Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

4 kinh nghiệm SEO giúp bạn… thất bại

Khi nhắc đến cụm từ "kinh nghiệm SEO", các chuyên gia SEO của chúng ta thường tìm kiếm những điều cần thiết để tăng thứ hạng trên trang kết quả tìm kiếm của Google. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi đặt ra một câu hỏi ngược lại: Đâu là những kinh nghiệm SEO giúp bạn... thất bại nhanh nhất? Dưới đây là 4 sai lầm hàng đầu mà tôi quan sát và đúc kết được qua nhiều năm làm việc của mình.

Sai lầm 1: Có mới nới cũ!


Dưới đây là một ví dụ điển hình:


"Chúng ta chuẩn bị ra mắt website đã được thiết kế lại dựa trên platform mới. Mọi việc cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng. Chúng ta chỉ cần thay đổi các URL, không cần các chuyển hướng 301 đầy phiền phức, kết hợp với điều hướng liên kết và đoạn văn liên kết, đồng thời, tạo ra nhiều nội dung dưới các định dạng mang tính siêu tương tác để công cụ tìm kiếm không thể giải mã được."


"Hãy nhìn xem, chiến lược thiết kế/xây dựng thương hiệu/phát triển chiến dịch mới mà công ty chúng ta đang thực hiện thật tuyệt vời và mang tính đột phá, và cái website hiện tại trông thật lạc hậu và không xứng tầm. Những nội dung này không phù hợp với chiến lược marketing mới của chúng ta. Hãy tạm quên đi phần nội dung đã từng thu hút lưu lượng truy cập trước đây và các URL mà công cụ tìm kiếm đã đánh chỉ mục cùng giá trị liên kết đi kèm. Chúng ta sẽ bắt đầu lại một cách hoàng tráng hơn"


Ok, phương pháp trên sẽ biến kết quả SEO của bạn thành một con số âm! Việc chỉ tập trung vào việc xây dựng một website mới nhưng không quan tâm đến SEO sẽ tạo các ảnh hưởng rất tiêu cực đến hiệu quả SEO của bạn. Dù đó là một dự án thiết kế lại, chỉnh sửa nội dung, thay đổi điều hướng hay chuyển thể sang platform mới, một chiến lược SEO cần phải được tiến hành song song như một phần của kế hoạch marketing tổng thể.


Sai lầm 2: Làm theo cảm tính


Đây là một kinh nghiệm SEO còn tai hại hơn.


“Mỗi người trong chúng ta hằng ngày "cày cuốc" trong lĩnh vực kinh doanh của chính mình và hiểu rõ khách hàng của mình như lòng bàn tay. Chúng ta luôn có được bản phân tích thị trường cũng như hành vi tâm lý của khách hàng. Chúng ta theo dõi các trang blog uy tín trong lĩnh vực mỗi ngày. Vì thế, tất nhiên chúng ta biết rõ nên nhắm đến từ khóa và cụm từ nào trong các chiến lược SEO của mình. Sao phải tốn công phân tích từ khóa khi chúng ta đã biết rất rõ câu trả lời?


“Khi chúng ta chủ quan cho rằng mình biết câu trả lời, và khi ta cần thực hiện các thay đổi cho website, ta cũng sẽ xác định các khu vực cần thay đổi bằng trực giác. Chúng ta biết khách hàng sử dụng website như thế nào, chúng ta biết họ tiếp cận website bằng cách nào, và chúng ta biết họ chuyển đổi ra sao – tất cả đơn giản là vì chúng ta đã xây dựng và yêu mến và luôn ám ảnh về hình ảnh của chính mình suốt cả ngày. Khách hàng luôn sử dụng website của chúng ta chính xác như kế hoạch đã vạch ra, một cách rất tự nhiên.”


Tôi đồng ý rằng trực giác có vị thế riêng của chúng. Nhưng các quyết định liên quan đến SEO cần căn cứ trên dữ liệu. Do đó, các ý tưởng về những từ khóa nào, cũng như xác định giá trị của từ khóa nên được kết hợp cùng phân tích từ khóa. Những dữ liệu phân tích được có khả năng chỉ ra đâu là từ khóa mục tiêu để từ đó xây dựng chiến lược nội dung SEO cho những trang web cụ thể nào đó.


Các kế hoạch chỉnh sửa website cũng tương tự. Chúng ta đã có nguồn thông tin dồi dào trong web analytics để xác định trang nào thu hút lượt truy cập từ từ khóa với mức độ thường xuyên nhất, và mang lại tỉ lệ chuyển đổi tốt nhất. Do đó, chúng ta hóa ra sẽ là những kẻ ngu ngốc nếu không để mắt phân tích các dữ liệu này khi phát triển kế hoạch SEO, hay bất cứ kế hoạch marketing trực tuyến nào có thể tác động đến SEO.


Sai lầm 3: Mua liên kết


Không bị cám dỗ bởi việc mua liên kết, như trong ví dụ điển hình sau đây.


“Google rất xem trọng liên kết, và chúng ta có tiền, nên hãy cùng nhau mua một ít giá trị SEO. Chắc chắn nếu chúng ta thực hiện cẩn thận và tự mình xem xét các website, chúng ta có thể tránh né sự theo dõi và thu lợi mà không bị Google và Bing phát hiện. Họ không thể cùng một lúc theo dõi từng website trong từng lĩnh vực trên toàn thế giới, và thật ra, bản thân chúng ta cũng xứng đáng được xếp hạng cao hơn, vì thế, các liên kết này chỉ có tác dụng cân bằng cán cân quyền lực mà thôi.


“Theo kế hoạch, chúng ta chỉ cần xây dựng một số liên kết đơn giản trong các danh bạ miễn phí. Sau đó, chúng ta có thể thả một số liên kết được tối ưu với từ khóa vào các bình luận trên blog. Rồi chúng ta cung cấp hàng tá lời khuyên trên wiki và các website hỏi đáp, nhưng không quên đi đến đâu là gieo liên kết đến đó. Nếu công cụ tìm kiếm đánh giá cao liên kết thì càng nhiều liên kết càng tốt hơn nữa, chúng ta có thể thu được rất nhiều liên kết bằng cách này.”


Thật không may khi tất cả các thủ thuật thu hút liên kết kể trên đều dễ dàng bị các thuật toán hiện đại phát hiện. Mua liên kết được đặc biệt qui kết là hành vi vi phạm các quy định của Google, cùng các thủ thuật xây dựng liên kết "mì ăn liền" khác chỉ tạo ra liên kết kém chất lượng. Trong cả hai trường hợp, các liên kết này đều bị thuật toán đánh rớt giá trị, và thậm chí có nguy cơ bị phạt penalty. Ngày nay, cách tốt nhất để thu nhận giá trị liên kết là thu hút chúng một cách tự nhiên thông qua marketing nội dung, cũng như kết hợp chặt chẽ với các kênh marketing trực tuyến hiệu quả khác.


Sai lầm 4: Đi tắt


Tránh đi theo lộ trình dễ dãi, như trong ví dụ tiêu biểu sau đây.


“Nếu đã không thể nhanh chóng xây dựng một lúc nhiều liên kết, ít ra chúng ta cũng có thể nhồi nhét nội dung trên website bằng các nội dung giàu từ khóa khác. Nếu chúng ta cung cấp nội dung từ website này, và kết hợp chúng với dữ liệu từ một nguồn khác, sau đó bổ sung thêm tỉ giá hối đoái và thông tin thời tiết, chúng ta sẽ có hàng tá các trang nội dung mới mà công cụ tìm kiếm có thể “nuốt trôi”. Một thủ thuật nhanh chóng, rẻ tiền, và rất dễ dàng. Hơn nữa, chúng ta cũng có thể tự động tạo tag cho từng trang để tạo một ‘cấu trúc điều hướng trong’ nhằm chuyển tất cả giá trị liên kết sang khu vực mới, sau đó liên kết chéo từng trang đến các sản phẩm tương quan của chúng ta.”


Có vẻ như đây là một phương pháp hiệu quả có thể cung cấp cho công cụ tìm kiếm những gì mà họ muốn – nội dung giàu từ khóa và liên kết. Tuy nhiên, các loại dự án đi tắt này rất hiếm khi cung cấp nội dung độc đáo hoặc giá trị thực sự cho khách hàng. Là sự tổng hợp nội dung từ nhiều nguồn nội dung khác nhau, nội dung đi tắt nếu hiểu theo định nghĩa tất nhiên không hề độc đáo. Bản cập nhật thuật toán Panda gần đây của Google được thiết kế nhằm đánh rớt giá trị của các chiến lược đi tắt như thế này, vì chúng chỉ tập trung tạo ra các nội dung hời hợt hoặc trùng lắp vì mục đích giá trị SEO thay vì giá trị khách hàng.


Liệu các chiến lược đi tắt có giết chết kết quả SEO của một website? Thường thì không, nhưng khi kết hợp với các chiến lược sai lầm khác, chúng có thể tạo ra hậu quả kép. Đi tắt xét cho cùng sẽ làm tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc thay vì dùng chúng cho các chiến lược SEO thực sự nhằm nhắm đến cơ hội thành công lâu dài.


Biên dịch: DGM Việt Nam - Biên tập: LàmMarketing - Nguồn: Practice Ecommerce

Vui lòng để nguồn LàmMarketing khi đăng tải lại bài viết này.




Thủ thuật Seo - Seo tips 4 kinh nghiệm SEO giúp bạn… thất bại

Back to TOP