Quốc hội họp thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân
Sáng ngày 1/4/2015, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Uỷ ban pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân.
Đồng chí Phan Trung Lý, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phiên họp.
Tham dự có các Đại biểu Quốc hội là thành viên Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, đại diện Uỷ ban giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng và một số Bộ, ngành hữu quan như: Bộ Quốc phòng, Toà án nhân dân Tối cao, Bộ Tài chính, Bộ xây dựng, lãnh đạo và chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội và Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật Hội Luật gia Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Trưng cầu ý dân đã báo cáo về nội dung Tờ trình và toàn bộ nội dung của dự án luật.
Trong đó khẳng định, trưng cầu ý dân là phương thức dân chủ trực tiếp quan trọng và mạnh mẽ nhất để người dân thể hiện đầy đủ ý chí và quyền quyết đinh của mình đối với các vấn đề quan trọng nhất của đất nước, để công dân tham gia tích cực, hiệu quả vào các công việc của nhà nước và xã hội.
Việc xây dựng Luật Trưng cầu ý dân nhằm cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp về quyền của công dân biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân (điều 29), thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc thực hiện nguyên tắc hiến định "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân", thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể để thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân.
Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân tại thời điểm hiện nay là phù hợp.
Một mặt đáp ứng sự mong đợi lớn của nhân dân về đẩy mạnh dân chủ hoá đời sống xã hội trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Mặt khác, bảo đảm nội luật hoá và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia dân chủ trong thế giới hiện đại, tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia sâu, quyết định trực tiếp làm tăng tính chính danh đối với những vấn đề liên quan đến chủ quyền và sự phát triển bền vững của quốc gia trong quá trình hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội nhất trí với lập luận của Ban soạn thảo về sự cần thiết Ban hành Luật Trưng cầu ý dân.
Đây là dự án luật rất quan trọng về quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân, trong quá trình soạn thảo còn có nhiều ý kiến khác nhau, do đó, đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, cho ý kiến vào những vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Ban soạn thảo đã nêu ra trong Tờ trình.
Theo kế hoạch, dự án Luật TCYD sẽ được báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2015 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015).
PV
www.nguoiduatin.vn