Xây dựng luật không phải để hạn chế quyền của dân
“Việc người dân và các tổ chức được tiếp cận với những thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, quản lý của các cơ quan nhà nước là rất khó khăn. Ngay cả việc công bố công khai các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cũng rất hạn chế vì không ít văn bản còn đóng dấu mật”. Đó là nhận định của ông Lê Trọng Vinh, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Nội vụ, tại tọa đàm Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho các tổ chức xã hội tham gia vận động và đóng góp xây dựng chính sách, diễn ra chiều 28-5.
Theo ông Vinh, thời gian qua nhiều tổ chức xã hội đã tham gia góp ý, tham vấn, phản biện và giám sát nhiều chính sách nhưng hiệu quả chưa cao. Điều này một phần do điều hành của Nhà nước hiện nay còn mang dấu ấn của cơ chế cũ, thiếu cơ chế huy động sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Các cơ quan nhà nước cũng chưa tham khảo triệt để ý kiến của người dân, doanh nghiệp, đối tượng bị tác động nên việc “tự biên, tự diễn” đã kéo dài tình trạng một số dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thiên về dành thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, trái với xu thế cải cách hành chính.
Ảnh minh họa
TS Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, cũng nêu thực trạng nhiều dự thảo được đưa ra lấy ý kiến nhưng đâu lại vào đấy khiến người góp ý nản lòng. “Cho nên phải có một cơ chế về tiếp thu ý kiến góp ý một cách thực tế, cầu thị thì mới mong việc góp ý có hiệu quả thật sự” - TS Tung nói.
Ngoài ra, theo ông Tung, tư duy làm chính sách hiện nay đang theo một quy trình ngược. “Lẽ ra chúng ta ban hành luật là để ràng buộc các cơ quan công quyền đảm bảo các lợi ích chính đáng của người dân thì luật của chúng ta hiện nay lại đi hạn chế quyền của người dân, cấm đoán cái này cái kia… Điển hình như Luật Cư trú, lẽ ra quyền tự do cư trú của người dân phải được đảm bảo thì lại bắt người dân ôm một tập hồ sơ, thủ tục chạy đi chạy lại để đăng ký hộ khẩu. Trong khi đó, bộ máy của chúng ta lại gắn chặt với quan hệ lợi ích. Chúng ta nói đơn giản thủ tục hành chính nhưng đơn giản hoài không được. Bởi lẽ cứ cắt đi một thủ tục nào chính là cắt đi một phần lợi ích của cán bộ, công chức” - ông Tung phân tích.
Để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia xây dựng chính sách hiệu quả hơn, ông Vinh đề xuất cần sớm nghiên cứu một số luật như Luật Trưng cầu ý dân, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Hội, Luật Dân chủ cơ sở…
Theo T.HẰNG ( Pháp luật TP Hồ Chí Minh)
www.nguoiduatin.vn