Samsung - kẻ “chạy theo” kiệt xuất
Ngày 15/3, Samsung đã ra mắt sản phẩm này bằng một chiến dịch quảng cáo rầm rộ với màn “trình làng” đầy chất “sân khấu”. Sự kiện rình rang này lại đến từ một sản phẩm không phải của Apple, Microsoft hay từ Google. Samsung bỗng nhiên nhảy lên vị trí của một “tay chơi” lớn trong thị trường công nghệ di động.
“Con quái vật Samsung”
Samsung vốn là một hãng sản xuất các sản phẩm điện tử, gia dụng và điện thoại di động khá nổi trội. Cũng như tất cả các hãng công nghệ khác, Samsung cũng nhanh chóng bị cuốn vào một cuộc đua không cân xứng khi cựu CEO Apple - Steve Jobs tung ra iPhone tạo ra cuộc cách mạng trên thị trường này. Trong thời kì này, những tên tuổi lớn nhất làng công nghệ di động vô cùng chật vật để có thể giữ vững vị thế.
Một ví dụ điển hình là sự tuột dốc gần như không phanh của BlackBerry. Apple “làm mưa làm gió” trên thị trường công nghệ. Gần như ngay lập tức, Google tung ra một trong những chiêu bài được xem là kinh điển trong lịch sử làng công nghệ: Tung ra hệ điều hành mở Android. Mục tiêu của Android cho phép các hãng công nghệ khác có một cơ hội để có thể “cân bằng thế trận” với Apple. Và chiêu bài này thực sự rất hiệu quả, Steve Jobs đương thời cũng hiểu được điều đó nên ông rất “căm” Google. Android hiệu quả đến mức nó còn tạo ra một “con quái vật” như Samsung.
Doanh số của các dòng điện thoại Android phổ thông như Samsung Galaxy nhảy lên cao ngất ngưởng, sít sao với iPhone của Apple, với doanh số của quý vừa rồi là 15,4 triệu máy, chỉ thua khoảng 2 triệu máy so với doanh số iPhone. Google nhận ra sự nổi lên đáng sợ của Samsung có thể thao túng thị trường Android nên để “dè chừng”, Google quyết định mua lại Motorola để tạo lại thế cân bằng.
Samsung tung ra Galaxy S4 - đời thứ 4 của smartphone Android bán chạy nhất thế giới.
Những chiến dịch quảng cáo khổng lồ
Nếu như Apple sản xuất ra những sản phẩm cực kì đặc trưng, đắt tiền và luôn có chất lượng cao thì Samsung đi theo một con đường hoàn toàn khác. Những sản phẩm của Samsung đánh vào tâm lí của người dùng với các sản phẩm có tính năng tương tự sản phẩm của Apple nhưng với cái giá rẻ hơn rất nhiều. Nói “tương tự” cũng có nghĩa là Samsung liên tục tìm ý tưởng từ các sản phẩm của Apple, sát sao đến cả thiết kế sản phẩm.
Các dòng sản phẩm như Galaxy liên tục đem đến những lựa chọn hấp dẫn cho người dùng nhưng không kém cạnh so với Apple. Nếu Apple có Siri thì Samsung có S Voice. Mặc dù điều này nhanh chóng đẩy Samsung vào một cuộc chiến kiện tụng dai dẳng với Apple nhưng không có nghĩa là họ thất bại ở mặt kinh doanh. Dòng smartphone Galaxy cũng luôn được ra mắt vào những thời điểm hết sức thuận lợi: Ngay vào giữa lúc iPhone đời cũ đang trở nên lỗi thời và người dùng đang chờ đợi sự ra đời của iPhone mới thì sản phẩm của Samsung lại có mặt, doanh số lại tăng lên.
Samsung lại đưa ra những chiến dịch quảng cáo khổng lồ. Chỉ trong năm 2011, Samsung chi hơn 6 tỉ USD cho quảng cáo và khuyến mãi, cao hơn cả Coca-Cola. Các chiến dịch quảng cáo này lồng hình ảnh Samsung vào văn hóa công nghệ, biến nó thành một đại diện cho các sản phẩm “tân thời” và “phổ biến”. Người dùng nhanh chóng xem các sản phẩm Android của hãng này như một chuẩn mực của làng công nghệ di động. Và khi Apple bắt đầu có dấu hiệu xuống dốc thì kẻ “theo sau” như Samsung lại ngày càng thành công.
Chưa phải là kẻ “dẫn đầu”
Nhưng cũng đừng vội cho rằng Samsung hiện đã trở thành kẻ dẫn đầu ngành công nghệ di động. Những tính năng của các dòng Android Galaxy mặc dù nhiều và rất tiện dụng nhưng hoặc là sao chép từ ý tưởng có sẵn hay là chỉ mang tính phô trương, không cần thiết. Mẫu Galaxy S4 được tung ra hoành tráng nhưng vẫn giữ nguyên một thiết kế đặc trưng “viên sỏi” từ đời S III, nguyên luôn cả chất liệu nhựa, không khỏi bị chê là “rẻ tiền”.
Những tính năng như theo dõi sức khỏe, theo dõi chuyển động mắt, chạm “lơ lửng” trên màn hình, dù nghe có vẻ độc đáo nhưng không mấy thông minh hay đột phá. Samsung Galaxy S4 nghiễm nhiên bị cho là chỉ là một bản nâng cấp về cấu hình của Galaxy S III, một S IIIS (tương tự như iPhone 4S). Họ thậm chí tung ra cả một tay cầm chơi game dành cho dòng Galaxy với thiết kế hệt như tay cầm Xbox của Microsoft (!).
Điều đáng buồn là cách làm của Samsung thực sự đang trở nên không hay cho lắm với một tên tuổi đang muốn dẫn đầu. Cách tạo ra sự phổ biến giả tạo nhờ cách sao chép ý tưởng của người khác và marketing mạnh tay của Samsung có vẻ là “không lành mạnh” cho làng công nghệ nói chung.
Với doanh số và khả năng tài chính, tại sao Samsung không thực hiện một cuộc cách mạng của riêng mình mà cứ tiếp tục đi theo bài bản cũ? Đáng sợ là sự thành công của chiến thuật này “đè nén” những sản phẩm thực sự sáng tạo của HTC hay Nokia. Người ta sẽ phải bắt đầu đặt câu hỏi cho tương lai của Samsung, liệu họ kéo dài đà tiến “ăn theo” này được bao lâu?
Dù gì chăng nữa, dự báo rằng trong nay mai sẽ thấy doanh số của Galaxy S4 tăng cao, thậm chí có thể vượt qua cả Apple!
Theo: Người Lao Động
www.nguoiduatin.vn