Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Quy định về hộ gia đình 'làm khó' người giao dịch dân sự


Giữa "rừng luật" như vậy nhưng trên thực tế, việc vận dụng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong các giao dịch chuyển nhượng tài sản.


Không có quyền về tài sản, vẫn phải ký bán


Ông Nguyễn Văn V. ở Từ Liêm, Hà Nội kết hôn với bà Trịnh Mai P. năm 1995. Năm 2002, trong sổ hộ khẩu gia đình ông V được cấp thể hiện có 5 thành viên. Ngoài ông V (chủ hộ), bà P, có hai con nhỏ và anh Nguyễn Văn T (em ruột ông V).


Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, tại sổ hộ khẩu của gia đình ông V. đã phát sinh thêm một số thành viên mới. Đó là do anh T, em ruột ông V. khi đó đã đi lấy vợ, vợ của anh này và con nhỏ mới sinh cũng được nhập khẩu vào gia đình ông V, nâng tổng số thành viên trong gia đình ông lên con số 7 người.


Năm 2010, UBND huyện cấp cho hộ gia đình ông V. giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 1.000 m2. Năm 2011, ông V. cần vốn làm ăn nên quyết định chuyển nhượng diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.


Tuy nhiên, khi làm các thủ tục chuyển nhượng, công chứng viên đã yêu cầu phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong gia đình (trừ cháu bé mới 6 tuổi), mặc cho ông V. ra sức thanh minh gia đình người em trai của mình chỉ "nhập nhờ" trong sổ hộ khẩu mà không có quyền với tài sản, rằng hiện nay em trai của ông đi công tác nửa năm ở nước ngoài, nên không thể ký vào hợp đồng chuyển nhượng hoặc giấy ủy quyền...nhưng ông được lý giải đây là quy định bắt buộc.



Ảnh minh họa


Trường hợp như ông V. không phải là hiếm, khi chính sách nhập khẩu tại các thành phố lớn một thời là vô cùng khắt khe (ví dụ phải có nhà mới được nhập khẩu và ngược lại, phải có hộ khẩu mới được mua nhà), vì thế nhiều người đã chọn cách nhập nhờ hộ khẩu vào gia đình người thân, họ hàng, bạn bè... từ đó dẫn đến những chuyện dở khóc dở cười.


BLDS hiện hành chưa định nghĩa rõ ràng khái niệm như thế nào là hộ gia đình (mà chỉ khẳng định hộ gia đình có thể là chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự) và khi thực hiện các giao dịch dân sự thì căn cứ vào tiêu chí nào để xác định các thành viên trong hộ gia đình đó.


Hiện nay, cách xác định phổ biến về thành viên hộ gia đình là căn cứ vào sổ hộ khẩu. Cho rằng "sổ hộ khẩu không có giá trị chứng minh quyền sở hữu/ sử dụng một khối tài sản chung nào đó của những người có tên trong sổ hộ khẩu" nhưng theo ông Tuấn Đạo Thanh - Trưởng Phòng Công chứng số 1 Hà Nội - thì "phương pháp dùng sổ hộ khẩu để xác định số lượng thành viên trong hộ gia đình trên thực tế lại là biện pháp duy nhất hiện đang được các công chứng viên sử dụng".


Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, sự biến động về thành viên trong hộ gia đình cũng chưa được BLDS dự liệu. Bởi lẽ, trên thực tế, gia đình không phải là một chủ thể bất biến mà luôn chứa đựng những yếu tố biến động của sinh, ly, tử, biệt, tách, nhập…, tuy nhiên, do quy định của BLDS không rõ ràng nên khó xác định thành viên của hộ trong trạng thái biến động đó.


Có nên bỏ quy định về hộ gia đình?


Bà Lê Thị Hoàng Thanh và ông Phạm Văn Bằng - Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp - cho rằng: Sau khi chính sách về đất đai được rà soát lại, Luật Đất đai năm 2003 được xem xét sửa đổi, bổ sung toàn diện, cơ quan có thẩm quyền nên rà soát, xác định lại từng mảnh đất ghi nhận quyền sử dụng của hộ gia đình thuộc về thành viên cụ thể trong gia đình.


Những giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình cần được chỉnh sửa theo hướng ghi rõ các cá nhân là thành viên, nghĩa là ghi đủ tên các thành viên của hộ hoặc ghi một hay một số cá nhân là chủ sử dụng đất thực sự khi có đủ căn cứ chứng minh nguồn gốc đất đó do cá nhân được chuyển nhượng, chia tách hoặc do thừa kế, tặng cho riêng. Với đề xuất này, hai chuyên gia nói trên ủng hộ phương án không duy trì hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự.


Tuy nhiên, theo ông Tuấn Đạo Thanh thì việc quy định hộ gia đình là chủ thể pháp luật dân sự trong thời điểm hiện nay là cần thiết do hộ gia đình không những chỉ tham gia các quan hệ về đất đai mà còn là chủ thể của rất nhiều loại hình giao dịch khác. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải quy định cụ thể, rõ ràng cách thức xác định số lượng thành viên của hộ gia đình, quyền và nghĩa vụ của từng cá nhân thành viên cũng như chế định đại diện trong hộ gia đình.









1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.


2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.


(Điều 109 Bộ luật Dân sự)



Theo Bình An (Pháp luật Việt Nam)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP