Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Đề xuất sửa Luật Hải quan, phát triển hải quan điện tử


Thay dần thủ tục truyền thống


Theo Dự thảo sửa đổi Luật Hải quan, phương thức thực hiện thủ tục hải quan sẽ thay đổi căn bản, từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử.


Luật Hải quan hiện hành cơ bản được xây dựng trên cơ sở thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức truyền thống (thủ công) từ khâu tiếp nhận tờ khai, kiểm tra, giám sát đến thông quan hàng hóa. Luật Hải quan có sửa đổi, bổ sung năm 2005 đã bước đầu tạo tiền đề để áp dụng hải quan điện tử, song khi triển khai rộng rãi phát sinh một số bất cập về pháp lý.


Để khắc phục bất cập nêu trên, tại Điều 29 dự thảo Luật Hải quan về khai hải quan có quy định “Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử,…”; việc khai trong tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định; theo đó, việc kiểm tra hồ sơ hải quan được cơ bản thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hoặc đối với một số trường hợp cụ thể được thực hiện trực tiếp bởi công chức hải quan (Điều 32 dự thảo Luật).


Các quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan, hồ sơ hải quan, thời hạn nộp hồ sơ hải quan, đăng ký tờ khai hải quan, cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thủ tục hải quan điện tử, phù hợp với Công ước Kyoto.


Cơ chế "một cửa"


Nhằm bảo đảm tính minh bạch và triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá chế độ quản lý hải quan, phù hợp với thủ tục hải quan điện tử và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, Dự thảo Luật Hải quan bổ sung, sửa đổi các điều từ Điều 46 đến Điều 74 theo hướng các loại hình có chung bản chất sẽ cơ bản áp dụng chung thủ tục.


Đồng thời, bổ sung quy định về thủ tục hải quan đối với một số loại hình hàng hóa nhập nguyên liệu, vật tư để gia công hoặc sản xuất hàng hoá xuất khẩu; hàng hoá xuất nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất; một số loại hình tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu... Các loại hình này chưa được quy định trong luật hiện hành nhưng thực tế đã được Luật Thương mại và các Luật thuế quy định.


Dự thảo Luật cũng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan. Tại Điều 23 dự thảo Luật quy định rõ thời hạn công chức hải quan kiểm tra hồ sơ chậm nhất 2 giờ làm việc; giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá xuống 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình hàng hoá cho cơ quan hải quan (trên cơ sở áp dụng quy định về sử dụng máy soi hàng hóa trong container); trường hợp cần thiết phải gia hạn thì thời gian gia hạn tối đa không quá 2 ngày làm việc.


Để giảm bớt giấy tờ phải nộp không cần thiết cho cá nhân, tổ chức khi làm thủ tục hải quan, tại Điều 24 dự thảo Luật đã đưa ra quy định chung thống nhất về hồ sơ hải quan theo hướng đơn giản hóa, chỉ có tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan.


Dự thảo Luật bổ sung khái niệm “cơ chế một cửa quốc gia” vào Điều 4 – giải thích từ ngữ. Đồng thời, để làm rõ trách nhiệm trong việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, Dự thảo bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan hải quan, cơ quan nhà nước hữu quan và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia tại khoản 2 Điều 9 Dự thảo; bổ sung vào khoản 4 Điều 24 Dự thảo về hồ sơ hải quan quy định “Các chứng từ do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp phép hoặc thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành thì các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện các thủ tục hành chính điện tử để quản lý theo cơ chế một cửa quốc gia”.


Theo Pháp luật Việt Nam





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP