Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Cần lối sống lành mạnh thay vì đi 'rình ngoại tình'


Theo ĐBQH Tô Văn Tám, việc ngoại tình là lối sống bị xã hội lên án, đạo đức lên án nên cần phải ngăn chặn dẹp bỏ. Tuy nhiên, xử lý bằng hành chính thế này thì cũng khó thực hiện. Thường thì phát hiện được vợ hoặc chồng ngoại tình, họ tự xử lý với nhau. Nếu cơ quan hành chính vào cuộc thì rất khó phát hiện, chuyện xử phạt càng khó hơn. Bởi lẽ khi người trong cuộc phát hiện ra vợ hoặc chồng của mình ngoại tình, thường là họ sẽ xử lý nội bộ thay vì báo đến cơ quan chức năng. Mặt khác, khi việc ngoại tình đã bị phát hiện thì việc cơ quan chức năng phạt hành chính 200.000 đồng hay 1.000.000 đồng cũng chưa phải vấn đề lớn đối với họ.



ĐBQH Tô Văn Tám cho rằng, việc bắt quả tang và xử phạt người có hành vi ngoại tình là rất khó


"Vợ chồng phải tự xác định quyền và nghĩa vụ mà pháp luật quy định. Ngoài việc bảo vệ hạnh phúc gia đình đây còn là vấn đề đạo đức, tục lệ, thuần phong mỹ tục. Và chắc chắn ai cũng biết nếu người vợ hoặc chồng ngoại tình gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật", ĐBQH Tô Văn Tám chia sẻ.


Cùng trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ sự ủng hộ với nội dung của dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đang được bộ Tư pháp lấy ý kiến. Luật sư Tiến cho biết: Bộ Tư pháp nâng lên một mức phạt cao hơn để xử phạt hành chính người ngoại tình là rất đúng đắn. Điều này sẽ có tính chất phòng ngừa, răn đe đối với người dân.


Luật sư Tiến cũng chia sẻ: “Ngoại tình không chỉ gói gọn trong hành vi quan hệ như vợ chồng với người khác giới ngoài hôn nhân. Tuy nhiên để cơ quan chức năng kết luận một người nào đó là rất khó. Nếu áp đặt cho họ mà không đủ chứng cứ sẽ phát sinh khiếu nại, kiện tụng ngược lại cơ quan chức năng".


"Bởi thế, mỗi thành viên gia đình phải nhận thức được hậu quả của việc ngoại tình gây ra. Theo quy định của pháp luật, ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật. Như vậy, chỉ trong trường hợp hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì mới xử lý vi phạm hành chính; nếu hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát... thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngay về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định tại Điều 147 Bộ luật Hình sự", luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho biết thêm.


Cao Tuân





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP