Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Giúp Lý Nguyễn Chung, nhiều người mang tội che dấu?


Báo Nguoiduatin.vn trích đăng bài phân tích của luật sư Trần Anh Dũng, giám đốc công ty luật Đại Phúc xoay quanh vấn đề trên:


Theo thông tin một số nguồn tin vụ án giết người, cướp tài sản này xảy ra vào ngày 15/8/2003. Sau khi gây án, hung thủ Lý Nguyễn Chung trở về nhà. Sáng sớm ngày hôm sau (tức ngày 16/8/2003) mẹ kế và bố đẻ của Chung phát hiện quần áo của Chung mặc hôm xảy ra vụ án có dính máu, gặng hỏi Chung và Chung đã thừa nhận, y chính là hung thủ giết chết chị Hoan. Sau khi bàn bạc bố đẻ và mẹ kế đã bảo Chung lên Lạng Sơn để trốn.


Lên đến Lạng Sơn, Chung kể lại chuyện giết chị Hoan cho anh trai là Lý Văn Phúc và chị gái là Lý Thị Nghiến biết. Sau đó Chung đã đưa 2 chiếc nhẫn cướp được của chị Hoan cho Phúc, còn Phúc vay tiền đưa cho Chung đi vào Đắk Lắk.



Lý Nguyễn Chung (áo đỏ) đang trình bày lời khai.


Ngoài những người kể trên, hiện nay cũng chưa rõ còn người hàng xóm nào của Chung biết rõ việc Chung đã giết chị Hoan nữa hay không, nếu có thì tuỳ vào các dấu hiệu để xem xét họ có phạm tội hay không phạm tội, nếu phạm tội thì phạm phải tội nào.


Như vậy, thông tin ban đầu thì đã có đến 4 người (Mẹ kế, bố đẻ, anh trai và chị gái của Chung) biết rõ việc Chung đã giết chị Hoan. Tuy nhiên, những người này không những không tố giác hành vi phạm tội của Chung tới cơ quan có thẩm quyền, mà còn tạo điều kiện cho Chung bỏ trốn đi nơi khác.


Hành vi của những người này có dấu hiệu cấu thành “Tội che giấu tội phạm” theo quy định tại điều 313 Bộ luật hình sự và “tội không tố giác tội phạm” theo quy định tại điều 314 Bộ Luật hình sự.


Riêng anh Lý Văn Phúc, còn nhận hai chiếc nhẫn do Chung cướp được của chị Hoan, rồi đi vay tiền đưa cho Chung để Chung trốn vào Đắk Lắk. Hành vi của Phúc còn có dấu hiệu cấu thành “Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại điều 250 Bộ luật hình sự.


Tuy nhiên, được biết anh Lý Văn Phúc đã chết (khoảng năm 2005), còn vụ án mạng này đã trôi qua được hơn 10 năm (tính từ ngày 15/8/2003 đến nay). Vậy nên, căn cứ quy định tại Khoản 5, Khoản 7 Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự về những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự; Căn cứ các quy định tại Khoản 3 Điều 8 về phân loại tội phạm; Điều 23 về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của Bộ luật hình sự, đến thời điểm này tạm thời có thể khẳng định “tội che giấu tội phạm” và “tội không tố giác tội phạm” mà những người thân nói trên của Lý Nguyễn Chung phạm phải đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (hai tội phạm này thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng và có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm, kể từ ngày tội phạm được thực hiện).


Riêng đối với trường hợp của Lý Văn Phúc, do Phúc đã chết nên theo quy định tại khoản 7 điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ trách nhiệm của Phúc, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.


Ở đây cũng cần lưu ý các trường hợp thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính lại sau: Nếu trong thời gian còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội đã phạm một tội khác mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù, thì thời gian đã qua không được tính và thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày phạm tội mới.


Trường hợp trong thời gian còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ.


Luật sư Trần Anh Dũng





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP