Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không thừa nhận mại dâm là vì ‘sĩ diện’?


Câu chuyện có nên hợp thức hóa mại dâm, coi mại dâm là một nghề được đặt ra và nhận được không ít những ý kiến đồng tình cũng như phản đối.


Nhiều ý kiến phản đối hợp thức hóa mại dâm dựa trên quan điểm: Mại dâm là bóc lột nhân phẩm phụ nữ và là sự bất bình đẳng giới rất là nghiêm trọng. Đây là xâm phạm thuần phong mỹ tục và toàn xã hội phải lên án, không thể xem mại dâm là một cái nghề.


Đồng tình với quan điểm này, nhưng nhìn nhận ở góc độ khác có người khẳng định: Hợp pháp hoạt động mại dâm là đi ngược văn hóa truyền thống dân tộc, là sự “đổ vỡ” của văn hóa. Mại dâm là nét xấu, chống mại dâm là nét đẹp chứ không phải là hủ tục.


Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế thì có thể thấy mặc cho các cơ quan chức năng truy quét gắt gao, tệ nạn mại dâm vẫn tồn tại và phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây. Nếu trước đây chỉ có các cô gái không công ăn, việc làm mới cam chịu sống bằng nghề này thì giờ đây, ngay cả những người mẫu, diễn viên nổi tiếng cũng coi bán dâm như một nghề tăng thêm thu nhập. Càng hoạt động lén lút, hoạt động mại dâm càng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội tiêu cực, phức tạp.



Ảnh minh họa


Và không ít người đã phải thừa nhận: Mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không, nó vẫn tồn tại. Do đó quan điểm này cho rằng cần công nhận đó như một 'nghề' với những quy chế hoạt động đặc biệt, công khai hóa thì sẽ quản lý dễ hơn.


Có ý kiến còn thẳng thắng rằng: Không công nhận, thừa nhận mại dâm là vì sĩ diễn. Chúng ta vẫn cấm nhưng nếu cấm mà nó vẫn phát triển và không kiểm soát chặt chẽ được thì hóa ra chúng ra đang “bất lực” và việc cấm không đạt được hiệu quả như mong muốn. Một xã hội không thừa nhận là mình xấu, mình đẹp trong khi thực tế là mình vẫn có những cái đó thì chẳng phải là “sĩ diện” hay sao?


Không hẳn phủ nhận việc hợp thức hóa mại dâm nhưng cũng không đồng tình với việc coi mại dâm là một nghề, quan điểm thứ ba cho rằng: Mại dâm chỉ là một hiện tượng xã hội thiểu số chứ không nên hiểu là tệ nạn xã hội. Dù có hợp pháp hóa nhưng cũng không thể coi đó là một nghề kiếm sống trong xã hội. Định nghĩa về nghề cũng không thể đem áp vào hoạt động mại dâm. Bởi lẽ kể cả những người mua dâm lẫn bán dâm đều có lúc thấy xấu hổ về những gì mình đã làm.


Có lẽ việc có nên thừa nhận hợp thức hóa mại dâm hay không sẽ còn nhiều tranh cãi. Đi từ quan niệm “mại dâm” là một tệ nạn xã hội đến quan niệm “lao động tình dục” là một nghề dường như không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Dĩ nhiên, hiện tại hoạt động mại dâm vẫn được sự điều chỉnh của các quy định pháp luật nhìn nhận từ góc độ “cấm”. Tuy nhiên quản lý mại dâm thế nào cho hợp lý nhằm giải quyết tốt hơn những hệ quả từ vấn đề này là bài toán không hề đơn giản.


Băng Tâm (tổng hợp)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP