Cần luật hóa nguyên tắc suy đoán vô tội?
Nguyên tắc suy đoán vô tội là cách gọi quen thuộc trong giới những người làm nghề luật nói chung. Đó là sự thừa nhận chính thức của xã hội, thông qua các quy tắc pháp lý, về việc một người bị tình nghi phạm tội được coi là ngoại phạm chừng nào các bằng chứng rành rành chống lại người này chưa được cơ quan có thẩm quyền lôi ra ánh sáng.
Nguyên tắc suy đoán vô tội không phải từ trên trời rơi xuống mà là thành quả của nền văn minh, là kết quả đạt được sau những cuộc đấu tranh nhọc nhằn đòi công lý cho những người bị kết tội nhầm, bị xử oan.
Tình nghi chưa chắc là tội phạm
Được hưởng sự suy đoán ấy, người bị tình nghi không cần phải dốc sức chứng minh rằng mình vô tội, thậm chí có quyền im lặng. Chính những người được xã hội giao chức năng phát hiện, nhận dạng tội phạm, đặc biệt là cơ quan điều tra và cơ quan công tố phải nỗ lực làm cho công luận, tòa án tin vào những cáo buộc của mình bằng cách trưng ra những chứng cứ buộc tội thuyết phục mà họ thu thập được.
Việc thiết lập nguyên tắc suy đoán vô tội có tác dụng kép:
Thứ nhất, đó là lời cảnh báo thường xuyên đối với những người được xã hội giao chức năng gìn giữ, bảo đảm trật tự xã hội kèm theo quyền sử dụng công lực để thực hiện chức năng ấy. Họ phải thực hiện phận sự một cách mẫn cán, cẩn trọng, chặt chẽ và có trách nhiệm. Họ phải hiểu rằng nhiệm vụ của họ không chỉ để vạch mặt, chỉ tên tội phạm một cách chính xác mà còn tránh gây tai họa cho người hiền lương.
Thứ hai, nó mở lối ra cho những vụ án đi vào ngõ cụt, khi mà dù đã làm hết cách, cơ quan có thẩm quyền không trả lời được câu hỏi: Ai thực sự là tác giả của hành vi được gọi là tội phạm?
Anh Nguyễn Minh Sang (Tiền Giang) - người bị tòa án cấp sơ thẩm phạt chín tháng tù dù quá trình điều tra không chứng minh được anh phạm tội. Đến tháng 3-2013, anh Sang được minh oan. Ảnh: T.TÙNG
Thật ra có thể trong phần lớn trường hợp, những người bị cơ quan chức năng đặt vào diện tình nghi cao rốt cuộc là người phạm tội đích thực. Nhưng không thể từ đó đánh đồng tất cả người bị tình nghi với tội phạm. Sự quy kết sớm và nghiệt ngã dễ tạo định kiến đối với người trong cuộc, đồng thời tạo điều kiện bộc phát tâm lý chủ quan, dẫn đến thái độ làm việc tùy tiện, tắc trách của người có thẩm quyền.
Trước hết, những người có trách nhiệm bảo đảm thực thi luật pháp phải nhận thức được tầm quan trọng của công việc, đặc biệt là tác động trực tiếp của nó đối với cuộc sống, sự nghiệp, danh dự, nhân phẩm và cả tính mạng của con người. Từ nhận thức đó, người ta dễ dàng nhận ra yêu cầu số một đối với công việc của những người này, đó là phải tôn trọng sự thật khách quan. Phải bắt cho đúng người, quy cho đúng tội.
Trong thực tiễn, ngoại trừ trường hợp phạm pháp quả tang, các vụ vi phạm pháp luật chỉ bị phanh phui sau khi đã xảy ra. Nói khác đi, có nhiều vụ phạm pháp mà sự thật về nó không bộc lộ một cách hiển nhiên, cần được dựng lại. Chính những người giữ các vị trí tương ứng với các giai đoạn trong quá trình tố tụng, chứ không phải ai khác, chịu trách nhiệm trong việc khôi phục toàn bộ bức tranh diễn biến thật của câu chuyện. Có được bức tranh hoàn hảo, không chỉ người có thẩm quyền mà toàn xã hội sẽ có điều kiện thẩm định, đánh giá bản chất của sự việc một cách đúng đắn, trên cơ sở đó có kết luận chính xác về việc một người có tội hay không có tội.
Giảm thiểu oan trong tố tụng
Song có những câu chuyện không thể được dựng lại do dấu vết, manh mối cơ bản không còn đầy đủ. Nghĩa là có những vụ vi phạm pháp luật bị bỏ lọt, tạm thời hoặc vĩnh viễn, bất chấp các nỗ lực của con người. Xã hội phải chấp nhận thực tế đó: Suy cho cùng cả việc phát hiện, cũng như việc bỏ sót các vụ vi phạm pháp luật, đều là những điều bình thường. Lý do là hệ thống quản lý, tư pháp, cũng như những người trong hệ thống đó, không phải là thần thánh, không hoàn hảo tuyệt đối về nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức. Đối với người giữ trọng trách trong hệ thống, việc cần làm mỗi khi xảy ra trục trặc là phải rà soát lại quy trình, xem chỗ nào, người nào là nguyên nhân. Sau đó họ phải có biện pháp chấn chỉnh, tránh để tái diễn những chuyện tương tự.
Điều quan trọng là khi cơ quan tố tụng không thu thập được chứng cứ buộc tội thì nghi can phải được chính thức suy đoán là vô tội. Đối với xã hội, đó phải được coi là sự vô tội hoàn hảo, chắc chắn, không nghi ngờ, không tì vết. Nó cho phép người thụ hưởng tiếp tục sống, làm việc, giao tiếp trong những điều kiện bình thường. Có thể với nguyên tắc suy đoán vô tội, nhà chức trách, xã hội buộc phải chứng kiến kẻ bị cho là thủ ác nhởn nhơ trước mắt mình mà không làm được gì. Tuy nhiên, nếu sự thất bại trong việc buộc tội một người có thể khiến một gia đình phải chịu mất mát không thể bù đắp thì việc kết tội oan cho một người có thể làm tan nát cả hai gia đình, chưa kể những hệ lụy xã hội tiêu cực kéo theo.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM)
Theo Pháp luật TP HCM
www.nguoiduatin.vn