Đề nghị giám định ‘tâm thần’ kẻ nổ mìn cướp tiệm vàng
Phiên tòa xét xử vụ án này diễn ra đúng 1 ngày. Các bị cáo bị truy tố 4 tội danh về hành vi giết người,hủy hoại tài sản, cướp tài sản và mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ.
Những giọt nước mắt muộn màng của bị cáo Thanh sau khi nghe Tòa tuyên án.
Riêng hai anh em ruột Tạ Văn Thanh (SN 1987) và Tạ Hải Hà (SN 1992) cùng ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, phải chịu trách nhiệm hình sự với cả bốn tội danh nói trên.
Bị cáo Phí Văn Mạnh (SN 1990) bị truy tố về tội Cướp tài sản và bị cáo Bùi Thanh Khá (SN 1987, ở huyện Nho Quan, Ninh Bình) tội Mua bán, tàng trữ trái phép vật liệu nổ.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội, do lười lao động, muốn có tiền ăn chơi, Thanh nghĩ đến việc dùng thuốc nổ cướp tài sản.
Đầu tháng 2/2012, Thanh mua của Bùi Thanh Khá 36 kg thuốc nổ (công nghiệp) cùng 20 kíp nổ, giá 4 triệu đồng. Sau đó, Thanh về rủ em trai chế tạo thuốc nổ, kích hoạt bằng điện thoại di động và điều khiển từ xa từ đồ chơi ô tô của trẻ em, Thanh còn khai thêm “ học cách chế tạo kíp nổ ở trên mạng Internet”.
Sau khi thử nghiệm thành công, Thanh chế quả mìn 10 kg rồi rủ em họ Phí Văn Mạnh mang đi cướp tiệm vàng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Song thất bại do chủ tiệm vàng phát hiện kịp thời, và vô hiệu hóa quả mìn.
Hai tháng sau (ngày 21/6/2012). Thanh chế thêm hai quả mìn (10 kg và 2,8kg) cùng em trai tiếp tục thực hiện vụ cướp táo bạo tại tiệm vàng Hoàng Tín trên phố Nguyễn Thái Học.
Vụ cướp thất bại, song do quả mìn bị đối tượng Tạ Hải Hà kích nổ đã làm15 người bị thương, thiệt hại về tài sản gần 400 triệu đồng. Vụ cướp đã gây trấn động trong giới kinh doanh vàng bạc, làm mất ANTT trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Vì nó được thực hiện công khai giữa ban ngày, trên con phố có rất đông người qua lại.
Trước Tòa bị cáo Tạ Văn Thanh đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và thừa nhận hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội vi phạm pháp luật. Đồng ý bồi thường vật chất, tinh thần cho những người bị hại liên quan đến vụ nổ ngày 21/6/2012 gây ra.
Tuy nhiên trong phần tranh luận, vị Luật sư bào chữa cho bị cáo Thanh bất ngờ đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được giám định tâm thần vì: “Gia đình bị cáo có chú ruột là người tâm thần. Bản thân bị cáo nói năng, cử chỉ, hành động không như người bình thường”.
Ngay sau khi đề xuất của Luật sư được đưa ra, đã gặp sự phản đối của nhiều người bị hại có mặt tại đó. Đặc biệt ý kiến này cũng không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Do gia đình bị cáo không đưa ra được chứng cứ chứng minh có người nhà bị tâm thần. Hơn nữa tại phiên xét xử công khai bị cáo Thanh hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn, nói năng hoạt bát không có dấu hiệu của người bị bệnh tâm thần.
Điểm đáng chú ý trong vụ án này là: “Bị cáo là người chủ mưu, lên kế hoạch, chuẩn bị công cụ, phương tiện, lôi kéo người khác để thực hiện hành vi phạm tội”. Như vậy không có cơ sở cho rằng bị cáo có dấu hiệu của người bị bệnh tâm thần. Người tâm thần thì không thể có được một chuỗi các hành vi logic, móc xích với nhau như thế.
Cuối cùng bản án tử hình tương xứng giành cho bị cáo của Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và được những người tham dự phiên tòa, dư luận đồng tình ủng hộ.
Ngân Hà
www.nguoiduatin.vn