Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Mất tiền khi mua hàng 'giảm giá' qua Facebook


Chị Giang (26 tuổi, nhân viên một công ty xuất bản tại Hà Nội) cho biết, ngày 9/10 nghe đồng nghiệp khoe chọn được 2 chiếc váy xinh xắn mua qua Facebook có tên "Ruby Tran", liền tò mò vào xem.


Là tín đồ mua sắm và hay xem hàng qua mạng song chị Giang vẫn thấy “ngợp” khi trang quảng cáo chuyên bán đồ thời trang Hàn Quốc này đăng nhiều album ảnh về chăn ga gối, váy áo rất đẹp. Chủ Facebook thông báo “ngày cuối cùng sale” nên chị tranh thủ đặt mua. Tổng hàng có 6 món gồm 2 ruột gối, 2 vỏ, ruột chăn vỏ và ga phủ song chỉ 1,1 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều nếu chị mua hàng tương tự trong shop. Trên trang, chị thấy có rất nhiều lời đặt hàng được chuyển tới nên càng yên tâm.


Qua số điện thoại đăng trên trang, chị liên hệ và được một phụ nữ giọng miền Nam hướng dẫn chuyển khoản tiền mua hàng vào tài khoản của chi nhánh ngân hàng Đông Á tại Khánh Hoà. Chị được người bán cam đoan: “Nếu không phải là hàng Hàn Quốc mình đền gấp 5 lần”, “tất cả cửa hàng bán lẻ hàng Hàn Quốc trên toàn quốc đều lấy hàng từ mối của mình”…











lua-fb1-490-7017-1381836034.jpg

Một đoạn trao đổi với chủ trang Ruby Tran được người mua hàng cung cấp.



Tiếp đó, sau đoạn chat khá dài, chị Giang mua thêm một chiếc váy, một áo khoác và được bớt 120.000 đồng. Cùng ngày, chị Giang chuyển khoản hơn 2 triệu đồng.


Sáng thứ hai (14/10), chị Giang định mua thêm hàng thì thấy trang đã khóa. Chị gọi theo số điện thoại từng liên hệ nhưng máy tắt. “Tôi biết đã bị lừa”, chị kể.


Chị bảo nhiều lần mua hàng qua mạng theo hình thức này nhưng đây là lần đầu tiên gặp tình trạng lừa đảo. Liên lạc với một loạt bạn bè, kể cả người đã giới thiệu mình, chị thấy tất cả đều không nhận được hàng và không liên lạc được với “Ruby Tran” dù tiền mua hàng đều chuyển trước chị.


Mua sắm qua mạng xã hội đang là hình thức mua sắm phổ biến của nhiều người, nhất là phụ nữ văn phòng. Một cô gái tên Vân cho PV biết, qua người quen giới thiệu, chị cũng vào chọn hàng, thực hiện giao dịch. Thấy ưng ý, chị còn giới thiệu thêm cho vài người bạn. Sáng 14/10, chị cùng liên lạc với “Ruby Tran” nhưng không được.


Chị Giang cho biết đã liên hệ được với gần 20 người cùng cảnh, ước tính tổng tiền các chị đã chuyển gần 40 triệu đồng. Ngày 15/10, một số đã tới Công an Hà Nội tìm hiểu thủ tục gửi đơn tố cáo. "Tôi không nghĩ sẽ lấy lại được tiền nhưng muốn kẻ lừa đảo phải chịu hình phạt trước pháp luật", chị Giang chia sẻ. Đại diện Phòng cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao của Hà Nội cho hay sẽ nắm tình hình, làm rõ sự việc.











lau-fb-480-6773-1381836034.jpg

Những người cùng cảnh như chị Giang chia sẻ với nhau trên Facebook.



Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Đức (Giám đốc Bộ phận an ninh mạng của BKAV) cho biết các mạng xã hội luôn lưu lại thông tin của những người dùng, địa chỉ và thông tin đăng nhập, kể cả những tài khoản đã vô hiệu hoá. Tuy nhiên, đây là những thông tin mang tính bảo mật nên rất khó để có thể khai thác. Dù vậy vẫn chưa phải hết cách, theo ông Đức cơ quan chức năng có thể tìm ra manh mối qua số điện thoại di động hay tài khoản ngân hàng.


Một luật sư cho biết việc dùng thủ đoạn gian dối để người khác chuyển tiền vào tài khoản rồi cắt liên lạc cho thấy chủ trang "Ruby Tran" có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của người khác, theo điều 139 Bộ luật Hình sự. Trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.


Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng chia sẻ, các trang mua bán trên mạng xã hội đều do cá nhân làm chủ, không phải là đơn vị đăng ký kinh doanh nên người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ, chọn những địa chỉ mua hàng uy tín đã được thẩm định.


Ba tháng trước, nhiều quý cô mộ điệu từ Nam ra Bắc đã bị Nguyễn Phương Bảo Ngọc lừa hàng trăm triệu đồng khi mua túi, kính, phụ kiện... hàng hiệu qua mạng. Khi các nạn nhân tố cáo, Ngọc bị Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ.


Theo Vnexpress





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP