Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Xử phạt đến 50 triệu đồng khi làm mất đề thi


Phạt nặng nếu làm mất đề thi


Ngày 22/10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 138/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh giáo dục.


Theo Nghị định, hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi sẽ bị phạt 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng. Như vậy, trong các kì thi nếu thí sinh mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi thì ngoài việc bị xử lý theo quy chế thi còn bị… phạt tiền.



Thí sinh thi ĐH -CĐ 2013. (Ảnh minh họa)


Đặc biệt, Nghị định này quy định đối với vi phạm về quy chế thi có thể bị phạt tối đa lên đến 50 triệu đồng. Cụ thể, phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi làm hộ bài thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài; từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định; từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi; từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi làm mất bài thi. Phạt từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi làm hộ bí mật hoặc làm mất đề thi.


Dạy thêm “chui” sẽ bị phạt đến 12 triệu đồng


Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định. Đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng.


Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép. Đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 6-12 triệu đồng.


Phạt nặng hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ


Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ.


Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi không cập nhật và công khai thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị. Đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa sẽ bị phạt tiền từ 2-8 triệu đồng.


Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Đối với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ sẽ bị phạt tiền từ 20- 40 triệu đồng.


Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013. Những quy định của các Nghị định trước sẽ hết hiệu lực khi Nghị định mới có hiệu lực


Băng Tâm





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP