Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Sửa luật hay thay đổi phương thức giáo dục trẻ em


Kiến nghị sửa Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho rằng việc nhiều người trong cộng đồng mạng “ném đá” Đỗ Nhật Nam là bởi vì chúng ta chưa có quy định về ngược đãi, hành hạ, cản trở việc học tập… Chưa có quy định xử phạt đối với những người dùng lời nói, hành động có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm đối với trẻ em bình thường.


>> Sẽ sửa luật để bảo vệ những "Đỗ Nhật Nam"


Thế nhưng, căn nguyên, gốc rễ của vấn đề có phải là do Luật đang thiếu xót, đang khuyết quy định? Và nếu như chỉ chú trọng việc xử phạt khi sự việc đã xảy ra thì bản chất của vấn đề có thay đổi, nhiều người trong cộng đồng mạng có hết “ném đá”, bày tỏ quan điểm của mình đối với trường hợp như của em Đỗ Nhật Nam.


Có lẽ bản chất của vấn đề không nằm ở chỗ thiếu Luật mà nằm ở một khía cạnh khác mà theo tác giả là: phương thức giáo dục trẻ em.


Từ phương thức giáo dục: Phải đánh mới nên người


Biết bao vụ bạo hành thương tâm của cha mẹ đối với những đứa con của mình cũng xuất phát từ phương thức giáo dục phải đánh mới nên người. Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng đã có những quy định nghiêm cấm việc bảo hành đối với trẻ em. Những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi bạo hành trẻ từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự đều không thiếu, thế nhưng việc trẻ em bị bạo hành, quyền lợi của trẻ em vẫn bị xâm phạm.



Bé Như Ý với thương tích đầy mình (Ảnh: Internet)


Nói vậy để thấy thực tế chúng ta không thiếu luật, nhưng vẫn còn đó chuyện bé Như Ý mới 9 tháng tuổi ở Đồng Tháp đã bị cha dượng đánh đập dã man trong khi mẹ ruột dùng điện thoại quay phim lại. Giám định pháp y kết luận Như Ý bị nhiều sẹo và vết thương phần mềm ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ, tỉ lệ thương tật 25%, loại thương tật vĩnh viễn; Vẫn còn đó bé Trần Ngọc Bảo 10 tuổi ở Đồng Nai bị chấn thương vùng bụng, mặt và lưng hằn tím đỏ những vết roi của cha ruột. Những vết thương này sẽ đắm sẹo lại trong cơ thể và tuổi thơ của em. Chới với thương tổn về tinh thần là điều không thể tránh khỏi.


Phải chăng phải thay đổi tư duy, phương thức giáo dục. Đã đến lúc cần thay đổi quan niệm phải đánh trẻ, trẻ mới nên người. Quan niệm đó không còn phù hợp trong một xã hội có sự phát triển về trình độ, nhận thức và khoa học.


Đến phương thức giáo dục: Tài năng phải đi kèm với đức độ


Dĩ nhiên, việc nhiều người trong cộng đồng mạng có những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm hoặc đưa những hình ảnh “biếm họa” về Đỗ Nhật Nam là không chấp nhận được. Dù sao em Nam cũng chỉ là một đứa trẻ và cần được đối xử như với “một đứa trẻ” chưa có những nhận thức chín chắn, đủ lớn, đủ tâm, đủ tầm để có thể phát biểu “vừa lòng” số đông người nghe.


Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên mà em Đỗ Nhật Nam có cách trả lời phỏng vấn đến là “vô tư”, đến là “người lớn” như thế. Cách trả lời mà khiến người nghe có cảm giác có cái gì đó hơi tự tin thái quá, hơi kiêu kiêu. Nói như một bạn đọc của báo Người đưa tin: Không ai ghét một đứa trẻ thiên tài, mà ghét cách người ta tạo ra đứa trẻ thiên tài đó.


> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!



Bé Đỗ Nhật Nam, 11 tuổi.


Đúng! Nếu bố mẹ của Đỗ Nhật Nam có phương thức giáo dục tốt hơn nữa, chắc chắn Nam không phải chịu cảnh “ném đá” như ngày hôm nay và dĩ nhiên chuyện sửa Luật cũng chưa có ai phải nhắc đến. Một đứa trẻ có quyền được tự hào về mình, nhưng sẽ là quá sớm nếu gia đình, bố mẹ, người thân của em cho phép em, tán dương em tự hào về điều đó một cách quá đà.


Ai đã dạy cho Nam biết “truyện tranh là con sâu đục phá tâm hồn” hay là một cậu bé 11 tuổi tự nghĩ ra điều ấy? Điều đó dường như đã có câu trả lời.


Em sẽ không như thế nếu luôn có những bài học về sự khiêm nhường, lễ phép và đức độ. Em sẽ không như thế nếu được uốn nắn hơn nữa về cử chỉ, ngữ điệu và cách nói chuyện sao cho phù hợp với lứa tuổi của em. Em sẽ có tư duy khác, không “phiến diện” về truyện tranh và không khiến người nghe cảm thấy bị “thiếu tôn trọng” nếu như người lớn có trách nhiệm hơn trong việc giáo dục.


Giáo dục một đứa trẻ đã khó, giáo dục một đứa trẻ “thiên tài” càng khó hơn. Bảo vệ một đứa trẻ “thiên tài” không phải bằng cách sửa luật để “sẵn sàng” xử phạt bất kỳ cho ai “động chạm” vào “thiên tài” ấy, thay vào đó hãy bảo vệ đứa trẻ “thiên tài” bằng cách giữ gìn, giáo dục và chăm sóc “thiên tài” cả về học thức lẫn tâm hồn.


Luật gia Giang Quyết





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP