Bảo mẫu đánh chết bé 18 tháng: 'Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo TPHCM'
Bên lề Quốc hội ngày 19/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TPHCM - đã trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan đến vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ đánh đập dã man dẫn tới cái chết của cháu Đỗ Nhất Long, 18 tháng tuổi, cách đây chưa lâu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm trả lời báo chí vụ cháu bé 18 tháng tuổi bị bạo hành.
Nhận tin cháu bé mới 18 tháng tuổi bị bảo mẫu đánh đập dẫn đến cái chết thương tâm, là người đứng đầu HĐND TPHCM, bà cảm thấy thế nào?
Nhận được tin này, điều đầu tiên có thể nói đến là trách nhiệm của mình chưa hoàn thiện cơ sở nuôi dạy trẻ cho con em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sự việc đã xảy ra mà mình cũng không thể lường hết được hiện có bao nhiêu cơ sở như vậy.
Tình tiết xung quanh vụ việc đã rõ, người vi phạm bị xử lý là đương nhiên nhưng vấn đề đau lòng nhất là một đứa trẻ mất đi không thể nào lấy lại được. Đó là cái để cho những người lãnh đạo, quản lý cần phải quan tâm hơn đến công tác trông giữ trẻ ở khu công nghiệp và cần phải có sự chấn chỉnh kịp thời.
Không chỉ vụ cháu bé 18 tháng bị đánh chết, trước đây, trên địa bàn TPHCM đã từng xảy ra rất nhiều vụ bạo hành trẻ em. Dường như những quyết tâm của thành phố để xử lý triệt để vấn này chưa nghiêm, thưa bà?
TPHCM đã đưa ra giải pháp nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Nghĩa là lãnh đạo thành phố cũng thấy trước được tình hình khó khăn như vậy chứ không phải ngay tức thì mà tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất có được những nhà giữ trẻ ngay. Việc này cần phải có lộ trình để thực hiện. Đối với những cơ sở không thực hiện thì phải xem xét hoàn cảnh cụ thể như các trường học mẫu giáo của thành phố hiện cũng quá tải nhiều nên phải xét toàn diện để thấy đúng thực trạng.
Thiếu trường, thiếu lớp dẫn đến trẻ em bị bạo hành khi gửi các trường tư, vậy trách nhiệm lãnh đạo thành phố trong vấn đề này thế nào?
Trách nhiệm của lãnh đạo để đưa nghị quyết đi vào cuộc sống là cả một quá trình, đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa. Nhưng đã có nghị quyết thì nó phải đi vào cuộc sống, nếu chưa được thì phải xem xét lại trách nhiệm. Mà trách nhiệm ở đây thuộc về các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền chứ không riêng ở cấp nào.
Đối với các quận, huyện có đông công nhân giờ phải tiến hành rà soát lại các cơ sở nuôi dạy trẻ tại các khu công nghiệp. HĐND thành phố đã rà soát, đã đi giám sát và tất nhiên không thể chấm dứt ngay được tình trạng gửi con em họ cho các gia đình. Bởi đó là nhu cầu chính đáng của nhiều gia đình.
Nhưng điều quan trọng vẫn phải là giáo dục đạo đức xã hội và kiểm tra các cơ sở trông giữ trẻ... cần phải kết hợp thực hiện nhiều biện pháp, chứ không phải bây giờ khi xảy ra vụ việc lại bấn loạn lên.
Vậy TPHCM sẽ giải quyết vấn đề này thế nào trong thời gian tới?
Trước mắt thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giữ trẻ của thành phố phải có sự phối hợp và các chủ doanh nghiệp phải ký hợp đồng với các cơ sở giữ trẻ công lập để tăng giờ làm việc của cô giáo, trông giữ con cái cho công nhân.
Giải pháp cốt lõi vẫn là phải có những cơ sở giữ trẻ ở các khu công nghiệp với đầy đủ các tiêu chí, điều kiện đảm bảo để người công nhân yên tâm khi gửi con cái họ vào đó. Vì xét cho cùng công nhân đi làm cũng là để tạo ra của cải vật chất, góp phần vào sự phát triển kinh tế cho xã hội.
Xin cảm ơn bà!
Theo Quang Phong (Dân trí)
www.nguoiduatin.vn