Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Nếu muốn Toyota 'ăn đời ở kiếp' với Việt Nam

Tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Kinh tế Thương mại và công nghiệp Nhật Bản mới đây, Toyota đã có một bản đề xuất với 2 kịch bản tính toán dự báo về viễn cảnh phát triển thị trường tô Việt Nam và khả năng đi hay ở của hãng. Trong đó, nếu ở lại, hãng xin Chính phủ trợ giá ít nhất 10% chi phí sản xuất.

Cụ thể, hãng đề nghị thay đổi giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe CKD từ giá bán của nhà sản xuất hiện nay sang tính theo giá xuất xưởng. Toyota cho rằng, Thái Lan và Indonesia đều đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo cách này, và đây mới là cách tính thuế công bằng.

Điểm thứ hai, hãng đề xuất Chính phủ Việt Nam giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện CKD từ Nhật Bản từ mức 15-25% theo chính sách thuế MFN (theo cam kết WTO) hiện nay xuống 0%, ngang với mức thuế ưu đãi nhập khẩu linh kiện từ ASEAN vào năm 2018.

  Nếu muốn Toyota 'ăn đời ở kiếp' với Việt Nam - Ảnh 1

Việt Nam sẽ phải hỗ trợ hàng tỷ USD để "níu chân" Toyota?

Lời đề nghị thứ ba được Toyota kiên trì theo đuổi từ năm ngoái về việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước. Hãng kiến nghị Chính phủ có thể chọn 2 giải pháp, hoặc là giảm 20% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc giảm mức thuế suất từ 45% xuống chỉ còn 35%.

Thứ tư là việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất ô tô.

Và lời đề nghị quan trọng cuối cùng, gây chú ý nhất là Toyota Việt Nam xin Chính phủ hỗ trợ cho xe CKD giá trị xe tương đương 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Thời gian hỗ trợ phải kéo dài 10 năm.

Theo đó, mức chênh lệch chi phí này, theo tính toán của Toyota, lên tới 25% vào năm 2018, khi hàng rào thuế nhập khẩu trong các nước ASEAN về 0%. 

Nếu Chính phủ Việt Nam phê duyệt các đề xuất trên, Toyota Việt Nam sẽ nỗ lực từng bước tăng cường nội địa hoá để cắt giảm chi phí, tiến tới loại bỏ hoàn toàn một nửa chênh lệch chi phí còn lại. Tỷ lệ nội địa hoá vào năm 2020-2025 sẽ cao hơn con số 20-37% hiện nay.

Hãng đang có 5 mẫu xe, sau này sẽ có thêm 2-3 mẫu xe mới và đổi mới khoảng 10-15 mẫu xe. Sản lượng xe đang từ 40.000 xe sẽ được nâng lên 50.000 xe", Toyota hứa hẹn.

Ngược lại, nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam sau năm 2018 như trên, hãng rất khó duy trì sản xuất xe tại Việt Nam do đối thủ nhập khẩu các mẫu xe với giá rẻ hơn xe sản xuất trong nước.

Không đạt tỷ lệ nội địa như yêu cầu

Trong thời gian cấp phép 40 năm (từ 1995), Toyota được miễn thuế nhập khẩu các thiết bị, máy móc, phụ tùng, các phương tiện sản xuất kinh doanh, gồm cả phương tiện vận tải và các vật tư nhâp khẩu vào Việt Nam để xây dựng cơ bản công ty. Đồng thời, hãng được miễn thuế nhập khẩu các nguyên liệu, bộ phận rời, phụ tùng, các vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, với chính sách thuế ưu đãi vừa qua, chi phí sản xuất xe trong nước hiện thấp hơn giá xe nhập khẩu 10%.
Mặc dù kêu nhiều khó khăn, nhưng hãng vẫn có được những khoản doanh thu khổng lồ.

Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho hay, với mức lợi tức chia cho công ty VEAM là 20%, với con số 400 tỷ đồng thì khoản lợi nhuận của Toyota tại Việt Nam cũng không hề nhỏ. Điều đó có nghĩa, hãng ô tô này đã hưởng lợi và làm ăn hiệu quả tại Việt Nam.

Trong khi đó, cam kết về tỷ lệ nội địa hoá của Toyota không đạt như trong giấy phép đầu tư yêu cầu.

Cụ thể, từ năm thứ 3 trở đi, khi bắt đầu sản xuất, công ty phải sử dụng linh kiện, phụ tùng tại Việt Nam với tỷ lệ tăng dần theo từng năm để đến năm thứ 10 đạt ít nhất 30% giá trị xe.

Như vậy, năm 1996, khi Toyota bắt đầu sản xuất tại Việt Nam thì đến năm 2006, tỷ lệ nội địa hoá trên vẫn không đạt. Cho đến nay, tỷ lệ 37% nội địa hoá là ở mẫu xe Innova, các mẫu khác đều thấp hơn. Mặc dù, đây là hãng có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, các hãng khác còn thấp hơn nhiều.

Trong số 18 nhà cung cấp linh kiện cho Toyota Việt Nam có sự đóng góp rất ít của doanh nghiệp Việt Nam.

Họ chỉ dọa thôi!

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI cho rằng ông không tin rằng Toyota sẽ ra khỏi Việt Nam.

"Họ dọa đấy. Vì họ cũng đã tuyên bố ý định tương tự như vậy nhiều lần rồi. Việc di dời một nhà máy từ nơi này sang một nơi khác đâu có dễ. Họ dọa không có lý thì chúng ta phải giải thích cho họ hiểu", GS Nguyễn Mại nói.

GS Mại cũng phân tích, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, đến 2020 mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.500-4.000 USD/người/năm thì sẽ có khoảng 15% người trung lưu có mức thu nhập khoảng 10.000 USD.

Như vậy, sẽ có khoảng 15 triệu người có khả năng mua ô tô. Mà người dân Việt Nam lại thích mua ô tô đẹp và đắt tiền nên thị trường ô tô nước ta “người ta” nhăm nhe rất lâu rồi nhưng vì chúng ta bảo hộ nên không phát triển được.

Điều thứ hai là ASEAN có dân số 600 triệu người với GDP gần với Đức (gần 2.500 tỷ USD), ô tô có thể luân chuyển thoải mái trong khu vực.

"Do đó, đây cũng là điều Chính phủ nên quan tâm", GS Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Văn Nguyễn


www.nguoiduatin.vn

Back to TOP