Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Không đề xuất các luật mà cuộc sống chưa cần


Đề cập về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại phiên họp ngày 15-4 của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra khá băn khoăn, sốt ruột trước tình trạng “đưa vào, rút ra rồi lại đưa vào của các dự án luật”. Do đó, ông đề nghị cần phải nghiên cứu dự án nào chuẩn bị tốt mới đưa vào, dự án luật nào “vướng” Hiến pháp (HP) thì phải chờ HP thông qua rồi mới sửa đổi…


“Dân sợ các ông lắm”!


Theo tờ trình của Chính phủ, năm 2013 là năm tiến hành sửa đổi, bổ sung HP năm 1992. Do đó, Chính phủ đề xuất thời gian tới cần ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy nhà nước và các dự án cần xây dựng, sửa đổi ngay sau khi có sửa đổi HP như: Luật Tổ chức QH (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND...


Ngoài ra, theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, chắc chắn sau khi Dự thảo sửa đổi HP được QH thông qua thì sẽ có nhiều luật khác cần phải sửa. “Nếu không đủ thời gian, chúng ta có thể tổ chức một kỳ họp bất thường, có thể vào năm 2014 để xem xét thông qua các dự luật” - ông Cường nói.



Dự án Luật Thư viện đã gây nhiều bất ngờ với các đại biểu khi được đề xuất vào chương trình cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp QH thứ 7 năm 2014. Ảnh: HTD


Tuy nhiên, điều khiến cho nhiều đại biểu bất ngờ là Chính phủ lại đề xuấtđưa dự án Luật Thư viện vào Chương trình cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp QH thứ 7 năm 2014.


“Trước đây chúng ta bỏ dự án Luật Thư viện ra có nghĩa là không cần thiết đưa vào xây dựng nữa. Bởi trước đây chúng ta dự định quy định rằng thư viện nào muốn hoạt động thì phải đăng ký, thế người ta không đăng ký, người ta làm thư viện tại nhà thì xử phạt hay sao? Cái đó không nhất thiết đưa vào thì nay lại đưa vào” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến.


Theo ông Hùng, các cơ quan, đơn vị không nên cứ lao vào đề xuất, lao vào xây dựng các dự án luật mà cuộc sống chưa thấy cần thiết. Những dự án mà Thường vụ QH chưa xem lại thì cũng chưa đưa vào. “Tôi là dân, tôi thấy sợ các ông lắm, nhất là tới đây lại đề xuất đưa cái dự án luật hộ tịch vào. Rồi chuẩn bị tới đây là luật căn cước mà không biết căn cước là cái gì nữa” - ông Hùng cảnh báo.


“Vướng” Hiến pháp thì phải chờ


Đối với một số dự án khác như Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, dù đều ít nhiều có liên quan đến việc sửa đổi HP nhưng cả Chính phủ và Ủy ban Pháp luật đều tán thành với đề xuất bổ sung vào chương trình năm 2013. Điều này khiến cho nhiều đại biểu băn khoăn. “Chúng ta đang chỉ đạo sửa đổi HP 1992, trong đó sửa đổi rất nhiều quy định liên quan đến công an, quân đội, đến các quy định về phong hàm cấp tướng. Do đó, nếu đưa hai luật trên vào chương trình thì khi đó ủy ban chúng tôi sẽ thẩm tra theo HP hiện hành hay Dự thảo HP và liệu rồi khi thông qua có phù hợp với HP không?” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu ý kiến.


Tán thành với ý kiến của ông Khoa, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nói: Dự thảo sửa đổi HP đến cuối năm 2013 mới thông qua. Hiện nay cũng chưa rõ chế định Chủ tịch nước thế nào, việc bổ nhiệm các cấp tướng sẽ ra sao mà lại đưa hai luật trên vào và thông qua tại một kỳ họp là không phù hợp.


“Chúng ta nên xây dựng lại chương trình theo hướng đưa hai luật trên vào xin ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2013 và thông qua vào năm 2014. Ngoài ra, đối với các dự án luật khác thì cũng nên xem xét, nếu “vướng” HP thì phải đợi HP thông qua rồi mới đưa vào chương trình” - ông Hùng nói và lưu ý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc (hôm nay (16-4) Thường vụ QH sẽ cho ý kiến - PV) cũng nên chờ thông qua HP rồi mới xem xét sửa đổi.









Cần sớm xây dựng Luật Biểu tình


Về dự án Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu dân ý, tờ trình của Chính phủ đề xuất chưa đưa vào chương trình chuẩn bị năm 2014. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là các dự án có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân cần được ban hành để thể chế hóa nội dung mới được sửa đổi, bổ sung của HP. Do đó, đề nghị đưa vào Chương trình năm 2014 trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9 năm 2015.


Về đề xuất xây dựng dự án Luật Bảo vệ an toàn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia của các đại biểu QH, Chính phủ cho rằng để xác định sự cần thiết, mục đích ban hành, phạm vi điều chỉnh của dự án luật thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến an ninh lãnh thổ, chủ quyền quốc gia. Đồng thời, phải xác định rõ mối quan hệ giữa phạm vi điều chỉnh của dự án luật này với các luật hiện hành như Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc phòng, Luật Biển Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tổng kết, Chính phủ sẽ báo cáo QH xem xét, quyết định.



Theo Thành Văn (Pháp luật TP Hồ Chí Minh)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP