Chuyện hôn ước trên thế giới
Thỏa thuận tiền hôn nhân về tài sản hôn ước do vợ chồng thống nhất lập trước khi ký hôn thú. Thỏa thuận này có phạm vi nội dung rất rộng nhưng nhìn chung phần lớn chủ yếu đề cập phân chia tài sản khi ly hôn. Mỗi nước có quá trình lập cũng như công nhận hôn ước không giống nhau.
Phổ biến ở nhiều nơi
Hôn ước từ lâu được công nhận ở nhiều nước châu Âu (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Ba Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy, Phần Lan), giúp vợ hay chồng bảo vệ phần tài sản trước hôn nhân của mình mà không muốn chia sẻ hay dùng để trả nợ nần cho người kia trong quá trình hôn nhân. Tại Úc, hôn ước được công nhận trong Luật Gia đình năm 1975 và có tên gọi khác nữa là Thỏa thuận Tài chính vì các nội dung đề cập đơn thuần về tài chính: xử lý tài sản riêng mỗi người trước và trong hôn nhân khi ly hôn; cấp dưỡng vợ/chồng trong hôn nhân và sau ly hôn;… Đặc biệt, vợ chồng có thể hủy bỏ hôn ước và thay thế bằng một thỏa thuận tài chính mới hai bên thống nhất lập khi ly hôn.
Hôn ước của Ấn Độ thuộc Luật Hợp đồng và tính pháp lý được đánh giá ngang bằng các dạng hợp đồng khác. Nội dung chủ yếu đề cập phân chia tài sản khi ly hôn, xác định tài sản mỗi cá nhân trước hôn nhân. Hôn ước hợp lệ do tòa án lập trước sự chứng kiến của vợ chồng, hôn ước vợ chồng tự lập không được công nhận hiệu lực.
Ký thỏa thuận tiền hôn nhân. Ảnh: FOX NEWS
Tại Thái Lan, hôn ước hợp lệ phải được lập (viết) cùng ngày ký hôn thú, mỗi bên có sự trợ giúp của một luật sư người Thái (trong trường hợp người nước ngoài lập gia đình với một công dân Thái cần phải thuê một luật sư người Thái nhưng hiểu rõ luật pháp nước mình để tư vấn); có hai nhân chứng; lưu một bản tại nơi đăng ký kết hôn. Trong hôn ước, các bên phải khai hết toàn bộ tài sản mình sở hữu cũng như mọi nợ nần đang gánh, quyền của từng bên đối với tài sản của mình và tài sản bên kia. Ở Nam Phi, tài sản của hai vợ chồng được mặc định là chia đều cho hai bên sau ly hôn. Nếu muốn thay đổi điều này, vợ chồng phải ghi rõ mong muốn trong hôn ước.
Mỹ trước đây không công nhận hôn ước vì cho rằng nó hủy hoại hôn nhân. Năm 1983, có 26 bang công nhận hôn ước và đến nay nó đã được công nhận trên toàn nước Mỹ. Nội dung chủ yếu trong các hôn ước ở Mỹ là về tài sản, đặc biệt không được đề cập đến các vấn đề liên quan đến con cái vì các vấn đề này phải được tòa quyết định dựa vào quyền lợi tốt nhất cho con. Tuy nhiên, theo báo New York Times (Mỹ), hiện ở Mỹ, giành quyền nuôi con là cuộc chiến căng thẳng nhất của các cặp đôi sau ly hôn chứ không phải tranh chấp tài sản, dẫn đến tranh cãi rằng nên cho các cặp đôi đưa các vấn đề liên quan đến con cái vào hôn ước để tránh thực trạng này.
Tiêu diệt hay nuôi dưỡng hôn nhân?
Hiện tồn tại hai luồng ý kiến ủng hộ song song phản đối hôn ước. Nhiều ý kiến cho rằng không gì giết chết sự lãng mạn vợ chồng bằng hôn ước. Theo GS W. Bradford Wilcox tại ĐH Virginia (Mỹ), đối với các cặp đôi thật sự yêu thương nhau, hôn nhân là để gắn bó, chia sẻ mọi thứ quý giá như cuộc sống, thân thể, con cái… chứ không chỉ là tiền bạc. Mặt khác, nếu hai người vô tư đến với nhau không nghĩ ngợi đến hôn ước thì nhiều khả năng cuộc hôn nhân sẽ hạnh phúc và lâu bền hơn. Ông đưa ra một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu hôn nhân và gia đình quốc gia Mỹ cho thấy tỉ lệ ly hôn của các cặp đôi sống kiểu tiền ai nấy tiêu cao hơn các cặp chia sẻ tài khoản ngân hàng với nhau tới 145%.
Tuy nhiên, luật sư Alexis Neely lại có quan điểm ngược lại khi cho rằng hôn ước hạn chế ly hôn vì nó giúp các cặp vợ chồng vượt qua bất đồng về tài chính ngay từ đầu. Chuyên gia tài chính Nancy Dunnan công nhận nói chuyện tiền bạc trước hôn nhân không phải dễ nhưng lại giúp tránh được rắc rối về sau, đồng thời giúp hạn chế các tổn thương về tài chính và cả cảm xúc mà một cuộc ly hôn (nếu buộc phải xảy ra) mang lại.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia pháp lý và tài chính Mỹ, với thực tế 50% những cuộc hôn nhân lần đầu, 70% những cuộc hôn nhân lần hai và ba kết thúc bằng ly hôn thì hôn ước là một giải pháp ngăn chặn rủi ro tranh chấp tài sản sau ly hôn. Theo chuyên gia tài chính Kathleen Miller, những người có tài sản lớn và lập gia đình lần hai trở đi nên lập hôn ước. Luật sư ly hôn Vikki Ziegler còn khuyến cáo cụ thể, một người cần cân nhắc lập hôn ước trước khi kết hôn nếu sở hữu một cơ sở kinh doanh, bất động sản, dự đoán sẽ có một khoản thừa kế trong tương lai, thu nhập cao hơn nhiều so với người kia, có con từ các cuộc hôn nhân trước, có cha mẹ già phải nuôi dưỡng…
Hôn ước của các cặp đôi nổi tiếng Ngôi sao Michael Douglas và vợ Catherine Zeta-Jones:Catherine Zeta-Jones được nhận 2,8 triệu USD từ Michael Douglas cho mỗi năm làm vợ. Ngoài ra, Michael Douglas phải mất cho Catherine Zeta-Jones 5 triệu USD nếu không chung thủy. Nicole Kidman và chồng Keith Urban: Keith Urban sẽ nhận từ Nicole Kidman 640.000 USD mỗi năm làm chồng, tuy nhiên anh sẽ không nhận được xu nào nếu tái nghiện ma túy. Theo tạp chí Forbes (Mỹ), vợ/chồng cần lưu ý hôn ước không hợp lệ có thể khiến họ trả giá đắt. Hôn ước của đạo diễn người Mỹ Steven Spielberg và vợ không hợp lệ vì phần vợ không có luật sư đại diện. Hậu quả đạo diễn Steven Spielberg phải chia đôi tài sản và vợ ông được nhận 100 triệu USD. |
Theo Hồng Cẩm (Pháp Luật TP HCM)
www.nguoiduatin.vn