Chuyện đời buồn của người mẹ xin giảm án cho kẻ sát hại con trai
Nghèo khó đeo đẳng
Dù lau nhiều lần nhưng nước mắt trên khuôn mặt của bà Chí Sến M. (ngụ quận 8, TP.HCM) vẫn không thôi chảy. Giọng méo mó vì nấc nghẹn, bà nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, bà yêu và kết hôn. Cuộc sống khó khăn nhưng tràn ngập hạnh phúc.
Bà sinh hạ được ba người con trai. Bà con chòm xóm vẫn khuyên nên sinh thêm con vì dân gian có câu “tam nam bất phú”. Bà cũng sợ trước những lời này nhưng ngẫm đi, nghĩ lại, ba đứa con đã không thể nuôi nổi, thì sinh thêm biết phải làm sao?
Bà M. đau đớn trước cái chết của con trai.
Đứa con út chưa tròn nửa tuổi, bà phải đi làm thuê, làm mướn đỡ đần phần nào tiền chi tiêu trong gia đình với chồng. Cả ngày mệt mỏi, tối về bên bữa cơm đạm bạc, tiếng cười lại rộn ràng. Bà nghĩ, thời gian này khổ như thế, nhưng khi các con lớn thì cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn. Bà không thể ngờ, biết bao chông gai đang đón đợi mình ở phía trước.
Khi con út vừa tròn 4 tuổi, chồng bà bỗng dưng đổ bệnh tai biến, nằm liệt giường. Vì không có tiền chạy chữa, ông ra đi trong nỗi đau khổ của người thân. Buồn bã nhưng khi nhìn ba đứa con thơ, bà tự động viên phải cố gắng vượt qua. Bà xin việc ở một công ty sản xuất bật lửa để làm. Tiền công không cao, thiếu thốn đủ đường, nhưng bà vẫn có thể nuôi các con ngày hai bữa đủ no.
Trong thâm tâm, bà M. biết, chỉ con đường học hành mới có thể giúp các con thoát khỏi cảnh túng thiếu. Bà luôn mong muốn nuôi cả ba đứa con ăn học đến nơi, đến chốn. Tuy nhiên, đôi vai bà không thể gánh nổi. Nhiều lúc, đến thời gian nộp học phí, con về xin, bà chỉ biết rơi nước mắt. Bà lại quýnh quáng vay mượn tiền cho con nộp. Sau một thời gian, bà đành chấp nhận cho con trai đầu nghỉ học.
Thời đi học, Lê Tuấn E. (SN 1997) luôn là học sinh khá giỏi. Cậu cũng muốn học thành tài để không phải đi làm thuê, làm mướn. Nhưng đến kỳ nộp tiền, cậu thấy đôi mắt mẹ buồn, trán thêm nhiều vết nhăn, đêm đêm lại nghe tiếng rấm rứt của đấng sinh thành... Suy tính rất nhiều, cậu xin mẹ được nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi em.
Hôm đó, bà M. động viên con cố gắng vượt qua thời gian khó này, không nên vì nghèo khó mà nhụt chí. Nhưng, E. biết, mẹ không còn đủ khả năng để nuôi mình học tiếp. E. tự ý bỏ học, đi làm thuê. Lúc đầu, bà không biết. Về sau, mọi chuyện vỡ lở, bà chỉ biết ôm con nấc nghẹn.
14 tuổi, E. theo đến công ty của mẹ xin làm thuê. Tiền công của cậu ít hơn của mẹ nhiều. Mỗi lần nhận lương, cậu đưa trọn cho mẹ. Ban đêm, cậu chỉ ở nhà, vì sợ đi chơi sẽ tốn tiền. Hàng xóm thấy cậu như vậy thì lấy làm gương để răn đe con cái. “Tôi không biết ở ngoài xã hội thì thế nào, nhưng đối với gia đình, chòm xóm, E. là thanh niên hiền lành, dễ thương”, người mẹ nói.
Vào giữa năm 2014, một đồng nghiệp gây sự với E.. Cậu không muốn lớn chuyện nên quyết định nghỉ. Ở nhà, thấy mẹ hàng ngày đi làm, cậu thương. Cậu tự cảm thấy mình đã lớn, không thể cứ ăn bám hoài nên nói chuyện với mẹ. Bà bảo, con còn nhỏ, cứ chơi vài bữa rồi hãy đi xin việc.
Cậu trả lời: “Thấy mẹ khổ cực con không chịu nổi”. Sau hôm đó, cậu mang hồ sơ đến doanh nghiệp tư nhân nhựa Chợ Lớn xin làm công nhân và được chấp nhận.
Xin hòm mai táng cho con
Thỉnh thoảng, bà M. hỏi con trai công việc ở công ty mới như thế nào. E. kể, công việc không nặng nhọc lắm và cũng có quen một vài người bạn mới. Bà M. thấy thế thì cũng mừng cho con. Nhưng, chưa đầy nửa tháng sau, bà đang đứng nấu cơm thì con trai đầu chạy vào hốt hoảng thông báo: “Thằng E. bị người ta đâm chết rồi”.
Ngay lập tức, bà M. chạy đến bệnh viện, nhưng E. đã qua đời từ trước. Vừa thấy thi thể của con, bà liền ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, cả bà lẫn thi thể của con đã được đưa về nhà. “Lúc đó, tôi đau đớn đến mức không thiết sống nữa. Thật đau xót khi nghe mọi người kể, trước lúc nhắm mắt, E. còn cầu xin mọi người cho gặp mẹ lần cuối...”, bà M. nghẹn đắng.
Video xem thêm:
Đâm chết người bỏ chạy, đối tượng sa lưới sau 12 giờ truy bắt.
Trong lúc đau đớn ấy, bà M. lục hết trong túi chỉ được vài trăm nghìn đồng. Bà gạt nước mắt, gõ cửa nhiều địa chỉ, xin hòm để mai táng cho con. Rất may, bà được một người tốt bụng đồng ý cho và E. đã được khâm liệm. Để có thể thiêu con, bà phải vay mượn 40 triệu đồng. Sau khi hỏa táng, bà gửi tro ở nhà chùa với mong muốn con sẽ an vui dưới suối vàng.
Nửa năm qua, bà M. vẫn chỉ nghe những thông tin không chính thức đến cái chết của con trai. Khi tham dự phiên tòa xét xử vụ án vào ngày 20/3/2015, bà không thôi rơi nước mắt. Bà chết lặng khi nghe hung thủ là Nguyễn Trường Đồ (SN 1996, ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) khai nhận hành vi.
Đồ, E. và Trịnh Văn H. là đồng nghiệp. Trong quá trình đi làm, giữa Đồ và H. xảy ra mâu thuẫn. Khoảng 13h ngày 27/8/2014, Đồ và H. cãi nhau. Đồ có dùng tay đánh vào mặt H. rồi bỏ đi.
Tối cùng ngày, trong lúc uống bia tại quán nhậu, H. kể sự việc lại cho E. biết. E. nhờ một người quen đến phòng trọ chở Đồ đến để nói chuyện. Khi Đồ đến nơi, E. xông vào đánh và được mọi người can ngăn. Trước khi ra về, E. dọa sẽ đánh và giết Đồ.
Sáng hôm sau, Đồ và E. đến công ty làm việc như bình thường. Do E. hăm dọa đánh Đồ nên vào giờ nghỉ trưa, Đồ về phòng trọ lấy một con dao bỏ vào túi quần rồi quay lại chỗ làm. Đến 18h15, E. đang làm việc thì bất ngờ Đồ đến gần, dùng dao đâm bốn nhát rồi bỏ chạy. Đồ bị đồng nghiệp bắt giữ giao cho công an.
Trong phiên tòa, bà M. cho biết, bà rất giận Đồ vì đã cướp đi mạng sống của con trai mình. Tuy nhiên, bà vẫn mong, gia đình của Đồ đến xin lỗi, thắp cho E. một nén nhang để tạ tội. Thế nhưng, đến nay, họ vẫn chưa một lần thăm hỏi. Mặc dù vậy, bà vẫn mong HĐXX cho Đồ một cơ hội, được giảm án nhẹ để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Khi được hỏi: “Đồ đã sát hại con trai, tại sao bà còn xin giảm án?”.
Bà M. vẫn không kìm được nước mắt: “E. chết rồi, giờ tôi làm gì thì cháu cũng không thể sống lại được. Đồ quá nhỏ, còn cả tương lai phía trước. Tôi chỉ mong, bị cáo nhận ra lỗi lầm của mình, sớm trở về và sẽ trở thành một người tốt. Tôi xem như mình đang làm một việc thiện, mở lòng từ bi để con trai sớm được siêu thoát”.
Hôm đó, HĐXX nhận định, hành vi của Đồ là đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ vì chút mâu thuẫn nhỏ, bị cáo đã dùng dao tước đoạt mạng sống của bị hại nên cần có mức án nghiêm khắc để làm gương cho kẻ khác.
Tuy nhiên, tòa cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo còn vị thành niên khi phạm tội, gia đình bị hại xin bãi nại, thành khẩn, hối hận... nên tuyên phạt mức án 15 năm tù giam về tội giết người.
Đồ đứng nghe tuyên án.
Lời xin lỗi muộn màng Suốt phiên tòa, Đồ không một lần dám ngước lên nhìn HĐXX. Đồ thừa nhận hết tội lỗi của mình. Đồ day dứt nói lời sau cùng: “Bị cáo biết mình đã sai rất nhiều. Phải chi, hôm đó, bị cáo có thể kìm lại sự tức giận... Cho bị cáo gửi lời xin lỗi đến mẹ bị cáo, người thân của bị hại và đặc biệt là bác M.. Bác tha lỗi cho con. Khi được trở về, chắc chắn con sẽ trở thành một người tốt, đến gia đình để tạ lỗi với bác và thắp hương xin lỗi E.”. |
Huy Linh - Lành Nguyễn
www.nguoiduatin.vn