Trung Quốc phát triển hệ điều hành máy tính riêng
Trung Quốc đang làm việc với hãng phần mềm Canonical để phát triển một hệ điều hành mã nguồn mở tùy biến cho người dùng Trung Quốc. Mối hợp tác này sẽ cho ra đời một phiên bản hệ điều hành Ubuntu của Canonical với tên gọi Kylin. Kylin sẽ được phát hành trong tháng 4/2013.
Ảnh minh họa
Hoạt động trên nằm trong kế hoạch 5 năm của Trung Quốc với mục tiêu nhiều người sử dụng phần mềm mã nguồn mở hơn. Phần mềm này sẽ cho phép người dùng có thể tự chỉnh sửa hệ điều hành.
Phiên bản Ubuntu Kylin đầu tiên sẽ dành cho laptop và desktop (máy tính để bàn). Ngoài việc sử dụng bộ ký tự của Trung Quốc, Kylin sẽ làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ cách người Trung Quốc tương tác với máy tính.
Các phiên bản Ubuntu Kylin trong tương lai sẽ bao gồm nhiều công cụ cho phép sử dụng những dịch vụ web nổi tiếng của Trung Quốc như bản đồ Baidu Maps, dịch vụ mua sắm Taobao cũng như các phần mềm xử lý văn bản và công cụ chỉnh sửa ảnh, trực tiếp từ màn hình chủ của Ubuntu.
Hoạt động lập trình Ubuntu Kylin được tiến hành tại một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh bởi các kỹ sư của Canonical và một số cơ quan R&D (nghiên cứu và phát triển) của Trung Quốc.
Canonical cũng đang cùng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc phát triển một phiên bản Kylin chạy trên các máy chủ, do đó các website, cửa hàng trực tuyến và các công ty lưu trữ cũng có thể sử dụng phần mềm này.
Động thái trên được coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào phần mềm phương Tây và ủng hộ hơn các dịch vụ “cây nhà lá vườn”.
Khánh Tuân (Theo BBC/ICTNews)
www.nguoiduatin.vn