Mô hình chính quyền địa phương: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Tránh tính hình thức của cơ quan dân cử tại địa phương
Xây dựng quyền lực nhà nước chính là xây dựng quyền lực của nhân dân, tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân, chứ không phải là quyền lực tập trung trong tay các đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, hiện việc thực hiện mục tiêu quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực hiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp làm cho “Hội đồng nhân dân chưa thoát khỏi tình trạng hình thức, không thực quyền, hiệu lực, hiệu quả chưa cao, vai trò vị trí của các cơ quan dân cử tại địa phương chưa tương xứng, chưa đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân, thậm chí bị mờ nhạt và thụt lùi so với quy định của pháp luật”. Để Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực, trên thực tế đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của địa phương, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân và góp phần cho sự phát triển chung của đất nước, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đã có những góp ý tập trung vào sửa đổi, bổ sung những qui định của Hiến pháp.
Ông Triệu Là Phan (Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) đề nghị “giữ nguyên qui định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương như trong Hiến pháp năm 1992” để tiếp tục khẳng định quyền lực của nhân dân trong bộ máy chính quyền. Đồng thời hoàn thiện thể chế giám sát, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho Hội đồng nhân dân, kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả tổ chức hoạt động của chính quyền dân cử ngày càng có thực quyền xứng đáng với vai trò vị trí và ý chí nguyện vọng của nhân dân và quyền làm chủ của nhân dân.
Trong khi ông Huỳnh Nghĩa (Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng) đề nghị “xác định địa vị pháp lý của Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường” trong sửa đổi Hiến pháp lần này, thì Thứ trưởng Bộ Tư pháp PGS.TS.Hoàng Thế Liên nhận thấy “không nên tổ chức Hội đồng nhân dân rập khuôn giống nhau ở cả ba cấp tỉnh, huyện và xã” mà “cần xây dựng chế độ dân chủ đại diện ở địa phương có cân nhắc, lựa chọn và nên kế thừa mô hình của Hiến pháp 1946 tính đến hiệu quả và tính thiết thực được ghi trong Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 là “thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.
Ảnh minh họa
Bảo đảm dân chủ nhưng phải tự chịu trách nhiệm
Đó là yêu cầu được đặt ra cho việc sửa đổi các qui định của Hiến pháp về mô hình chính quyền địa phương. Phân tích những qui định hiện hành về chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, ưu điểm là không để lọt vấn đề quản lý, tuy nhiên có thể nảy sinh tình trạng cùng một vấn đề nhưng 4 cấp chính quyền cùng giải quyết và việc tổ chức hoạt động của các cấp chính quyền không có sự phân biệt giữa các vùng, lãnh thổ khác nhau. Trong một số trường hợp thì chính quyền, địa phương lại nặng về chấp hành quyết định của cấp trên hơn là chấp hành pháp luật.
Nhận thấy “cần có thái độ rõ ràng trong Hiến pháp” về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, ông Huỳnh Nghĩa đề nghị có những sửa đổi căn bản quan trọng, thể hiện quan điểm Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết của Trung ương Đảng liên quan về việc kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước trong đó có bộ máy của chính quyền địa phương là bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp.
Một vấn đề được PGS.TS.Hoàng Thế Liên đề xuất trong sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần bổ sung nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương nhằm thống nhất với nguyên tắc xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó chính quyền địa phương là một thiết chế phải được hoạt động trên cơ sở bảo đảm tính dân chủ, theo nguyên tắc tự quản. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, “việc làm rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương còn nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức và cụ thể hóa các nhiệm vụ của địa phương trong luật tổ chức và luật chuyên ngành”.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng cũng cho rằng, chính quyền địa phương dù được tổ chức theo mô hình nào đều phải “thể hiện trách nhiệm của nhà nước trong quan hệ với quyền làm chủ của nhân dân theo nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Có như vậy chúng ta mới có cơ sở vững chắc về mặt pháp lý để tổ chức xây dựng các mô hình chính quyền theo đặc thù của địa phương”.
Theo H.Giang (CTTĐT Bộ tư pháp)
www.nguoiduatin.vn