Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Doanh nhân kể chuyện về Steve Jobs


Cuốn sách “Finding The Next Steve Jobs: How to Find, Hire, Keep and Nurture Creative Talent” (tạm dịch là Phát hiện một Steve Jobs mới: Làm thế nào để phát hiện, thuê, giữ lại và nuôi dưỡng tài năng sáng tạo) của tác giả Nolan Bushnell vừa xuất bản tại Mỹ đã gây tiếng vang lớn, gây xôn xao dư luận cũng như giới doanh nhân. Nhiều người dự báo, đây sẽ là một trong số những sách bán chạy nhất (bestseller) trong năm nay.


Chưa cần biết nội dung cụ thể của cuốn sách ra sao, song chỉ riêng cái tên Steve Jobs, nguyên là người sáng lập và giám đốc điều hành (CEO) Apple, tập đoàn công nghệ cao của Mỹ cũng đã có sức thu hút sự tò mò của độc giả rồi. Thêm vài dòng giới thiệu đầy ma lực rằng, tác giả Nolan Bushnell, 64 tuổi, là doanh nhân, người sáng lập ra Atari, công ty chuyên sản xuất, kinh doanh video game và cũng là chủ doanh nghiệp đầu tiên đã từng nhận Steve Jobs về làm việc, thì không ít người đã cố mua bằng được cuốn sách để xem thực hư thế nào.


Phải nói ngay rằng, đây không phải là chiêu PR của ông Nolan Bushnell tự “đánh bóng mình”, hay kiểu “chuyện bây giờ mới kể” về người nổi tiếng đã quá cố. Ngay từ khi ông Steve Jobs còn sống, không ít người đã biết tới mối quan hệ khá gắn bó giữa 2 ông này. Đây là sự lạ, bởi cả trong cuộc sống lẫn công việc, Steve Jobs không có bạn thân và cũng không có nhiều mối quan hệ xã hội thân thiết. Cả Steve Jobs lẫn Nolan Bushnell đều chưa bao giờ hé lộ về quan hệ riêng tư này.


Trong cuốn sách, ông Nolan Bushnell kể lại, chính ông là người đầu tiên phát hiện ra tài năng và góp phần không nhỏ giúp cho Steve Jobs vượt qua được những khó khăn ở thuở hàn vi. Năm 1974, ông đích thân nhận Steve Jobs về làm việc cho Công ty Atari, khi Steve Jobs mới 19 tuổi, lại đúng vào lúc rơi vào khủng hoảng về hướng đi. Trước đó, Steve Jobs đã cạo trọc đầu và đi du lịch nhiều tháng tại Ấn Độ để tìm hiểu về đạo Phật.


Ngay từ khi mới tiếp xúc, ông Nolan Bushnell đã nhận thấy ở Steve Jobs tố chất của một người giàu ý tưởng, óc sáng tạo, song có lối sống khá lập dị, khác người.


“Phải thú thật là ngay cả bây giờ, rất ít doanh nghiệp dám tuyển dụng người dạng như Steve Jobs. Bên ngoài, ông tỏ ra là người bất cần đời. Thế nhưng, qua tiếp xúc, nói chuyện tôi lại thấy mến và dành ngay cho ông những điều kiện tốt nhất có thể để ông thả sức sáng tạo theo khả năng riêng của mình”, ông Nolan Bushnell kể lại và cho biết thêm, Steve Jobs sinh hoạt rất bừa bãi, làm việc tuỳ hứng khiến cho các đồng nghiệp rất khó chịu. Hơn nữa, Steve Jobs lại luôn muốn thể hiện mình là người giỏi nhất trong nhóm làm việc, nên rất khó tìm được tiếng nói chung. Vì thế, ông đã gặp riêng Steve Jobs và thống nhất cho phép Steve Jobs một chế độ làm việc riêng: làm việc một mình vào ban đêm.


Ngay từ khi đó, ông đã chấp nhận quan điểm nghĩ khác (nguyên văn Think Different) của Steve Jobs. Nhờ đó, mà Steve Jobs mới có đất dụng võ.


Nhiều nhà phân tích nhận định, quả thực ông Nolan Bushnell đã có con mắt xanh tinh đời phát hiện, chăm bẵm giúp cho thế giới có một nhân tài, hay đúng hơn một thiên tài về công nghệ. Nhờ đó, sau này mới có các sản phẩm iPhone, iPad… rất được ưa chuộng hiện nay. Nếu không có ông Nolan Bushnell tạo điều kiện, thậm chí nâng niu ở buổi ban đầu, có thể sau này, Steve Jobs vẫn thành công, song chắc chắn chật vật, khó khăn hơn rất nhiều.


Ông Nolan Bushnell còn là một trong những bà đỡ “mát tay” cho 20 công ty công nghệ thành công. Trong cuốn sách, ông cố tình không kể công, mà chỉ muốn đúc rút những kinh nghiệm bổ ích cho các công ty tuyển dụng nhân sự.


Lời khuyên đầu tiên là không nên đặt nặng vào bằng cấp. “Những người sáng tạo nhất mà tôi biết đều không có bằng cấp. Vấn đề là phải biết cách phát hiện, trân trọng tài năng và tạo điều kiện tốt nhất có thể để họ làm việc”, ông Nolan Bushnell nói.


Sau một thời gian làm việc cho Atari, ông Steve Jobs đã quyết tâm rũ áo ra đi cùng với Steve Wozniak thành lập Công ty Apple. Khi đó, chưa ai ngoài Nolan Bushnell có thể tiên đoán Steve Jobs sẽ rất nổi tiếng sau này. Tuy không còn làm việc với nhau trên quan hệ ông chủ - người làm thuê, song hai người vẫn duy trì được quan hệ thân thiết như hai người bạn cho đến khi Steve Jobs qua đời.


Ông Nolan Bushnell cũng tiết lộ, dù là người có cơ duyên phát hiện người tài, nhưng lại là nhà đầu tư có phần nhát gan.


Sau khi thành lập Apple ít lâu, Steve Jobs có mời ông đầu tư 50.000 USD (để sở hữu 30% cổ phần Apple), song ông từ chối. Nếu đầu tư và còn nắm cổ phần của Apple đến thời điểm hiện tại, số vốn đầu tư này đã tăng tới 138 tỷ USD. “Ai mà tính hết được mọi sự trên đời”, ông buông một câu kết luận như vậy.





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP