưng lợi ích lâu dài là lớn.


Cũng về việc mua bán, ông Nhan Thế Luân, tổng giám đốc NCT, chủ trang web nhaccuatui.com cho rằng, bị bán và được mua là 2 câu chuyện khác nhau.


“Khi định giá công ty cũng có công thức cơ bản dựa trên doanh thu, lợi nhuận, thương hiệu. Chẳng hạn, giá bán tính bằng 10 lần lợi nhuận năm, 3 lần doanh thu cộng giá trị thương hiệu thị trường. Nhưng ngành công nghệ lại khác hơn một chút khi giá trị được định giá phần nhiều nghiêng về những giá trị dự kiến trong 3-5 năm tới, dựa vào lượng người sử dụng, thị trường và thậm chí định giá cả người sáng lập. Do vậy, để được giá tốt thì nên chọn đối tác cần để được mua sẽ có giá tốt hơn là bị bán”, ông Luân nói.


Theo ông Luân, ngành công nghệ Việt Nam chỉ mới ra đời một thời gian ngắn, các giá trị hữu hình như tài sản, máy móc không nhiều. Do vậy, bên mua chủ yếu đánh giá tài sản vô hình và tiềm năng của công ty Việt Nam để ra quyết định có mua hay không, mua với giá nào.


Theo Nhịp Cầu Đầu Tư





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP