Thẩm phán bối rối việc chị gái giải quyết ‘phong tỏa’ nhà em trai vì… sợ ma
Có mảnh đất nằm lọt thỏm trong vườn nhà người chị con bác nên ông Trường được bà Xoan cắt cho một phần đất nhỏ làm lối đi lại. Hai gia đình sống rất thân thiết, nhưng kể từ ngày cưới con của ông Trường không may qua đời, chôn cất ngay trước cửa nhà khiến bà Xoan hoảng sợ. Lúc nào trong đầu bà cũng nghĩ tới những điều rùng rợn, thần hồn nát thần tính nên bà Xoan sớm tối “ăn không ngon, ngủ không yên”. Sợ rằng sống lâu trong cảnh đó, chẳng sớm thì muộn mình cũng kinh hãi mà chết nên bà Xoan yêu cầu ông Trường phải di dời ngôi mộ đi nơi khác.
Tuy nhiên, vốn không có đất nên ông Trường không biết di chuyển ngôi mộ con trai mình đi đâu, bèn cố gắng thuyết phục chị gái gạt bỏ đi nỗi sợ hãi trong lòng mà tiếp tục sống có chị, có em. Thế nhưng bà Xoan nhất quyết không chịu, bực mình bảo đứa em trai không nghe lời, bà Xoan đòi luôn lại phần đất đã cho làm đường đi trước đó khiến gia đình ông Trường “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ông Trường đành gửi đơn khiếu nại lên tòa án nhờ giải quyết.
Tình chị nghĩa em đổ vỡ vì… sợ “ma”
Ông Lê Bình Dân – Thẩm phán TAND huyện Long Mỹ, Hậu Giang cho biết, đang thụ lý vụ việc hết sức hy hữu xảy ra trên địa bàn khiến cho bản thân ông cũng cảm thấy khó xử. Ông Dân nói: “Đây không chỉ là vụ việc đơn thuần mà nó còn liên quan đến tình nghĩa, đạo đức. Người chị vì một nỗi sợ hãi mù quáng không có thực mà quyết tâm làm khó em mình. Người em ấy không có đường tiến mà cũng chẳng có đường rút, 2 tháng nay sống trong sự cô lập vì chị gái đã rào chắn hết lối ra vào của ngôi nhà. Chúng tôi đang tiến hành hòa giải nhưng vẫn chưa được”.
Theo lời kể của ông Dân, bà Trần Thị Xoan (63 tuổi) là chị em con chú con bác với ông Trần Văn Trường (57 tuổ). DO việc phân chia đất cát từ đời trước để lại, ông Trường sở hữu một mảnh đất rộng 60m2 nằm lọt thỏm vào mảnh đất của bà Xoan. Tuy nhiên, hơn 30 năm qua, hai bên không xảy ra bất kì điều tiếng, tranh chấp gì. Ngược lại, hai gia đình ông Trường – bà Xoan còn sống rất hòa thuận, sớm tối có nhau. Chính những người hàng xóm sống xung quanh cũng khẳng định điều đó.
Mâu thuẫn bắt đầu từ 5 tháng về trước, khi người con trai của ông Trường không may bị tai nạn giao thông qua đời sớm. Theo phong tục của người dân miền Tây Nam bộ, thi thể người đã khuất được gia đình đem về an táng tại mảnh đất mà gia đình đang sinh sống để tiện bề chăm sóc. Vì diện tích đất của nhà ông Trường không có nhiều, ngôi nhà lại xây ở cuối mảnh đất, giáp với đường (lộ) nên chỉ còn lựa chọn duy nhất là ông Trường an táng con train gay trước cửa nhà, đối diện cách đó chừng 5m là cửa chính ngôi nhà của người chị gái tên Xoan.
Mọi chuyện tưởng chừng êm thấm sau ngày bà con chòm xóm đến chia buồn trước sự ra đi đột ngột của chàng thanh niên trẻ, vợ chồng ông Trường cũng nén nỗi nhớ thương con trai để sống tiếp phần đời còn lại nhưng khúc mắc bắt đầu xảy ra. Mấy ngày sau khi ông Trường làm lễ an táng con trai, bà Xoan hốt hoảng sang nhà người em trai mếu máo chia sẻ với khuôn mặt hốc hác. Bà Xoan cho biết, mấy ngày liền bà không tài nào chợp mắt, hễ định ngủ thì đầu óc bà lại nghĩ tới ngôi mộ của đứa cháu trai nằm án ngữ ngay trước cửa nhà mình. Đến khi mệt quá thiếp đi thì những giấc mộng mị ma quái ập đến khiến bà Xoan giật mình choàng tỉnh với nỗi sợ hãi vây kín.
Sau nhiều ngày mất ngủ, bà Xoan đinh ninh vong hồn cháu trai yểu mạng trở về quấy nhiễu. Ám ảnh đó càng đeo bám bà Xoan hơn khi mỗi lần bước ra tới cửa là nhìn thấy ngôi mộ cháu trai. Bất chấp lời khuyên nhủ của vợ chồng ông Trường, bà Xoan đã cây một bức tường cao quá đầu người chắn ngang giữa hai nhà đủ để che đi ngôi mội. Dẫu vậy, việc xây tường vẫn không làm bà Xoan vơi đi nỗi sợ hãi. Chẳng làm cách nào được, bà Xoan đành đề nghị với người em trai di dời ngôi mộ đi chỗ khác.
Hiểu được nỗi sợ hãi mà chị mình đang phải trải qua nhưng vợ chồng ông Trường bị đẩy vào thế khó khi không biết phải di chuyển ngôi mộ con trai đi đâu. Bà Xoan “yêu cầu” vợ chồng ông Trường phải nhanh chóng đưa phần mộ con trai đi chỗ khác, nếu không bà sẽ thu lại phần đất đã cho trước đó để làm lối đi.
Trong khi ông Trường đang phân vân, bà Xoan liền rào bốn phía xung quanh nhà để “thị uy” em trai. Mâu thuẫn nổ ra, tình cảm chị em đổ vỡ. Biết không thể khuyên nhủ được chị, ông Trường đành làm đơn nhờ cơ quan chức năng giải quyết.
Thẩm phán khó xử
“Ông Trường tâm sự, đã nhờ mọi người thuyết phục, thậm chí cả chính quyền địa phương cũng tới tận nơi hòa giải nhưng bà Xoan vẫn không bỏ được cái suy nghĩ hoang tưởng trong đầu. Tình chị em sứt mẻ, thù ghét, lời ra tiếng vào. Cầm lá đơn nhờ tòa án can thiệp, bản thân ông Trường cũng cảm thấy rất đau lòng nhưng suốt hai tháng qua, ông không thể vào ra ngôi nhà của mình. Hêx nhìn thấy bà Xoan là hai người lại nảy ra cãi vã” – Thẩm phán Lê Bình Dân kể lại.
Nhận được đơn của ông Trường, thẩm phán Lê Bình Dân về tận nơi khảo sát tình hình thực tế mảnh đất của hai gia đình. Thực tế cho thấy, ông Trường không có lựa chọn khác khi phải an táng con train gay giữa hai nhà bởi “xung quanh mảnh đất đều là đường lộ. Mảnh đất của ông Trường nằm ở cuối khu đất, khoảng trống duy nhất để đặt mộ cũng chính là khoảng cách với nhà của bà Xoan”.
Vụ việc khiến bản thân thẩm phán Dân “khó xử”. Nhưng cái “khó xử” của ông ở đây không phải vì khúc mắc về pháp lý mà điều khiến ông trăn trở là làm thế nào để vừa hợp tình, vừa hợp lý, sự việc được giải quyết và chị em không mất hòa khí.
Ông Dân nói: “Nếu chiếu theo luật thì quá dễ dàng, luật quy định rất rõ trong trường hợp này bà Xoan buộc phải để ra một phần đất làm lối đi cho ông Trường. Nếu bà Xoan không chấp thuận thì cơ quan chức năng buộc phải tiến hành cưỡng chế. Nhưng nếu xử theo đúng luật thì sẽ mất hết tình cảm. Đặc biệt với cấp tòa án cơ sở, mục tiêu giải quyết sự việc không phải là áp dụng cứng nhắc pháp luật vào trong cuộc sống mà còn phải tuyên truyền pháp luật cho người dân hiểu rõ để từ đó họ tự nguyện sống và làm theo pháp luật…”.
Sau buổi khảo sát, ông Dân đã triệu tập bà Xoan và ông Trường lên trụ sở TAND huyện Long Mỹ để tiến hành hòa giải. Tại đây, vị thẩm phán này đã giải thích rất rõ quy định của pháp luật cho bà Xoan nghe, đồng thời ông cũng không quên tâm sự thật lòng về sự mê tín trong lòng bà Xoan là không có cơ sở, điều đó ảnh hưởng đến tình chị em. Nhưng người phụ nữ này vẫn nhất quyết không nghe, một mực yêu cầu ông Trường phải di dời mộ con trai, nếu không vẫn tiếp tục rào chắn xung quanh.
Sự kiên quyết đó của bà Xoan đã làm cho ông Dân cảm thấy trăn trở. “Không biết sự mê tín đó của bà Xoan có được lợi ích gì không nhưng thiệt hại thì đã thấy rõ khi tình chị em mất đi, bà con chòm xóm cười chê. Buổi hòa giải thứ nhất không thành công, chúng tôi đang chờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, lãnh đạo ấp nơi bà Xoan sinh sống làm công tác tư tưởng để chuẩn bị cho lần hòa giải thứ hai. Nếu không có kết quả buộc lòng chúng tôi phải ra quyết định cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng để đến mức cưỡng chế thì chính bản thân tôi cũng chẳng thấy vui vẻ gì”.
61 đối tượng gây rối tại các KCN đứng trước vành móng ngựa
Khánh An
Mời quý độc giả đọc báo qua RSS để có thêm nhiều thông tin hơn.
www.nguoiduatin.vn