Hối hận muộn màng của 'đại bàng trại giam' chém bạn tù nứt sọ
Sai lầm tuổi trẻ
Thông thường, các bị cáo đến tòa án được mặc thường phục với điều kiện là quần dài và áo sơ mi. Chỉ lúc nào họ ở trong trại giam, thì mới mặc trang phục dành cho tù nhân.
Sáng 30/3/2015, một bị cáo nam lại mặc một bộ áo quần sọc đen trắng dành cho người tù được dẫn đến tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM khiến mọi người không khỏi để ý.
Bị cáo ấy tên là Trần Lê Thái (SN 1994, quê ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Khi được gợi chuyện, hắn buồn rầu, vội giấu giọt nước mắt vừa lăn vào tay áo.
“Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, em bị xét xử ở hai vụ án khác nhau. Mà, vụ án này lại mang tội giết người, và xảy ra ngay chính trong trại giam. Đến phiên tòa này, em chỉ mong được giảm án để sớm trở về làm lại cuộc đời”, hắn nói.
Thái chia sẻ, mặc dù sinh ra và lớn lên ở thành phố nhưng nhà nghèo lắm. Nghèo đến mức, cơn gió thổi qua, người bên trong hưởng trọn. Nắng về chiều cũng xiên qua mái lá... Khi hắn mới chập chững tập đi thì bố đã bỏ đi. Thuở ấy, hắn vẫn chưa biết buồn khi cha bỏ hai mẹ con. Hắn chỉ rầu khi thấy những giọt nước mắt của mẹ rơi. Hắn cố dỗ: “Mẹ đừng khóc nữa. Bố đi thì còn có con”. Những giọt nước mắt của mẹ ngày ấy cứ ăn sâu vào tâm trí con trẻ.
Mẹ Thái đẹp, chồng bỏ đi sớm nên nhiều người khuyên bà bước thêm bước nữa. Nhưng, bà sợ cha dượng sẽ không thương con riêng của vợ, và sẽ khiến cho hắn khổ. Và, bà ở vậy nuôi con. Bà làm thuê, làm mướn không nề hà nặng nhọc. Bà làm từ lúc tinh mơ đến tối mịt. Đối với bà, thân khổ bao nhiêu cũng có thể chịu được, nhưng thấy con đói, con khát thì lòng lại quặn thắt.
Tuổi đi học, Thái cũng được cho đến trường. Người mẹ bảo: “Mẹ chữ nghĩa ít nên phải chịu cuộc sống khổ cực. Con cố học để tương lai thoát cảnh làm thuê, làm mướn”.
Thái cũng muốn nghe lời mẹ nhưng ngặt nỗi, nhìn vào sách vở mà chữ nghĩa không đọng lại gì trong trí nhớ. Tốt nghiệp cấp 2, hắn ngồi lại, trình bày và xin mẹ được nghỉ học. Người mẹ khuyên nhủ thật nhiều và cuối cùng chỉ cúi đầu lau vội dòng nước mắt bất lực.
Thái bảo, ngày xưa hiền lắm, làm gì không phải cũng sợ mẹ buồn. Và điều khiến hắn làm mẹ buồn nhất là việc nghỉ học. Rồi, khi đến tuổi dậy thì, bỗng dưng tâm lý thay đổi. Hắn bỗng dưng thích chơi bời, tụ tập với đám bạn, thích cãi lại lời người lớn...Đến bây giờ, hắn cũng không thể hiểu được tại sao lúc ấy mình lại có những suy nghĩ điên rồ như thế.
Hắn cũng như đám bạn cùng lứa thấy người lớn nhậu thì cũng tập tành làm theo. Mà những người đàn ông làm việc, có tiền để nhậu. Riêng hắn cùng bạn thì vô công rỗi nghề, một đồng dính túi cũng không. Để thỏa mãn giấc mộng làm người lớn, họ lại trộm những thứ lặt vặt như gà, vịt...
Lúc ấy, hắn chỉ nghĩ, những thứ ấy ít giá trị, nếu bị bắt, nặng nhất là bị đánh vài roi rồi thôi. Hắn không ngờ, hành động ấy dù nhỏ nhưng kéo dài lại khiến đầu óc mụ mị. Điều ấy cộng với sự háo thắng của tuổi trẻ khiến hắn trở thành kẻ điên rồ. Nói là điên rồ cũng chẳng sai, bởi năm 17 tuổi, hắn chán đi trộm nên chuyển sang cướp và đe dọa người khác.
Bị cáo Thái trong phiên tòa phúc thẩm.
Ngay trong lần đầu phạm tội hắn đã bị bắt. Thái nhớ rất rõ, chân như muốn khịu xuống khi bị bắt. Hình ảnh mẹ gào khóc gọi tên con cứ ám ảnh hắn hoài. Ngay lúc đó, hắn cảm thấy hối hận, và có dự cảm về việc tuổi xuân của mình sẽ phải chôn chặt sau song sắt. Vào tháng 5/2011, hắn bị TAND TP.Mỹ Tho xét xử và tuyên phạt bảy năm tù giam.
Và... “đại bàng” trại giam
Sau khi bản án có hiệu lực, Thái được thụ án tại trại giam Thạnh Hòa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Do xa quê, nên mẹ hắn thỉnh thoảng mới lên thăm. Mỗi khi gặp, bà lại khóc, khuyên con nên cố gắng cải tạo tốt để trở về. Có lần, bà bảo: “Mẹ lớn tuổi rồi, chỉ còn mình con thôi. Con phải nhanh trở về, chứ một mình ở nhà mẹ chịu không nổi. Cứ xem như việc ngồi tù này là một bài học để sau này mà sống”.
Ánh mắt buồn hiu hắt của mẹ như mũi kim đâm thẳng vào trái tim của Thái. Hắn tự hứa với lòng, phải cố gắng cải tạo tốt để được tại ngoại sớm, bù đắp lại những đau khổ mình đã gây ra cho mẹ. Nhưng, hắn không ngờ, chỉ vì một chút tức giận, hắn lại đẩy mình vào con đường tối tăm hơn.
Thái được sắp xếp ở chung buồng giam số 8, đội 20, phân trại số 1 cùng Hồng Văn Đ.. Do cả hai người cải tạo tốt nên được giám thị trại giam cho ra ngoài lao động.
Lúc đầu, hai người khá thân thiết, cứ bám lấy nhau. Đêm đêm, họ kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn của gia đình, cuộc sống mình đã trải qua. Và, bất kể trong câu chuyện nào của hắn cũng có sự xuất hiện của mẹ, hối hận và mong muốn được tại ngoại sớm.
Thế nhưng, ngày 21/9/2014, cả hai xảy ra mâu thuẫn trong việc sắp xếp nơi ngủ trong buồng giam. Bực mình, Thái nảy sinh ý định chém Đ. khi ra ngoài lao động.
Khoảng 15h ngày 25/9/2014, hắn ngồi róc vỏ tràm bằng dao rựa trên bờ đê lô 1 giáp với lô 2, khu 3, phân trại số 1, thì thấy Đ. đội nón đi ngang cùng một phạm nhân khác. Không chút suy nghĩ, hắn đứng dậy, lao đến chém vào đầu và vai của Đ..
Người bạn tù thấy vậy vội la lớn kêu cứu. Cán bộ quản lý trại giam chạy đến, bắt hắn lại và đưa Đ. đi cấp cứu. Mặc dù Đ. được cứu sống, nhưng bị vỡ, nứt sọ đỉnh phải, thương tật 19%.
Thái bảo, mặc dù Đ. còn sống nhưng xét xử mình tội giết người là đúng người, đúng tội. 13 năm tù giam cấp sơ thẩm tuyên cũng không phải là quá nặng. Tuy nhiên, khi nghĩ đến mẹ ở nhà một mình, đêm lại ôm gối khóc khi nghĩ đến con trai thì tim hắn đau lắm nên viết đơn, lấy đây là lý do để xin giảm án.
Đứng trước vành móng ngựa phiên tòa phúc thẩm, Thái không một lời chối tội, thừa nhận hết tất cả hành vi đã gây ra. Hắn cho biết, điều khiến mình suy nghĩ hơn cả là sau khi vụ án xảy ra mà Đ. không một lời trách cứ, không yêu cầu bất kỳ điều gì từ hung thủ.
Hắn nghẹn ngào khi trình bày lý do: “Hoàn cảnh gia đình tôi neo đơn. Cha bỏ đi khi tôi còn rất nhỏ. Tôi sống với người mẹ già. Tôi là con một trong gia đình và là lao động chính. Mong quí tòa xem xét lại hành vi và bản án để giảm nhẹ hình phạt để tôi cố gắng chấp hành án rồi về lo cho mẹ già và làm con người tốt cho xã hội”.
Khi được hỏi, hiện tại có mong muốn gì nhất? Thái rơm rớm nước mắt cho hay, chỉ muốn thời gian quay trở lại để không phạm phải những sai lầm tai hại như thế. Và lúc đó, chắc chắn, những giọt nước mắt của mẹ không phải rơi vì sự ngu dại của con trai.
Quả thật, cần có những biến cố để thay đổi dư vị, khiến con người cảm thấy bớt tẻ nhạt. Tuy nhiên, biến cố chỉ khiến cuộc sống bớt tẻ nhạt nếu ta biết vượt qua một cách khôn ngoan. Còn không, biến cố sẽ khiến ta trở thành tuyện vọng. Và hy vọng, sau lần này, Thái sẽ biết cách vượt qua để nước mắt mẹ già không còn phải rơi.
Y án sơ thẩm Hôm đó, HĐXX nhận định, Thái thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có tình chất côn đồ và tái nguy hiểm, đang trong thời gian cải tạo chấp hành án. Điều này thể hiện bị cáo bất chất pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe của con người, ảnh hưởng đến nền trật tự tại địa phương. Cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết phạm tội chưa đạt, trong quá trình điều tra thành khẩn khai cáo, ăn năn hối cải... Trong phiên tòa phúc thẩm bị cáo không đưa ra được tình tiết nào mới nên tòa bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm 13 năm tù giam về tội “giết người”. |
Huy Linh
www.nguoiduatin.vn