Góc khuất phía sau những vụ án... trọng cung hơn trọng chứng
Kêu trời - trời có thấu...
Ngày 4/11/2013, tại trại giam Vĩnh Quang, Tổng cục 8, bộ Công an, viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã công bố quyết định tạm đình chỉ thi hành án với phạm nhân đang thụ án chung thân về tội giết người, ông Nguyễn Thanh Chấn (nguyên quán thôn Me, xã Việt Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Sự việc này lại một lần nữa làm rúng động toàn xã hội về vấn đề oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự tại Việt Nam.
Sự vụ ông Nguyễn Thanh Chấn như giọt nước tràn ly khiến các cơ quan tố tụng phải "soi" lại mình.
Giờ đây, cái tên Nguyễn Thanh Chấn đã được lọt vào danh sách những vụ án nghi oan nổi tiếng tại Việt Nam, nó đã làm chúng ta nhớ đến những Bùi Minh Hải (cán bộ thống kê xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đã phải nhận mức án chung thân với tội danh giết người, cướp tài sản công dân và hiếp dâm. Ông Hải chỉ được minh oan khi hung thủ thực sự của vụ án bị bắt, khai nhận hành vi phạm tội.
Hay, cái tên Trần Văn Chiến (SN 1960, ở ấp Nam, Tân Điền, Gò Công Đông, Tiền Giang) đã phải ngồi tù tới 16 năm 3 tháng và phải đến lúc mãn hạn tù trở về, hung thủ thực sự của vụ án bị bắt, ông Chiến mới có cơ hội để chứng minh mình vô tội. Điển hình nhất phải kể đến vụ án cả 7 người trong một gia đình đã "dính" vào vòng lao lý trong "kỳ án vườn Điều" và họ chỉ được minh oan sau 12 năm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử và cơ quan CSĐT bộ Công an ra quyết định đình chỉ vụ án do không đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bản báo xin không đi chi tiết về các vụ án này, bởi dư luận đã đưa thông tin quá dày đặc, tuy nhiên có điều khiến PV ngạc nhiên là vụ án của ông Bùi Minh Hải và ông Nguyễn Thanh Chấn, mặc dù chúng cách nhau hơn chục năm trời như: Nạn nhân là một phụ nữ, cùng là người đàn ông bị bắt, đều được tạm đình chỉ thi hành án khi hung thủ thật sự ra tự thú... Chỉ khác là ông Hải hơn một năm sau được minh oan còn ông Chấn phải mất đến 10 năm các cơ quan tố tụng mới dám nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi biện pháp ngăn chặn làm các thủ tục để minh oan. Như giọt nước tràn ly, dư luận có quyền hoài nghi về những chứng cứ buộc tội của cơ quan điều tra đưa ra trong các vụ án này, nhất là việc xem trọng lời khai để luận tội mà bỏ qua các vật chứng quan trọng.
Sự vụ ông Nguyễn Thanh Chấn như giọt nước tràn ly khiến các cơ quan tố tụng phải "soi" lại mình.
Trọng chứng hay trọng cung?
Gắn bó nhiều năm với giảng đường đại học An ninh nhân dân (từ những khóa học đầu tiên), TS. Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với PV, trước hết, cần quán triệt nguyên tắc, lời khai nhận tội của bị cáo không phải là căn cứ buộc tội. Lời khai chỉ trở thành căn cứ buộc tội khi phù hợp với chứng cứ khác. Vì thế, khi xét xử không quá phụ thuộc vào việc bị cáo có nhận tội hay không nhận tội mà phải xem xét cùng với các chứng cứ khách quan khác, có đủ cơ sở chứng minh hành vi của bị cáo là phạm tội hay không?
Cũng theo TS. Hùng, Điều 10, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: "Cơ quan điều tra, viện Kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".
Để chứng minh tất cả những vấn đề nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng phải có đầy đủ chứng cứ. Chứng cứ phải là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định. Chứng cứ của vụ án có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, như vật chứng, lời khai của những người có liên quan, kết luận giám định và các biên bản về hoạt động điều tra, xét xử, các tài liệu, đồ vật khác.
"Theo khoản 2, Điều 72, Bộ luật Tố tụng Hình sự, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án. Luật quy định rõ, không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội", TS. Hùng cho hay.
Sau này, khi về công tác tại vụ Pháp chế (bộ Công an), TS. Hùng nhận thấy, trên thực tê, việc xác định chứng cứ buộc tội còn quá nhiều khoảng trống. Vì vậy, theo TS. Hùng: Nguyên nhân xuất phát từ sự hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ; thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một số cán bộ thi hành công vụ. Bên cạnh đó, ngay chính các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 về vật chứng cũng thể hiện nhiều bất cập dẫn đến việc áp dụng pháp luật tuỳ tiện, không thống nhất như thời điểm, cách thức chuyển giao vật chứng để bảo quản, một số khái niệm liên quan đến tài sản được xác định là vật chứng, biện pháp xử lý vật chứng.
Sự vụ ông Nguyễn Thanh Chấn như giọt nước tràn ly khiến các cơ quan tố tụng phải "soi" lại mình.
Tố tụng phải công khai, minh bạch
Gắn bó nhiều năm với công cuộc cải cách tư pháp, ông Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng: "Vấn đề bây giờ là tố tụng công khai, minh bạch và cần được phải đảm bảo trên thực tế, nhất là vào giai đoạn điều tra, truy tố, tạm giữ đối tượng. Lâu nay, người ta cứ nói, án tại hồ sơ nhưng không phải. Án tại hồ sơ là anh phải đối chiếu với những tài liệu có trong hồ sơ và việc thẩm vấn tại phiên tòa, ít nhất phải thông qua hoạt động thẩm vấn, đối chiếu những tình tiết khi thẩm vấn có ăn khớp với tình tiết ở hồ sơ hay không".
Khi được PV đặt câu hỏi, một lãnh đạo thuộc viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (xin được giấu tên - PV) thừa nhận: "Qua 8 năm thi hành, chế định về chứng cứ trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không theo kịp yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, trong lần sửa đổi Bộ luật này tới đây, cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm tính công khai, minh bạch, đầy đủ, toàn diện trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ; nghiên cứu mở rộng nguồn chứng cứ, ngoài vật chứng, lời khai, biên bản các hoạt động điều tra, xét xử và các đồ vật, tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, kết luận giám định, cần bổ sung một số loại nguồn chứng cứ mới phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ".
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Hoài Thanh, đoàn luật sư Hà Nội thì Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 đã quy định khá đầy đủ, chặt chẽ, chi tiết về chế định chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự. Bởi vậy, chỉ cần thực hiện nghiêm, đúng và đầy đủ các quy định đó, sẽ nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng hình sự. Đây là vấn đề cấp bách nhằm nâng cao chất lượng xét xử án hình sự, đồng thời nhằm giảm thiểu, đẩy lùi tình trạng oan, sai.
Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu bảo đảm sự bình đẳng, nâng cao chất lượng tranh tụng và phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, đề nghị sửa chế định chứng cứ theo hướng: Bổ sung ngoài cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng thì các chủ thể khác cũng có quyền thu thập, sử dụng chứng cứ.
Bên hành lang Quốc hội kỳ họp lần này, trao đổi với báo giới, bộ trưởng bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung; mỗi chứng cứ đều được điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và hội thẩm với tinh thần trách nhiệm kiểm tra, xem xét, đánh giá đảm bảo khách quan, toàn diện về tất cả các tình tiết của vụ án theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, kể cả ở giai đoạn thi hành án, Cơ quan điều tra, viện Kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm phát hiện và khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm, nhất là oan, sai. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta rất chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể cho nên nếu để xảy ra oan, sai, thì đó là điều rất đáng tiếc.
Bộ trưởng bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Lỗi sơ đẳng Nguyên nhân dẫn đến vụ việc oan, sai không phải cố ý mà do nguyên tắc suy đoán vô tội không được thực hiện, tức là chỉ xét xử theo lời khai, tài liệu điều tra. Không có nền tư pháp nào chính xác 100% nhưng để lọt những cái sơ đẳng này, tôi cho là do việc tranh tụng ở tòa chưa được thấu đáo. Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc: Không để lọt tội phạm, nhưng kiên quyết không để oan sai Trong luật Hình sự có nguyên tắc rất quan trọng là không được để lọt tội phạm nhưng cũng phải kiên quyết không để oan, sai cho người dân, đảm bảo một chế độ pháp lý văn minh, công bằng, khách quan; đảm bảo quyền cơ bản của công dân như quy định của luật pháp. Theo quy định pháp luật, nếu ép cung là cơ quan chức năng làm trái pháp luật. |
Trần Quyết
www.nguoiduatin.vn