Không miễn học phí học sinh có ba mẹ ở biên giới, hải đảo
Theo đó quy định tại điểm 2, khoản 4 Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn học phí cho đối tượng là “trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” sẽ bị bãi bỏ.
Đồng thời Nghị định bổ sung 3 đối tượng được miễn học phí, cụ thể: sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; học sinh, sinh viên, học viên các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Ảnh minh họa
Về đối tượng được giảm 70% học phí được quy định rõ ràng hơn. Các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên các chuyên ngành: nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Sinh viên không cần phải về địa phương để nhận học phí
Nếu như trước đây các đối tượng được miễn giảm học phí phải nộp học phí như bình thường sau đó làm thủ tục về địa phương để nhận lại học phí thì bây giờ theo quy định mới, Chính phủ sẽ cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục.
Điều này sẽ giúp đỡ rất nhiều cho các đối tượng này, vì thực tế hiện nay quy trình nhận lại học phí từ sở Lao động thương binh xã hội các địa phương vẫn còn rườm rà mang đậm chất “hành là chính”.
Mặt khác việc cấp bù trực tiếp cho trường học sẽ giải quyết được các trường hợp chậm giải ngân (học phí kì này đôi khi phải tới 2, 3 kỳ sau mới được nhận lại) gây thiệt thòi cho các đối tượng chính sách này.
Băng Tâm
www.nguoiduatin.vn