Cần áp dụng mức án cao nhất cho những vụ tạt axít
Tuy nhiên, hung thủ thường được tuyên những bản án nhẹ, chưa có tính răn đe. Vì thế, loại tội phạm này ngày càng manh động. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Đăng Liêm, hiệu trưởng trường đại học Công nghệ thông tin Gia Định, thành viên Hội Luật gia Châu Á.
Hành vi man rợ phải truy tố tội giết người
Những vụ án tạt axít thường gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nạn nhân suốt cuộc đời. Nhưng những bản án mà tòa đã tuyên thường rất nhẹ, chưa có tính răn đe. Ông nhận định sao về vấn đề này?
Sát hại người yêu rồi tự tử nói chung và tạt axit vào người yêu vì mâu thuẫn, vì bị từ chối tình yêu nói riêng... là những bi kịch không hiếm trong xã hội ngày nay. Những vụ án xảy ra thường rất đau lòng, khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ. Tất nhiên, những kẻ gây án phải trả giá trước pháp luật cho hành vi của mình. Còn những nạn nhân của các vụ tạt axit thường phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn, khi thân thể bị hủy hoại, tinh thần hoảng loạn, không ít người bị hàng xóm và dư luận dị nghị.
Đó thật sự là những bi kịch, khi người gây án thì đáng trách, còn nạn nhân thì đáng thương. Thực tế, những hung thủ gây ra các vụ tạt axit người khác bị xử lý về tội cố ý gây thương tích và được tuyên với mức án nhẹ khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, tòa án cũng đã căn cứ vào pháp luật để định tội. Theo tôi, đây chính là một lỗ hổng của pháp luật khi xử phạt chưa nghiêm những vụ án kinh hoàng này.
Luật sư Nguyễn Đăng Liêm.
Thưa ông, việc nhiều người chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng cách tạt axit khiến nạn nhân bị bỏng nặng, có nhiều trường hợp tử vong, gây bức xúc trong dư luận, theo ông nguyên nhân là do đâu?
Nguyên nhân của những vụ án đau lòng này là do những người trong cuộc cho rằng người mình yêu thuộc quyền "sở hữu" của riêng mình. Đến khi người yêu đi chung với người khác, hay ghen tuông, giận hờn, sợ người mình yêu bỏ rơi... nên dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực. Hành vi phạm tội là kết quả của những dồn nén, những bức xúc của người phạm tội khi không kiểm soát được hành vi của mình.
Để xảy ra những vụ án đau lòng này là vì cả người bị hại và hung thủ chưa có những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn và khả năng vượt qua những ức chế nhất thời. Khi không giải quyết được những xung đột này, nhiều bạn trẻ chọn cách giải quyết vấn đề một cách mù quáng, để rồi chính họ rơi vào những bi kịch khó lường.
Một nguyên nhân khác nữa khiến tội ác này ngày càng gia tăng là do luật xử phạt còn chưa nghiêm. Loại tội phạm này thường gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe thể xác và sức khỏe tinh thần của người khác nên phải xử lý nghiêm khắc. Trong nhiều vụ án nghiêm trọng, cần xem xét hành vi và mức độ phạm tội để đưa ra những phán quyết công tâm, thậm chí có thể truy tố tội giết người nếu có hành vi man rợ.
Vậy theo ông, khi gặp phải những xung đột mà hai người không thể giải quyết, họ cần phải làm thế nào để không để lại hậu quả đau lòng?
Tạt axit vào người khác là một tội ác đáng lên án, người phạm tội thường có quá trình chuẩn bị rất kỹ, có chủ ý. Tức là người phạm tội có thời gian để suy nghĩ lại vấn đề nhưng vẫn phạm tội. Thay vì giải quyết vấn đề một cách mù quáng, người trong cuộc nên chia sẻ những khó khăn của mình cho người thân, người đáng tin cậy để tìm những lời khuyên và hướng xử lý hợp lý. Không để những bức xúc này kéo dài, sự ức chế nếu kéo dài sẽ gây nên những hậu quả khôn lường cho bản thân và xã hội.
Nhiều tình tiết tăng nặng
Trước thực trạng axit được bày bán công khai, không thấy cơ quan nào quản lý, ai cũng có thể mua được hóa chất này. Theo ông, về mặt quản lý, các cấp các ngành nên có nên đưa ra những quy định chặt chẽ về việc bày bán công khai chất lỏng nguy hiểm này không?
Hiện nay, chất axit được bày bán công khai, theo quy định, những người từ đủ 18 tuổi trở lên thì được mua axit, người bán cũng chỉ bán cho những người đủ số tuổi này. Tuy nhiên, vì dễ dàng mua nên hầu như cứ ai hỏi là bán, người có nhu cầu mua cũng dễ dàng. Khó có thể đưa ra những quy định về việc bày bán hóa chất độc hại này. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được.
Theo tôi, về mặt quản lý, các cấp các ngành nên siết chặt quản lý bằng cách chỉ bày bán tại những điểm nhất định, không bán cho cá nhân nhỏ lẻ. Những điểm bán axit phải có giấy phép của cơ quan chức năng, quản lý việc bày bán hóa chất độc hại này theo địa bàn. Lực lượng chất năng cần thường xuyên rà soát hoạt động buôn bán axit, cần yêu cầu, ngăn chặn những người bán axit nhỏ lẻ chấm dứt ngay tình trạng này. Sau khi nhắc nhở, nếu ai bán cho cá nhân, mà cá nhân đó dùng số axit vừa mua gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm trước pháp luật.
Thưa ông, có nên kiến nghị sửa đổi theo hướng tăng nặng hình phạt những vụ án tạt axít vì tình hay trả thù không, thưa ông?
Luật pháp quy định xử lý tội danh rất rõ ràng, bất cứ hành vi nào vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm. Những kẻ mang axit đi tạt người khác là những kẻ man rợ, không còn một chút nhân tính nào. Tội phạm tạt axit vào người khác vì có chủ ý, phải coi hành vi này là giết người, do đó cần xử phạt nghiêm.
Kiến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự về tội phạm tạt axit người khác là điều cần thiết để có tính răn đe, phòng ngừa chung. Các cấp tòa án cần áp dụng triệt để những tình tiết tăng nặng khi định án. Mỗi tội danh đều có khung hình phạt, theo tôi, sau khi xem xét hành vi, xét các tình tiết tăng nặng cần áp dụng hình phạt cao nhất trong khung hình phạt dành cho tội danh này.
Công Thư - Quyên Triệu
www.nguoiduatin.vn