Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Nợ đọng văn bản hướng dẫn: Sẽ 'được' công khai 'danh tính'


Bộ Tư pháp chiều qua tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 1441/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình năm 2014 và Quyết định số 921/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao trách nhiệm theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Một lần nữa, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn tiếp tục là nội dung được các đại biểu quan tâm.


Lại "nóng" chuyện nợ đọng văn bản hướng dẫn


Thời gian qua, việc khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản thi hành luật, pháp lệnh có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng này tăng với tổng số văn bản nợ đọng là 107, trong đó có khoảng 50 nghị định hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2012 đến tháng 7/2013, trong 611 nội dung trong luật cần quy định chi tiết thì có 225 nội dung chưa được quy định. Như vậy, nợ đọng văn bản hướng dẫn luật lên đến 25,5%, tức 1/3 quy định.



Ảnh minh họa


Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội còn nêu ra nhiều ví dụ cụ thể cho thấy nhiều luật đã có hiệu lực từ 3 - 4 năm qua nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành luật như Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Công nghệ cao có hiệu lực từ năm 2009, hay 4 luật có hiệu lực trong năm 2011 là Luật Khoáng sản, Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.


Còn tại Hội nghị trên của Bộ, cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Lê Hồng Sơn nêu thực trạng văn bản hướng dẫn thi hành bị nợ “đầm đìa” nên "Phải chú trọng đến giải pháp để giải quyết nợ đọng văn bản”.


Công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ


Ông Sơn phân tích: Quy định "văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với luật, pháp lệnh đã có, vậy có phương án như thế nào. Hay là những điều khoản nào trong luật, pháp lệnh giao cho Chính phủ thì lúc đó mới có hiệu lực thi hành, gọi là "để chuông". Nhưng có ý kiến cho rằng như thế sẽ không đồng bộ.


"Tôi cho rằng, sắp tới phải sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào cho phù hợp. Ngoài ra, cần siết kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề này" - ông Sơn kiến nghị. Đồng tình, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) cũng đề xuất, phải cá thể hóa trách nhiệm và thực tế hơn, "chứ không nhất thiết văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời".


Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, Quyết định của Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung giải quyết dứt điểm các văn bản còn nợ đối với luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 trở về trước có giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).


Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cần phân công 1 Thứ trưởng phụ trách việc ban hành văn bản quy định chi tiết trên cơ sở phối hợp với Bộ Tư pháp, bố trí đủ biên chế cho Vụ Pháp chế, bố trí cán bộ làm đầu mối về xây dựng pháp luật tại các đơn vị chuyên môn; thường xuyên đưa nội dung xây dựng thể chế vào các cuộc họp giao ban của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.


Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo, kịp thời kiến nghị xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hàng tháng có báo cáo tại Phiên họp thường của Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; phối hợp với Văn phòng Chính phủ để hàng tháng công khai tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.


Bộ Tư pháp cũng có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các chủ trương, giải pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản. Trong năm 2013, ban hành thông tư quy định về quy trình và các biện pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.


Theo Thục Quyên (Pháp luật Việt Nam)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP