Lỗ hổng lớn về luật: Không thể tự minh oan
Đây không phải là trường hợp hi hữu mà ở nhiều nơi cũng có trường hợp tương tự. Ngay ở Phú Yên gần đây cũng đã xảy ra trường hợp chị Trần Thị Hải Yến ở xã An Cư, huyện Tuy An tự tử trong nhà tạm giữ của công an huyện do quá uất ức vì bị gia hạn tạm giam sau khi bản án sơ thẩm bị hủy để điều tra lại. Sau khi chị Yến chết, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết theo khoản 7 Điều 107 BLTTHS. Trong khi đó, lúc còn sống, chị Yến luôn kêu oan nhưng với quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra thì không còn cửa để minh oan cho chị nữa.
Chưa có cơ chế minh oan
Trường hợp của thầy giáo Tống Văn Thọ, nguyên giáo viên Trường Tiểu học xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, cũng vậy. Cơ quan CSĐT Công an huyện Sông Hinh đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thọ với lý do là người bị hại tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Mặc dù từ khi bị khởi tố cho đến phiên tòa phúc thẩm, ông Thọ luôn kêu oan nhưng theo quy định của BLTTHS thì ông có bị oan thật cũng không còn cửa để minh oan. Bởi lẽ theo quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS, người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Ông Tống Văn Thọ khóc khi kể về nghi án của mình. Ảnh: TẤN LỘC
Khi quy định người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất yêu cầu khởi tố, nhà làm luật chỉ mới tính đến trường hợp đã có đủ căn cứ xác định người bị khởi tố là người đã thực hiện hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131, 171 BLHS mà chưa lường hết được trường hợp yêu cầu khởi tố sai, thậm chí vu oan cho người khác. Từ đó, BLTTHS đã không quy định cơ chế minh oan cho người bị khởi tố trong giai đoạn điều tra, truy tố sau khi người yêu cầu khởi tố rút đơn. Đây là một kẽ hở lớn, nếu không nói là lỗ hổng lớn của BLTTHS.
Chưa làm hết trách nhiệm
Trở lại vụ án của ông Thọ, vụ án đã được tòa sơ thẩm xét xử nhưng bị tòa phúc thẩm hủy để điều tra lại với lý do: Hồ sơ vụ án chưa có tài liệu nào xác định lời khai của nạn nhân là có căn cứ; việc điều tra của cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót như không giám định ngay để xác định có tinh dịch trong vùng kín của nạn nhân hay không mà để nạn nhân tự đến BV Đa khoa huyện Sông Hinh khám; kết quả khám của bệnh viện cũng không có trong hồ sơ vụ án; không trưng cầu giám định một số tang vật theo yêu cầu của bị can. Lời khai của nạn nhân trước sau không thống nhất; lời khai của chồng nạn nhân, của người làm chứng có nhiều mâu thuẫn; lời khai giữa những người làm chứng cũng mâu thuẫn với nhau; chưa thực nghiệm điều tra hiện trường.
Lẽ ra sau khi thụ lý lại vụ án, cơ quan điều tra Công an huyện Sông Hinh phải tiến hành các hoạt động điều tra lại theo yêu cầu và các nội dung mà tòa phúc thẩm đã nêu nhằm chứng minh ông Thọ có hành vi cưỡng dâm bà Y. hay không. Sau khi đã điều tra đầy đủ các vấn đề mà tòa phúc thẩm đặt ra và vẫn có căn cứ chứng minh ông Thọ có hành vi phạm tội thì mới căn cứ vào việc rút đơn của người bị hại để đình chỉ điều tra. Trong trường hợp này, quyết định đình chỉ điều tra cần nêu rõ kết quả điều tra lại vẫn có đủ căn cứ xác định ông Thọ có hành vi cưỡng dâm nhưng vì người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố nên theo quy định tại khoản 2 Điều 105 BLTTHS, cơ quan điều tra đình chỉ vụ án.
Ngược lại, nếu kết quả điều tra lại không chứng minh được hành vi của ông Thọ đã cưỡng dâm bà Y. thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do “không có sự việc phạm tội” hoặc “hành vi của ông Thọ không cấu thành tội phạm”. Trong trường hợp này theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì tòa án cấp sơ thẩm phải bồi thường.
Nếu cơ quan điều tra chưa tiến hành điều tra lại, chỉ căn cứ vào việc người bị hại rút đơn rồi đình chỉ vụ án là chưa làm hết trách nhiệm. Mặt khác, cần xác định vì sao người bị hại lại rút đơn yêu cầu khởi tố? Do tự nguyện hay do bị ép buộc, cưỡng bức? Có hay không việc cơ quan điều tra đã tác động để bà Y. rút đơn rồi đình chỉ vụ án vì muốn né bồi thường oan?
Cho dù không có cơ chế minh oan theo quy định của BLTTHS nhưng ông Thọ có quyền khiếu nại quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra theo quy định tại Chương XXXV BLTTHS. Thiết nghĩ các cơ quan tố tụng ở tỉnh Phú Yên và trung ương cần vào cuộc kiểm tra lại toàn bộ vụ án, có kết luận đúng sai để giải tỏa bức xúc của ông Thọ và dư luận.
Tóm tắt vụ việc Theo hồ sơ buộc tội, thấy bà ĐTY bị đau dạ dày, ông Tống Văn Thọ nhận chữa bệnh cho bà này. Sáng 11-6-2012, bà Y. đến nhà ông Thọ khám bệnh. Sau đó, chồng bà Y. đi tìm vợ thì phát hiện ông Thọ đang “quan hệ” với bà Y. Gần nửa tháng sau, bà Y. có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, cho rằng mình bị ông Thọ cưỡng dâm. Công an huyện Sông Hinh đã khởi tố ông Thọ về tội cưỡng dâm, sau đó bắt tạm giam. Tháng 1-2013, TAND huyện Sông Hinh đã xử sơ thẩm, phạt ông Thọ hai năm tù. Ông Thọ kháng cáo kêu oan và được cho tại ngoại trong khi chờ xử phúc thẩm. Ngày 28-5, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên hủy bản án sơ thẩm do chưa đủ cơ sở vững chắc để kết luận ông Thọ phạm tội, trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu. Ngày 21-9, cơ quan điều tra Công an huyện Sông Hinh đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thọ với lý do là bà Y. tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Với lý do đình chỉ điều tra này thì ông Thọ sẽ không được xác định là bị oan và được bồi thường oan. Ông Thọ cho biết sẽ khiếu nại, yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ sự thật bởi tiếng xấu và nỗi oan của ông sẽ không bao giờ gột rửa được. |
Theo Đinh Văn Quế (Pháp luật TP HCM)
www.nguoiduatin.vn