Những tình tiết hài hước trong vụ án 'ếch chết tại miệng'
Hầu tòa vì “tội” chửi thề?
Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án chống người thi hành công vụ vừa diễn ra tại TAND tỉnh Bắc Ninh, thu hút hàng trăm người dân đến dự khán. Quá trình xét xử xảy ra không ít tình huống hài hước. Mỗi khi đại diện VKS, HĐXX nêu quan điểm xét xử thì bên dưới người dân lại la ó, phản đối.
Trong khi đó, luật sư bào chữa cho các bị cáo vừa dứt lời thì cả khán phòng lại rộ lên những tiếng vỗ tay... hoan hô. Lạ lùng hơn, câu trả lời của bị cáo luôn nhận được sự ủng hộ của người dự khán. Không chịu nổi áp lực từ phía người dự khán, bị hại đã phải ra khỏi phòng xử án. Theo dõi vụ án này, nhiều người cho rằng các cơ quan điều tra tố tụng đã sử dụng hồ sơ, bằng chứng không trung thực...
Hai ông Tuyến và Đàng chưa hài lòng với quyết định của HĐXX.
Sự việc khởi nguồn từ cách đây khoảng hơn hai năm về trước. Theo đó, ngày 13/9/2011, đại diện chính quyền và các cán bộ ban quan lý dự án xây dựng TP.Bắc Ninh về nhà văn hóa khu Cổ Mễ (phường Vũ Ninh, TP.Bắc Ninh) để kê khai diện tích đất thu hồi của người dân. Tuy nhiên, khi tổ công tác đến nơi, ông Nguyễn Văn Tuyến (SN 1949, Trưởng ban chấp hành hội Người cao tuổi khu Cổ Mễ) đến yêu cầu tổ công tác không được làm việc tại nhà văn hóa vì trước đó, tổ công tác có thông báo là kê khai đất để làm sổ đỏ cho dân chứ không phải để bị thu hồi làm khu dân cư dịch vụ nên dân mới đồng thuận.
Ngay chiều hôm đó, ông Tuyến cho mời đại diện hội Người cao tuổi, bí thư, trưởng khu Cổ Mễ đến họp tại nhà văn hóa để làm rõ sự việc. Khi tổ công tác đến nhà văn hóa để tiếp tục làm việc thì đã thấy các cụ cao niên tập trung ở đó. Mâu thuẫn giữa những người dân và tổ công tác xảy ra.
Lúc này, ông Nguyễn Văn Đàng (SN 1947, khu Cổ Mễ) vì bức xúc nên chỉ tay vào anh Nguyễn Hùng Cương (thành viên tổ công tác-PV) chửi thề: “... Thằng ranh con, bước mẹ mày đi. Mày vào cướp đất làng tao à. Quân ăn cướp...”. Không chịu thua, anh Nguyễn Ngọc Sơn (Chủ nhiệm HTX khu Cổ Mễ) cũng “phản pháo”, có những lời nói xúc phạm người dân: “Một lũ kéo bè kéo cánh, một lũ đầu đất, người ta mang tiền đến cho dân mà không biết hưởng...”. Sau đó tổ công tác bỏ ra về.
Mọi chuyện tưởng chừng chỉ dừng lại vậy, nhưng sau đó, ông Tuyến và ông Đàng bị khởi tố và bị bắt tạm giam hơn ba tháng. Khi xét xử sơ thẩm, TAND TP.Bắc Ninh đã tuyên phạt hai bị cáo hơn 3 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng. Khi xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. Sau đó, cơ quan CSĐT, VKSND TP.Bắc Ninh đã chuyển tội danh và truy tố ông Đàng, ông Tuyến từ tội gây rối trật tự công cộng sang tội chống người thi hành công vụ. Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt hai bị cáo trên 8 tháng tù. Bản án này bị các bị cáo kháng cáo...
Khán phòng thu hút rất nhiều người dân đến xem.
Có tội, nhưng miễn trách nhiệm hình sự?
Tại phiên xử phúc thẩm lần hai ngày 13/11/2013, đại diện VKS đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên bản án.
Trong phiên tòa, luật sư Phạm Thanh Bình bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Đàng cho rằng: Bản án sơ thẩm xét xử không đúng vì những người thuộc tổ công tác chưa đủ yêu cầu để trở thành người thi hành công vụ, vì không được giao nhiệm vụ cụ thể. Hơn nữa, các quyết định thành lập tổ công tác không có tên những người liên quan.
Ngoài ra, nếu nói rằng các cụ người cao tuổi tụ tập chiếm nhà văn hóa gây, cản trở cuộc họp cũng không đúng vì khuôn viên nhà văn hóa rất lớn, có hai tầng và có thể chứa hàng trăm người. Mặt khác, việc ông Đàng chửi tổ công tác chỉ mới là xúc phạm chứ không thể coi là chống người thi hành công vụ. Vì vậy, việc VKS truy tố các bị cáo về tội danh chống người thi hành công vụ là không đúng.
Luật sư Hà Đăng (đoàn Luật sư Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Tuyến cho rằng: Bản án sơ thẩm không khách quan, quá trình tố tụng có vấn đề, vì tài liệu hồ sơ không hợp lệ. Biên bản trong hồ sơ không có giá trị pháp lý... Tại tòa, luật sư Đăng chứng minh rằng nội dung hai biên bản của tổ công tác do ông Nguyễn Văn Toản (Trưởng khu dân cư Cổ Mễ) khai thì một biên bản được lập tại nhà văn hóa và một biên bản được lập tại UBND phường Vũ Ninh có nội dung mâu thuẫn nhau.
Theo lời khai của ông Toản, thì vào khoảng 14h30’ ngày 13/9/2011, tổ công tác không còn ở nhà văn hóa, thế nhưng vẫn có biên bản sự việc được lập vào thời điểm này do người trong tổ lập và ký. Mặt khác, cùng chung một thời điểm nhưng ông Toản vừa có mặt ở nhà văn hóa, lại vừa có mặt ở trụ sở UBND phường Vũ Ninh để làm việc và ký biên bản (2 nơi cách nhau hàng km). Theo luật sư, việc dùng các biên bản này làm bằng chứng để kết tội các bị cáo là vi phạm tố tụng. “Tại sao cán bộ chửi dân thì không bị xử lý, còn dân vi phạm thì bị kết tội?”- luật sư Đăng bức xúc nói.
Đáp lại lập luận của các luật sư, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm và cho rằng toàn bộ biên bản trong hồ sơ là không vi phạm, nếu có sai sót thì cũng không nghiêm trọng (!?). Quá trình thu thập chứng cứ lời khai không có gì vi phạm. Việc ông Sơn (người trong tổ công tác) chửi lại các cụ đã bị xử lý với hình thức cảnh cáo (!?). Tuy nhiên, các luật sư cho rằng đến nay ông Sơn vẫn chưa nhận được quyết định xử lý.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã bác đơn kháng cáo của các bị cáo và cho rằng bản án sơ thẩm là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo tuổi đã cao, khả năng nhận thức hạn chế, các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu... nên HĐXX tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo!
Thiên Bình
www.nguoiduatin.vn