Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Ai bảo vệ luật sư hành nghề?


Liên đoàn luật sư Việt Nam và Đoàn luật sư các tỉnh thành phố là những tổ chức hữu hiệu bảo vệ và vinh danh luật sư trong hoạt động hành nghề. Nhân ngày luật sư Việt Nam (10/10), phóng viên có buổi trao đổi về chủ đề này với luật sư Đào Ngọc Lý - Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.




Luật sư Đào Ngọc Lý – Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư thành phố Hà Nội


Được biết, luật sư luôn có sứ mệnh bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng, vậy ai là người bảo vệ quyền lợi luật sư khi hành nghề? Chủ tịch có thể cho biết đôi nét về tổ chức và hoạt động của Hội đồng khen thưởng kỷ luật Đoàn luật sư thành phố Hà Nội?


LS. Đào Ngọc Lý: Luật sư có vai trò và sứ mệnh cao quý trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân và tổ chức trong xã hội, nên trước hết luật sư chính là người bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên trong hoạt động phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro này, luôn có không ít áp lực và nguy cơ đối với luật sư và hành nghề luật sư.


Đoàn luật sư ở mỗi tỉnh, thành phố là tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư thành viên trong hành nghề. Tương tự như vậy, Liên đoàn luật sư Việt Nam là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư, các đoàn luật sư trong phạm vi cả nước.


Đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu luật sư là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn luật sư, có trách nhiệm bầu ra Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng kỷ luật (KTKL) trong mỗi kỳ đại hội.


Đại hội đại biểu Đoàn luật sư thành phố Hà Nội khóa VIII (2008 – 2013) đã bầu 10 thành viên Hội đồng KTKL và 14 thành viên Ban chủ nhiệm theo quy định của Luật Luật sư năm 2006 (trước đây chưa có mô hình này).


Hiện nay số lượng luật sư của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội là 2068 luật sư chính thức, gần 1900 người tập sự hành nghề luật sư, với gần 850 tổ chức hành nghề hoạt động trên địa bàn Thủ đô và khắp các vùng miền trên cả nước, trong tất cả các lĩnh vực tham gia tố tụng, tư vấn và đại diện ngoài tố tụng.


Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm qua các luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã tham gia hơn 36.000 dịch vụ pháp lý (trong đó có gần 7.000 án hình sự, gần 8.000 án dân sự - kinh tế, hơn 1.000 án hành chính - lao động, hơn 20.000 tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác).


Ngoài ra các luật sư Đoàn luật sư thành phố Hà Nội còn tổ chức nhiều chương trình trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và tích cực tham gia các vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng từ Trung ương tới địa phương.


Hội đồng KTKL có trách nhiệm xem xét vấn đề nợ phí thành viên cũng như vấn đề khiếu nại tố cáo đối với luật sư đồng thời xem xét vấn đề khen thưởng cho luật sư và các tổ chức hành nghề trong từng năm hoặc những dịp kỷ niệm lớn. Cả trên phương diện khen thưởng và kỷ luật, Hội đồng KTKL đều nhất quán nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho luật sư và hành nghề luật sư.


Các thành viên Hội đồng KTKL hầu hết là những luật sư có bề dày kinh nghiệm hoạt động luật sư và hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo đồng thời tham gia nhiều lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.


Đơn cử như luật sư Nguyễn Hoàng Tiến đã từng là điều tra viên công an thành phố Hà Nội, luật sư Ngô Tất Hữu là nhà báo nhiều năm được giao phụ trách một số cơ quan báo chí (hiện vừa hành nghề luật sư lại đang làm cố vấn pháp luật cho một số cơ quan báo chí được Tổng biên tập ủy quyền chuyên giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan tới báo chí). Bản thân tôi hiện tại vẫn đang phụ trách công tác pháp chế, thanh tra của Tổng công ty Chè Việt Nam – Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (liên tục gần 30 năm nay) nên việc giải quyết khiếu nại tố cáo cũng là những công việc thường xuyên phải làm.


Tuy nhiên, việc giải quyết khiếu nại tố cáo của Hội đồng KTKL có những đặc thù khác biệt, bởi các chủ thể này là những người có kiến thức pháp luật, hành nghề chuyên nghiệp nên việc xem xét và giải quyết cũng không hề đơn giản.


Đề nghị Chủ tịch cho biết một số kết quả và kinh nghiệm trong hoạt động của Hội đồng KTKL Đoàn luật sư thành phố Hà Nội?


LS. Đào Ngọc Lý: Trong nhiệm kỳ 5 năm, Hội đồng KTKL Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã chứng kiến và phải xem xét, xử lý khá nhiều vụ việc éo le, phức tạp. Thậm chí có trường hợp luật sư đạt thành tích vẫn bị khách hàng làm đơn khiếu nại.


Ví dụ, trường hợp một vụ việc dân sự, khách hàng đòi nhà đất (khách hàng không có tiền nên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ là luật sư tự lo chi phí và chỉ nhận tiền thù lao nếu vụ việc đạt kết quả). Khi vụ việc thành công, bản án có hiệu lực pháp luật, luật sư đề nghị trả tiền thì khách hàng không những không trả tiền mà còn viết đơn khiếu kiện luật sư cho rằng luật sư lợi dụng sự không hiểu biết của khách hàng để trục lợi trái pháp luật. Hội đồng KTKL đã xem xét vấn đề, ủng hộ những việc làm đúng của luật sư và rất vui là sau đó luật sư cũng đã nhận được tiền của khách hàng.


Một trường hợp khác, khách hàng và luật sư có vướng mắc về chi phí thù lao (tranh chấp số tiền 30 triệu đồng) khi hai bên nửa chừng chấm dứt dịch vụ pháp lý, khiếu kiện căng thẳng và kéo dài từ năm 2004 đến năm 2012, cuối cùng hai bên không thể trực tiếp đối thoại với nhau được nữa.


Hội đồng KTKL đã xem xét cụ thể và phân tích thấu đáo khiến hai bên hiểu rõ bản chất sự việc. Sau đó, khách hàng (khi ấy 76 tuổi, nguyên là Trưởng công an phường tại Hà Nội) đã cảm kích viết thư cảm ơn, trực tiếp đến Hội đồng KTKL cám ơn và tặng kèm theo 10 triệu đồng. Hội đồng KTKL rất trân trọng và gửi trả lại nguyên vẹn số tiền cho khách hàng, kết thúc vụ việc trong sự thông cảm, vui vẻ của tất cả các bên.



Cuộc họp Hội đồng KTKL ngày 06/10/2013 tại trụ sở Đoàn luật sư thành phố Hà Nội


Từ cuối năm 2008 đến nay, với khoảng hơn 100 trường hợp khiếu nại, tố cáo đối với luật sư và hành nghề luật sư (trung bình khoảng gần 30 vụ việc/1 năm) thì phần lớn những vướng mắc này là do các bên chưa hiểu đúng về quyền và nghĩa vụ của mình (do xác định công việc không rõ ràng, do hiểu lầm, do vướng mắc về tinh thần, thái độ ứng xử v.v.), nhiều khi mâu thuẫn rất gay gắt nhưng bản chất sự việc lại không thật trầm trọng. Trường hợp tranh chấp và vướng mắc giữa luật sư và cơ quan tiến hành tố tụng, giữa luật sư với tổ chức hành nghề của mình, giữa các đoàn thể cơ quan nhà nước khác với luật sư, v.v. cũng không phải là điều hiếm gặp.


Trong 5 năm qua, Hội đồng KTKL đã xem xét và đề nghị khen thưởng cho nhiều luật sư và tổ chức hành nghề của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội có nhiều thành tích xuất sắc trong hành nghề cũng như hoạt động xã hội hữu ích khác (như giúp các bị can, bị cáo được minh oan, được đình chỉ tố tụng, bảo vệ hiệu quả các vướng mắc và tranh chấp pháp lý cho doanh nghiệp, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách) nên đã được Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan tặng thưởng nhiều bằng khen cũng như những danh hiệu cao quý khác.


Để có được kết quả và thành tích nêu trên, Hội đồng KTKL Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về cơ bản đã từng bước gây dựng được tác phong làm việc khoa học, gương mẫu và đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt những công việc chung. Mỗi thành viên bên cạnh các hoạt động chuyên môn tại tổ chức hành nghề của mình, còn thực hiện tốt các nhiệm vụ xét khen thưởng và kỷ luật của Hội đồng KTKL, đồng thời vẫn tích cực và thường xuyên tham gia nhiều hoạt động hữu ích khác của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.


Hội đồng KTKL Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cùng với Ban chủ nhiệm đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho luật sư và hành nghề luật sư của giới luật sư Thủ đô hoạt động trong phạm vi cả nước. Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhiều năm qua đã xứng đáng là địa chỉ tin cậy trong việc bảo vệ và vinh danh luật sư trong hoạt động hành nghề.


Xin chân thành cảm ơn luật sư.


Theo Dân trí





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP