Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Có nên cấm người 'tưng tưng' lập gia đình?


Tại một buổi góp ý cho việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành mới đây, một lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hà Nội đã kể một câu chuyện đầy bi hài về một người “tưng tưng” lập gia đình.


Cứ “thân mật” là chui gầm giường trốn


Chuyện là anh M., ngụ quận Cầu Giấy (Hà Nội) bề ngoài vẫn giao tiếp, ăn nói bình thường nhưng lâu lâu lại lên cơn tâm thần, có những hành vi kỳ quái không giống ai. Cha mẹ cũng biết tình trạng sức khỏe tâm thần của anh không được bình thường nhưng xem đây là “bí mật gia đình” và quyết tâm tìm vợ cho anh với hy vọng rằng biết đâu khi có vợ rồi, bệnh tình của anh sẽ khỏi.


Cuối cùng, qua mai mối, anh M. cũng cưới được vợ. Mọi chuyện đều có vẻ bình thường, trừ một chuyện rất tế nhị là lần nào “gần gũi” vợ, anh M. cũng đều bị kích động tâm lý cao độ, luôn phản ứng bằng cách… chui tọt xuống gầm giường để lẩn tránh.


Không thể chấp nhận tình trạng “có chồng mà mãi còn con gái” như vậy, bốn tháng sau khi về nhà chồng, vợ anh M. đã gửi đơn ly hôn với lý do chồng mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên, anh M. và gia đình anh nhất quyết không chịu chấp nhận ly hôn, cũng không chịu đi khám bệnh theo yêu cầu của tòa. Để giải thoát cho người vợ, cuối cùng tòa phải phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đưa cán bộ y tế vào tận gia đình anh M. để thẩm định và kết luận anh bị mắc bệnh tâm thần.


Không nhớ cả tên chồng, con


Anh TVG, ngụ huyện Gò Công (Tiền Giang) kể: Trước đây anh và vợ vốn là đồng nghiệp cùng làm chung một cơ quan. Mấy năm trời quen biết, thi thoảng anh lại thấy chị xin nghỉ phép dài ngày để chữa bệnh nhưng anh nghĩ chuyện bệnh tật tế nhị, riêng tư nên không hỏi thăm nhiều. Thời gian sau đó hai người đã trở nên thân thiết rồi có quyết định tiến tới hôn nhân.



Sau khi đăng ký kết hôn và làm lễ ăn hỏi xong, anh G. mới phát hiện chị thường có biểu hiện của người mắc bệnh trầm cảm. Nhưng cũng vì lỡ thương chị quá nhiều, đồng thời hai người cũng đã thành vợ chồng về mặt pháp lý nên anh không đành lòng bỏ chị. Anh giấu gia đình, bạn bè về tình trạng của chị và vẫn tiếp tục tổ chức đám cưới. Anh chỉ hy vọng với tình thương của mình, chị sẽ điều trị khỏi bệnh.


Thế nhưng sau đám cưới, bệnh của chị ngày càng lộ rõ. Ban đầu chị chỉ thường lẩm nhẩm vu vơ một mình. Sau thời gian sinh con xong thì bệnh của chị trở nặng. Chị hay quát mắng, la lối vào nửa đêm rồi bật dậy bỏ nhà đi. Gần đây, nhiều lúc chị còn không nhớ nổi tên của anh và tên con.


Có nên cấm kết hôn?


Khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành quy định người bị mất năng lực hành vi dân sự bị cấm kết hôn. Theo một thẩm phán chuyên xử án ly hôn ở TAND TP.HCM, quy định này thiếu chặt chẽ ở chỗ những trường hợp mắc bệnh tâm thần nhẹ (chỉ “hâm hâm”, “tưng tưng”, chưa mất tỉnh táo hoàn toàn) chưa hẳn là mất năng lực hành vi dân sự mà chỉ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Vậy họ có bị cấm kết hôn không? Luật không quy định nên về mặt pháp lý, họ vẫn có quyền kết hôn. Chưa kể, họ vẫn có những lúc tỉnh táo bình thường, vẫn có nhu cầu lập gia đình và cần được tôn trọng, nếu cấm thì có thể vi phạm nhân quyền.


Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Hải Vân (Giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Á, TP.HCM), nên cấm người “tưng tưng” lập gia đình bởi sẽ để lại những hệ lụy rắc rối khó lường, để lại sự thiệt thòi, đau khổ cho người bạn đời của họ. Hậu quả của những cuộc hôn nhân này thường nặng nề, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chẳng hạn người chồng khi lên cơn sẽ mắng chửi, đánh đập vợ con, có khi còn gây ra tội ác. Còn người vợ nếu mắc bệnh chưa chắc đã sinh ra được những đứa con bình thường, khỏe mạnh. Ngay cả khi đứa trẻ sinh ra bình thường thì trong quá trình chung sống, những biểu hiện không bình thường của cha (mẹ) sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý của trẻ...


Làm sao quản lý?


Theo luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM), thực tế khó quản lý việc người “tưng tưng” kết hôn vì để xác định một người có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không thì phải có quyết định của tòa. Cho nên một khi gia đình người “tưng tưng” không yêu cầu tòa tuyên bố thân nhân mất năng lực hành vi dân sự, đồng thời giấu nhẹm thì cán bộ hộ tịch rất dễ bị qua mặt và cho đăng ký kết hôn. Chưa kể, không ít trường hợp cha mẹ cưới vợ gả chồng cho con mà không thèm đi đăng ký kết hôn, chỉ tổ chức đám hỏi, đám cưới và chính quyền cơ sở không thể can thiệp được.


Luật sư Ly Tao đề xuất nên bổ sung quy định theo hướng cán bộ hộ tịch phải có trách nhiệm kiểm tra, xem xét nếu phát hiện người đến đăng ký kết hôn có biểu hiện không bình thường. Cán bộ hộ tịch có trách nhiệm kiến nghị cơ quan chuyên môn về y tế kiểm tra sức khỏe để làm cơ sở cho việc kết hôn, đồng thời cũng có thể yêu cầu tòa ra tuyên bố, dù biết thời gian chờ giải quyết vụ việc bị kéo dài.


Còn theo Bộ Tư pháp, nếu luật quy định cấm kết hôn đối với người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi sẽ dễ dàng thực hiện hơn. Cán bộ hộ tịch chỉ cần căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài, nếu có nghi ngờ người kết hôn có biểu hiện không bình thường về tâm thần thì sẽ yêu cầu họ phải xuất trình giấy khám sức khỏe.


Theo Thanh Tùng (Pháp luật Việt Nam)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP