Luật sư có được chứng thực, làm chứng?
Năm 2008, ông MNS đến văn phòng luật sư NĐĐ (phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) để lập giấy cam kết với nội dung toàn bộ bảy thửa đất mà ông đang đứng tên được mua từ nguồn tiền của ông TT (quốc tịch Trung Quốc), ông chỉ là người đứng tên giùm trên các giấy đỏ.
Chứng thực cam kết
Giấy cam kết của ông S. còn ghi nhận việc định đoạt đối với bảy thửa đất trên chỉ được thực hiện khi có văn bản yêu cầu của ông T. Nếu ông S. qua đời mà chưa chuyển giao quyền sử dụng đất cho ông T. thì văn bản cam kết này chính là bằng chứng để những người thừa kế của ông S. tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đối với ông T.
Luật sư NĐĐ đã lập văn bản “chứng thực của văn phòng luật sư” có ký tên, đóng dấu đầy đủ với các nội dung: “Chứng thực ông S. đã tự nguyện lập bản cam kết này, đã ký tên và điểm chỉ ngón trỏ phải vào bản cam kết này trước sự có mặt của tôi, phục vụ cho việc xác định quyền sở hữu do tôi đứng tên đại diện để cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết”; “theo sự nhận biết của tôi, tại thời điểm lập bản cam kết ông S. có đầy đủ năng lực hành vi dân sự”...
Tháng 5-2013, ông S. lập văn bản hủy bỏ giấy cam kết năm 2008. Văn bản hủy bỏ này cũng được luật sư NĐĐ chứng thực với nội dung: “Các bên đã tự nguyện thỏa thuận giao kết hợp đồng và cam đoan chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung hợp đồng. Tại thời điểm chứng thực, các bên đã giao kết hợp đồng có năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định của pháp luật. Nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội”.
Một trường hợp khác, năm 2008, luật sư NĐĐ cũng lập “văn bản chứng thực của văn phòng luật sư” cho cam kết của ông NGT với nội dung ông T. thừa nhận mình chỉ là người đứng tên tài sản giùm người khác.
Làm chứng chuyển nhượng đất giấy tay
Bên cạnh việc chứng thực, thời gian qua cũng đã có luật sư đứng ra làm chứng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (giấy tay) của người dân.
Chẳng hạn vụ ông NTD (ngụ phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM), gần đây đã gửi đơn đến chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM khiếu nại về hành vi ký tên, đóng dấu làm chứng vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (giấy tay) của luật sư BVM.
Theo đơn khiếu nại của ông D., tháng 4-2010, bà LTKL đại diện theo ủy quyền cho bà HTKH ký giấy tay bán một nền đất có diện tích 119,5 m2 với giá gần 2 tỉ đồng cho ông D. Hợp đồng chuyển nhượng (giấy tay) này được luật sư BVM soạn thảo. Sau khi hai bên ký tên và điểm chỉ lên hợp đồng, luật sư BVM đã ký tên, đóng dấu văn phòng với nội dung: “Tôi: Luật sư BVM, Trưởng Văn phòng Luật sư BVM có chứng kiến hai bên A và B ký kết hợp đồng chuyển nhượng này”.
Theo ông D., sau khi đã nhận tiền, bà L. không giao đất cho ông như đã thỏa thuận vì thực ra bà H. không hề ủy quyền cho bà L. bán đất như hợp đồng luật sư BVM đã soạn. Việc ông D. ký vào hợp đồng trên và giao tiền cho bà L. là vì tin tưởng luật sư BVM là người am tường pháp luật và ký tên làm chứng thì hợp đồng tất nhiên phải đúng pháp luật, không thể bị vô hiệu ngay từ khi ký kết.
Được biết cũng lô đất này, từ tháng 12-2005, bà H. đã ký giấy tay bán đất cho người khác với giá 1,3 tỉ đồng. Hợp đồng chuyển nhượng (giấy tay) này cũng được luật sư BVM ký tên, đóng dấu với tư cách người làm chứng.
Không được chứng thực
Xung quanh việc luật sư đứng ra chứng thực, làm chứng cho các giao dịch dân sự, chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia pháp luật.
Về chuyện chứng thực, luật sư Lê Quang Y (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết: Theo Nghị định số 79 ngày 18-5-2007 của Chính phủ, khi cá nhân, tổ chức muốn chứng thực thì đến UBND cấp xã, phòng tư pháp cấp huyện hoặc các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài (đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài). Mặt khác, Luật Luật sư cũng không hề có quy định nào cho phép luật sư được thực hiện công việc chứng thực cả. Như vậy, việc luật sư chứng thực cho giao dịch dân sự là hành vi trái pháp luật.
Đồng tình, luật sư Cao Quang Thuần (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: “Thẩm quyền chứng thực đã được pháp luật quy định rất cụ thể và rõ ràng. Anh là luật sư, anh hiểu luật mà lại cố tình làm sai thì cần phải có chế tài tương xứng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm”.
Chỉ làm chứng giao dịch hợp pháp?
Về chuyện làm chứng, theo luật sư Phan Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 30 Luật Luật sư (về hoạt động dịch vụ pháp lý khác của luật sư) quy định luật sư được giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc làm chứng được xem là “hoạt động dịch vụ pháp lý khác” của luật sư.
Tuy nhiên, điều luật này cũng quy định “khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan”. Do đó, khi làm chứng cho các giao dịch có điều kiện (bắt buộc phải qua công chứng, phải đăng ký…), luật sư phải tuân thủ các quy định liên quan đến giao dịch. “Luật sư không thể làm chứng cho các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giấy tay vì các giao dịch này trái pháp luật” - luật sư Minh nói.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Quang Y nhấn mạnh: “Ngoài chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý, luật sư còn có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật. Do đó, luật sư chỉ được làm chứng đối với các giao dịch dân sự hợp pháp. Với giao dịch không hợp pháp, luật sư phải từ chối và hướng dẫn khách hàng thực hiện đúng quy định”.
Tốt nhất là không nên làm chứng Khi người dân nhờ văn phòng luật sư để thực hiện việc giao kết hợp đồng thì chắc chắn họ sẽ nhờ luật sư tư vấn luôn về tính rủi ro pháp lý của hợp đồng. Như vậy, nếu là một giao dịch dân sự có điều kiện đòi hỏi phải được công chứng, chứng thực, đăng ký mà hai bên không tuân thủ thì luật sư không thể tham gia làm người làm chứng. Lỡ đâu sau này phát sinh mâu thuẫn, luật sư sẽ chính là người bị các bên khiếu nại. Theo ý kiến cá nhân tôi, chuyện làm chứng cho các giao dịch dân sự nên để cho tổ chức thừa phát lại thực hiện còn luật sư tốt nhất không nên tham gia. Bởi nếu phát sinh tranh chấp về sau, luật sư sẽ không thể tham gia bảo vệ quyền lợi cho đương sự mà mình đã làm chứng được vì luật sư không thể đứng hai vai trong cùng một vụ án. Luật sư ĐOÀN CÔNG THIỆN, |
Theo Pháp luật TP HCM
www.nguoiduatin.vn