Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Quốc hội giám sát án oan sai tại thành phố Hồ Chí Minh


Theo tin tức trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, sáng ngày 18/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cuộc họp liên ngành phối hợp thực hiện công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng. Tham dự cuộc họp có đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an , Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn…


Phát biểu khai mạc cuộc họp Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhận định, 5 năm thực hiện công tác bồi thường nhà nước đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, bên cạnh đó cũng còn tồn tại một số hạn chế cần có sự nghiên cứu để hướng dẫn, khắc phục.


Quốc hội giám sát án oan sai tại thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 1


Thứ trưởng nhấn mạnh, cuộc họp nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được và trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác bồi thường trong thời gian tới. Đồng thời thống nhất cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin đảm bảo kịp thời, đầy đủ về công tác bồi thường, giải quyết bồi thường nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và báo cáo cơ quan có thẩm quyền về công tác bồi thường nhà nước khi có yêu cầu.


Theo báo cáo tình hình và kết quả phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng năm 2014, Cục Bồi thường nhà nước và các cơ quan liên ngành đã phối hợp xây dựng ban hành được 02 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng; đã phối hợp, trao đổi nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước đối với 6 vụ việc.


Trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổng hợp số liệu về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động tố tụng và tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội khóa XIII về công tác này tại kỳ họp số 8.


Thực hiện Nghị quyết số 821/NQ-UBTVQH13 ngày 17/10/2014 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước cho người bị oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự.


Báo cáo tình hình và kết quả phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng năm 2014 cũng đưa ra một số giải pháp đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp như: định kỳ hàng năm tổ chức họp liên ngành; bảo đảm việc cung cấp thông tin; đẩy mạnh sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan tiến hành tố tụng từ trung ương tới địa phương; xác định nội dung và chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ…


Theo báo Công an TP.HCM, cũng trong ngày 18/12/2014, ông Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, dẫn đầu đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại TPHCM về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.


Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức 5 đoàn giám sát thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đắk Nông, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quân khu 4, Hải Phòng, Nam Định và Bắc Giang.


Đoàn giám sát nghe và đánh giá, xem xét các lãnh đạo Công an, Viện KSND, TAND, Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan, Chi cục Kiểm lâm TPHCM và Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 báo cáo về thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân, trách nhiệm dẫn đến tình trạng oan sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử án hình sự và bồi thường thiệt hại cho việc oan trong khoảng thời gian từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014.


Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan được giao một số hoạt động điều tra ban đầu cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự; đề xuất những giải pháp khắc phục để bổ sung; sửa đổi những chủ trương, chính sách chưa phù hợp nhằm hạn chế tình hình oan, sai.


Quốc hội giám sát án oan sai tại thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh 2


Báo cáo với đoàn giám sát, thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TPHCM, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, cho biết thời gian trên CATP không để xảy ra vụ oan sai nào mà phải bồi thường, tuy nhiên trong hoạt động điều tra ban đầu gặp không ít khó khăn.


Chẳng hạn việc xử lý đơn thư tố giác tội phạm vì thời hạn quá ngắn nên những vụ phức tạp khó tiến hành xác minh, xử lý để khởi tố đúng quy định; những vụ cố ý gây thương tích nếu là hung khí nguy hiểm, thiệt hại 11% sức khỏe rõ ràng có thể khởi tố ngay được, nhưng có những vụ phức tạp phải chờ kết quả giám định của các cơ quan chức năng, khó đảm bảo về mặt thời gian; các vụ lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản rất khó xử lý vì lý do bỏ trốn, trong khi bị hại quá bức xúc...


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đây là đợt giám sát quan trọng, oan sai là thực tế được dư luận xã hội, cử tri, đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Chương trình cải cách tư pháp đặt ra mục tiêu xây dựng nền tư pháp Việt Nam trong sạch, vững mạnh, dân chủ; đồng thời Hiến pháp năm 2013 xác định nguyên tắc cơ bản là tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đề ra các nguyên tắc rất dân chủ, tiến bộ đối với các cơ quan tư pháp như nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo, đương sự, nguyên tắc tôn trọng tính mạng con người, quyền được sống của công dân.


Ngày 19/12, Đoàn giám sát làm việc với TAND quận Bình Tân và kết luận nội dung giám sát.


Xem thêm Clip:


Người chịu án oan gian nan đòi bồi thường.


Kim Thành (Tổng hợp)



Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.




www.nguoiduatin.vn

Back to TOP