Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

'Còn trọng cung sẽ còn oan sai'


Bắt bớ: Thực tế đáng lo ngại!


Chứng cứ được đánh giá là rất quan trọng để xác định một người phạm tội hay không, nhưng vẫn còn những vụ án trọng cung hơn trọng chứng?


Quy định là phải trọng chứng hơn trọng cung, nhưng thực tế một số cán bộ thuộc các cơ quan tố tụng đang làm ngược lại, khi để xảy ra "sự cố" thì tất cả lại biện minh do trình độ, nghiệp vụ non kém. Có thực tế đáng lo hiện nay là chuyện: Bắt bớ. Luật cũng đã quy định trường hợp bắt người là phải phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có ý định bỏ trốn, hoặc có hành vi gây cản trở quá trình điều tra...


Nhưng ở nhiều vụ án, gọi người tình nghi lên lấy lời khai rồi ra lệnh giam luôn. Hình như, người ta quan niệm, bắt người vào thì mới có đủ chức năng, phương tiện để ép cung, bắt phải nhận tội. Ở các nước, người ta điều tra trước khi ra lệnh bắt, còn chúng ta có một cái sự ngược là bắt rồi mới điều tra. Có những vụ lúc bắt bằng một tội danh này, nhưng khi đưa ra truy tố thì lại có tội danh khác, thậm chí là phải thả vì không tìm ra tội.


Lâu nay cách làm việc của cơ quan điều tra nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung đã theo lộ trình cố hữu, cho nên không cần phân loại vụ án, họ cứ theo lối mòn để thực hiện. Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam có khái niệm án mờ (xác định cho những tội như: Ma túy, mại dâm và một số tội khác). Trong những vụ án mờ này, thường thấy căn cứ vào những lời chứng nhiều hơn tang vật, tang chứng. Nhưng vì thói quen trong tiến trình tiến hành tố tụng, nó được mặc nhiên sử dụng và coi trọng với nhiều loại tội danh khác không nằm trong danh mục án mờ.



Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, phó chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội.


Vậy, vai trò của luật sư ở đâu khi các cơ quan tố tụng đánh giá sai về chứng cứ, thưa ông?


Mặc dù trong luật đã quy định luật sư có quyền thu thập chứng cứ, tuy nhiên, những chứng cứ do luật sư thu thập được thì lại bị những người có thẩm quyền không coi trọng bằng các chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập. Chính vì thế, vai trò của luật sư là thứ yếu. Có ý kiến cho rằng, do luật sư được tham gia vào vụ án quá chậm, nhưng không hẳn thế, mà cái chốt vẫn nằm ở chỗ ý kiến hay đúng hơn là vai trò vị trí của luật sư bị thấp hơn mặc dù theo quy định của luật Tố tụng Hình sự là bình đẳng, một bên luận tội còn một bên gỡ tội bằng những chứng cứ mà mình thu thập được. Tóm lại là đánh giá chứng cứ vẫn có những điều không bình đẳng.


Còn viện kiểm sát thì sao, khi mà cơ quan này đóng vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp của điều tra viên?


Viện kiểm sát đóng vai trò hết sức quan trọng, nhưng với cương vị giám sát của mình, anh không phát hiện ra những sai sót của cơ quan điều tra thì anh cũng có trách nhiệm tương đương. Nhất là khi anh đã ban hành quyết định truy tố thì trách nhiệm của anh là rất lớn. Cũng nên nhớ, tính độc lập của điều tra viên và kiểm sát viên lại hoàn toàn khác nhau. Điều tra viên là tuân thủ theo pháp luật, còn kiểm sát viên ngoài việc tuân thủ theo pháp luật còn phải tuân theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Với một cái khung đã đóng như vậy, cũng khó để kiểm sát những nội dung lỏng lẻo mà điều tra viên đã làm.


Nên tách riêng cơ quan điều tra


Phải chăng không phát hiện ra sai sót bởi có sự nể nang giữa các cơ quan tố tụng?


Điều đó không tránh khỏi, thực tế là trong một vụ án, điều tra viên và kiểm sát viên luôn có sự trao đổi làm việc với nhau, nên không ngoại trừ điều này. Hơn nữa, có thể họ cả nể hay có thể là một sức ép từ đâu đó cũng nên và cũng không ngoại trừ đến việc có những tiêu cực. Muốn tránh được điều này, theo tôi nên tách riêng cơ quan điều tra độc lập từ trên xuống dưới gồm điều tra từ công an, bộ đội và viện kiểm sát.


Việc oan sai thì đã có, vậy theo ông, đâu là "yết hầu" trong quá trình làm án của các cơ quan tố tụng?


Phải nói là chúng ta đang bỏ qua một cái quyền rất quan trọng, đó là quyền im lặng. Bởi, mọi người đều có quyền im lặng, chừng nào có luật sư hay người thứ 3 thì anh có quyền nói. Đáng tiếc, trong luật của mình không yêu cầu phải có việc này, trừ trường hợp người chưa thành niên hay người có vấn đề về khả năng nhận thức không điều khiển được hành vi thì mới bắt buộc có người giám hộ hoặc luật sư thì mới được lấy lời khai. Vì thế, chuyện ép cung, bức cung đã xảy ra. Nếu có luật sư vào ngay từ ban đầu, ắt sẽ đảm bảo được tính khách quan, minh bạch trong hồ sơ vụ án, nhất là trong việc lấy lời khai. Tuy nhiên, để xác định tội theo đúng nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung thì phải đảm bảo được những tang vật, chứng cứ phù hợp với lời khai thì mới xem là căn cứ luận tội. Còn nếu, vì động cơ này khác, hay vì sự chủ quan của cơ quan tố tụng mà cứ vin vào lời khai nhận tội của bị can, bị cáo để xét tội thì oan, sai xảy ra là lẽ đương nhiên.


Có ý kiến cho rằng, nên có luật chứng cứ và chứng minh để khắc phục những bất cập trên, ông nghĩ sao?


Tôi hoàn toàn ủng hộ, bởi khi tách hẳn ra thành một luật về chứng cứ và chứng minh bao gồm cả thu thập đánh giá, xác định đầy đủ các nguồn, quy định tự thu thập, trình tự đánh giá chứng cứ... có như thế, nó sẽ làm minh bạch hơn trong mỗi vụ án. Tuy nhiên, xét cho đến cùng thì vẫn phải giữ một nguyên tắc xuyên suốt: Trọng chứng hơn trọng cung thì mới tránh được những vụ oan, sai đáng tiếc và tránh cả việc ép cung, mớm cung.


Trân trọng cảm ơn ông!


Trần Quyết





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP