Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Ngỡ ngàng với thủ thuật phạm tội của nữ tử tù da trắng, cười duyên


Cuộc đối thoại một già, một trẻ


Bạn tù cùng phòng với tử tù Trần Thị Ngà cũng là một phạm ma túy, mới được di lý về cách thời điểm chúng tôi đến mấy tháng. So với quãng thời gian hơn 4 năm kể từ ngày bị bắt và bị kết “án tử”, mấy tháng của bạn tù với Ngà trở nên khiêm tốn.


Tuổi tác chênh lệch nhau nhiều nên hai nữ phạm nhân vẫn thường gọi nhau thân mật là mẹ - con, hòng vớt vát một chút hơi ấm tình thân nơi ngục giá.


Ngỡ ngàng với thủ thuật phạm tội của nữ tử tù da trắng, cười duyên - Ảnh 1


Thỉnh thoảng, có thời gian rảnh, tử tù Trần Thị Ngà cũng viết thư về cho gia đình, sám hối tội lỗi của mình. (Ảnh minh họa)


Đã ngoại ngũ tuần nhưng Ngà vẫn giữ được dáng vóc son trẻ như con gái, khiến không ít người phải trầm trồ. Ai hỏi, thị chỉ cười: “Ở nhà, mình đẻ có mỗi một đứa, lại không phải làm việc nặng nên giữ được dáng người. Vào đây, mình cũng chỉ ăn xong lại ngủ. Thời gian đầu, tinh thần xuống lắm, nhưng, cán bộ quản giáo động viên suốt, cũng đỡ. Bây giờ, mình sống vì người thân nhiều hơn”.


Ngà bị bắt ngày 24/1/2010 khi đang cùng đồng bọn vận chuyển 10 bánh heroin từ Sơn La về Hà Nội tìm cách tiêu thụ. Nhoằng cái đã bốn năm, Ngà đã quen với phòng biệt giam. Thị cũng đã trải qua cái cảnh cùng sống, cùng chờ đợi và chứng kiến những bạn tù đi trả án. Mỗi lần có bạn tù phải trả án, Ngà chỉ nắm tay động viên, hẹn ngày gặp lại ở thế giới bên kia.


Hơn ai hết, sau những giông bão mà trường đời đã dạy cho ở bên ngoài, thị hiểu và chấp nhận bản án dành cho mình. “Sống chẳng bằng chết cô ạ, không biết lúc được dẫn đi thi hành án, mình sẽ ra sao, nhưng thú thật, những lúc này chỉ mong được “đi sớm” để bớt nỗi dằn vặt trong lòng”.


Từ ngày có bạn tù đáng tuổi con mình, Ngà lại càng phải cố gắng tỏ ra lạc quan hơn để làm chỗ dựa cho “con”. Bạn tù có con nhỏ mới hơn 3 tuổi, sống ở quê, từ ngày thị bị bắt, chưa được gặp lại con lần nào. Cứ tối đến, nỗi nhớ con nhức nhối hơn bao giờ hết, hai người đàn bà tội lỗi lại ôm nhau khóc. Kẻ nhớ con, người nhớ cháu. Con gái Ngà, sau khi mẹ bị bắt cũng đã lập gia đình, có cháu ngoại năm nay cũng vừa tròn 3 tuổi. Có lần, con đưa cháu lên thăm bà, Ngà cứ nhớ mãi. Đến giờ, Ngà vẫn luôn giữ trong túi áo bức hình nhỏ của đứa cháu ngoại, khi nào buồn thì lôi ra xem. Nhưng càng xem, thị càng buồn.


Bạn tù của Ngà người Mông ở Tuyên Quang, do “ôm” mấy bánh heroin, bị bắt. Một đến từ miền xuôi, một đến từ miền ngược, hai “mẹ con” thị đêm nào cũng rủ rỉ kể chuyện với nhau. Họ kể chuyện từ ngày còn là con gái đến lúc lấy chồng, sinh con, cảm giác khi làm mẹ, những lúc con ốm đau, túng thiếu,...


Rồi, cả hai cùng im lặng: “Nhiều người nghèo, nhiều người túng nhưng họ vẫn vượt qua và sống tốt. Đằng này, mình cũng không đến nỗi thiếu lắm nhà báo ạ...”, nhìn quãng thời gian trước mặt chưa biết ngắn dài thế nào, cả hai cùng ý thức được về vũng lầy mà mình đã từng sa bước, giờ đã không còn cơ hội để làm lại nữa...


Ô uế thanh danh gia đình


Theo hồ sơ vụ việc, vào hồi 17h15 ngày 24/1/2010, tổ công tác PC47, Công an Sơn La và Công an huyện Mộc Châu đã tổ chức rà soát, kiểm tra trên km150, quốc lộ 6A đi qua xã Lóng Luông, Mộc Châu. Khi đoàn kiểm tra ra tín hiệu dừng xe ô tô khách BKS 30M- 9565 tuyến Điện Biên - Hà Nội, phát hiện trong hành lý của một phụ nữ khai tên Nguyễn Thị Lan (Nguyễn Thị Hà) có một túi xách màu cam khả nghi.


Lực lượng chức năng yêu cầu mở túi để kiểm tra, Hà có dấu hiệu “lạ”, thái độ này không qua mắt được các trinh sát. Sau khi kiểm tra, phát hiện trong túi xách của Hà có tới 5 bánh heroin. Đồng bọn của Hà là Nguyễn Đức Huân, đi trên cùng một chuyến xe cũng mang theo 5 bánh heroin. Cả hai lập tức bị đưa về cơ quan cảnh sát điều tra trong đêm.


Tại cơ quan cảnh sát điều tra, Hà khai, tên thật là Trần Thị Ngà, sinh năm 1973, trú tại tổ 17, khu 8, phường Bắc Sơn, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh. Nghề nghiệp chính của thị là kinh doanh. Ngà mang khá nhiều tên khác nhau như Trần Thị Hà, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thị Hà. Cái tên cha mẹ đặt cho là Trần Thị Ngà, các “bạn hàng” của thị ít người biết tới. Hà và Huân khai, đã hợp tác với nhau 2 phi vụ trong khoảng thời gian từ tháng 11/2009 đến 1/2010.


Lần thứ nhất, tháng 8/2009: Ngà tới Móng Cái buôn bán và quen một người Nam Định tên Hương. Đến tháng 10/2009, Hương rủ Ngà lên Mộc Châu. Lúc này, có hai người đàn ông dân tộc đưa Ngà và Hương đến nhà một người tên Tùng. Ngà ở ngoài, Hương và Tùng “trao đổi” với nhau trong nhà. Lúc về, Hương nói với Ngà, lần sau lên Mộc Châu gặp Tùng và mua ma túy cho Hương, sẽ được trả công 5 triệu đồng/bánh.


Đến tháng 11/2009: Hương đưa tiền đô cho Ngà lên Mộc Châu mua ma túy, đồng thời đưa số điện thoại, kết nối cho Ngà và một người đàn ông tên Huân. Khi lên tới địa điểm cũ, Ngà tìm tới Tùng và nhận 5 bánh heroin, Ngà cầm 2 bánh, Huân cầm 3 bánh, sau đó cả hai cùng đưa “hàng” về Móng Cái cho Hương, nhận tiền và giao hàng. Chuyến đi trót lọt, chỉ mất một ngày nhưng lại nhận được số tiền lên tới chục triệu đồng, khiến Ngà hoa mắt. Đó là lý do vì sao thị quyết định đánh chuyến “hàng” thứ hai, sau đó ít lâu.


Lần thứ hai, giữa tháng 1/2010, Huân đi xe khách cùng Ngà về Hà Nội. Đến chiều 24/1, có 4 người đến đặt “hàng”, Ngà trả 70.000 USD cho họ để mua 10 bánh. Sau đó, Huân và Ngà lại ngược lên Sơn La nhận “hàng”. Chuyến đi này, Ngà cầm 5 bánh, Huân cầm 5 bánh, đang trên đường vận chuyển về Hà Nội thì bị bắt giữ.


Tổng cộng, trong hai chuyến “hàng”, Ngà đã tham gia mua bán, vận chuyển trái phép 13 bánh heroin, tương đương 4.548,75gram heroin. Với hành vi phạm tội này, ngày 19/10/2010, TANDTC xử phiên phúc thẩm tại Hà Nội đã tuyên phạt Trần Thị Ngà mức án tử hình.


Video xem thêm:


Bắt quả tang nữ quái đang vận chuyển ma túy tiêu thụ


Trong phiên tòa xử Ngà tại Hà Nội, những người tham dự đều không khỏi cầm lòng được khi chứng kiến cha mẹ Ngà, những người đã vào cái tuổi xưa nay hiếm phải lén lau đi giọt nước mắt trên gò má nhăn nheo, đau khổ.


Đến giờ, mỗi khi nghĩ về cha mẹ già, thị Ngà vẫn không cầm được nước mắt: “Cha mẹ mình đã sống một cuộc đời trong sạch, vẻ vang như vậy mà chính bản thân mình đã khiến cho các cụ phải ô nhục trước xóm giềng, họ hàng. Nghĩ mà thương lắm, giận mình không kể đâu cho hết. Bố mình già quá rồi, lại bị liệt nữa, nhà thì xa. Không biết đến lúc mình được đưa đi thi hành án, có cơ hội gặp cha mẹ không. Con gái, cứ hai ba tháng lại lên thăm mẹ một lần. Nghĩ cũng thương cháu đi đường xa vất vả. Tôi khuyên con ít lên thôi nhưng cháu nhất định không chịu. Tội mình thì mình chấp nhận thôi nhà báo ơi”.


Nói chuyện về chồng, về người đàn ông đã đầu ấp tay gối suốt bao năm, Ngà chỉ buông một tiếng thở dài: “Cũng tại bản tính của mình, tham giàu quá độ đến nỗi cuộc sống gia đình ảnh hưởng. Vợ chồng bỏ nhau được chừng 1 năm thì mình bị bắt. Và, “người ấy” cũng xem như mình chưa từng có trên đời luôn, chưa một lần lên thăm gặp”...


Có lẽ, dù cố giấu nhưng đằng sau ánh mắt tỏ ra bất cần đó, nữ tử tù này, trong những lúc yếu lòng nhất cũng không tránh khỏi một sự khao khát, dù chỉ là một lời động viên chân thành từ người đàn ông mà thị đã từng rời bỏ...


Đỗ Huệ – Lạc Thành





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP