Kinh doanh kiểu ‘vung tiền qua cửa sổ’, Seaprodex Sai Gon có nguy cơ mất hàng chục tỷ đồng?
Kinh doanh kiểu “vung tiền qua cửa sổ”
Seaprodex Sai Gon là một doanh nghiệp cổ phần hóa, có vốn điều lệ 96 tỷ đồng. Trong đó vốn nhà nước trên 61% (thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – Seaprodex). Với hoạt động kinh doanh chính là thủy hải sản. Tuy nhiên trong hai năm 2011, 2012 công ty lại kinh doanh ngoài ngành nghề như thu mua cà phê, hạt nhựa, sắt thép… không liên quan gì đến chức năng ngành nghề chính là thủy hải sản. Chính điều này đã dẫn đến hàng loạt hệ quả như: kinh doanh thua lỗ, nợ khó đòi gia tăng, tình hình tài chính rơi vào tình trạng mất cân đối, thanh khoản kém, nguy cơ mất vốn điều lệ là rất cao.
Năm 2011, Seaprodex Sai Gon thu mua cà phê của Công ty TNHH Hoàng Đạo theo phương thức ứng tiền trước lấy hàng sau? Nhưng khi ứng tiền xong thì Hoàng Đạo luôn trong tình trạng không giao hàng đủ. Tuy vậy, Seaprodex Sai Gon vẫn tiếp tục ký hợp đồng mới số 10-11/M/CF ngày 10/10/2011 trị giá 39,9 tỷ đồng và ứng liền 10 tỷ đồng 3 ngày sau đó. Điệp khúc ứng tiền diễn ra liên tục cho 7 lần nữa tổng cộng trong vòng 1 tháng con số ứng cho Hoàng Đạo đã lên đến 31,2 tỷ đồng trong khi hàng chỉ giao một vài lần cho có, dẫn đến công nợ giữa hai bên chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi Hoàng Đạo đang vi phạm hợp đồng cũ chưa giải quyết thì ngày 9/11/2011 Seaprodex Sai Gon lại ký hợp đồng khác nữa trị giá 9,7 tỷ đồng (số 14-11/M/CF) rồi cũng ứng 6,8 tỷ đồng.
Kho lạnh của Seaprodex Sài Gòn
Điều đáng nói là cả hai hợp đồng trên không có qui định bất kỳ điều khoản nào về việc phải ứng tiền trước cho Hoàng Đạo, vậy mà qua bàn tay điều hành của Tổng giám đốc Nguyễn Duy Dũng đã ưu ái xé rào mang tiền cho ứng. Hậu quả của việc lấy tiền Công ty nhà nước cho Hoàng Đạo ứng tùy tiện bất chấp luật pháp tính đến ngày 31/12/2012 đã lên con số 30,6 tỷ đồng. Số tiền này đã trở thành một công nợ phải thu dạng khó đòi và nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng. Tại sao lại có việc kinh doanh lạ kỳ, ưu ái như vậy khi lấy tiền tỷ của Công ty nhà nước cho ứng mà không biết ngày trở về. Một kiểu kinh doanh bất chấp luật pháp cần được điều tra làm rõ!.
Ngược lại với phi vụ cà phê, việc kinh doanh hạt nhựa được Seaprodex Sai Gon cho áp dụng phương thức giao hàng trước trả tiền sau đối với Công ty TNHH SX và TM XNK Tân Đỉnh Phong. Tuy nhiên, khi đơn vị này luôn vi phạm hợp đồng và trả nợ trễ hẹn thì Seaprodex Sai Gon vẫn tiếp tục cho lấy hàng để số nợ lên đến con số 41 tỷ đồng. Đến khi hung tin giám đốc Tân Đỉnh Phong là Ngô Gia Tường bỏ trốn thì mới tá quả lo đi thu hồi vốn trong tình trạng mất trắng. Trước đó, Seaprodex Sai Gon cũng mang gửi 74 tấn hạt nhựa trị giá gần 3 tỷ đồng tại kho của tân Đỉnh Phong, kết quả là hàng không cánh mà bay và ban điều hành của Seaprodex Sai Gon chỉ còn biết khởi kiện trong khi giám đốc đã mất tích?. Thêm một kiểu kinh doanh tắc trách, thiếu trách nhiệm từ ban điều hành Seaprodex Sai Gon.
Riêng mảng kinh doanh sắt thép, trước tình hình bất động sản (BĐS) đóng băng, hàng loạt doanh nghiệp BĐS và sắt thép luôn trong tình trạng thua lỗ. Nhưng với Seaprodex Sai Gòn là đơn vị chuyên về thủy hải sản lại đi lao vào con đường ngõ cụt này cũng bằng hình thức là bán hàng trước trả tiền sau?
Hậu quả đến ngày 31/12/2012 chỉ riêng Công ty CP Địa ốc Ngọc Biển được Seaprodex Sai Gon cho nợ đến con số 86 tỷ đồng, chiếm 90% vốn điều lệ. Điều đáng nói là việc cho nợ một lượng vốn lớn của nhà nước mà không có đủ tài sản thế chấp đảm bảo nào?. Và với tình hình bất động sản và sắt thép đang còn ứ đọng như hiện nay thì dường như phần vốn nhà nước tại Seaprodex Sai Gon có nguy cơ mất là rất cao?.
Nguy cơ mất hàng chục tỷ đồng vốn nhà nước ?
Tính đến ngày 31/12/2012 thì tổng số nợ phải thu của khách hàng (gồm tiền ứng trước và cho nợ) là 221 tỷ đồng, trong đó riêng phần nợ thu khó đòi và nguy cơ mất vốn là 77 tỷ đồng.
Tuy nhiên trước những khoản công nợ khó đòi và nguy cơ mất vốn nhà nước thì trong cuộc họp HĐQT ngày 1/8/2012 đa phần những người đại diện phần vốn nhà nước như: ông Trần Văn Hạnh chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Duy Dũng TGĐ và kế toán trưởng Trần Thị Minh Nga luôn cho rằng đối với các trường hợp nợ xấu, khó đòi là bình thường, chẳng qua là thanh toán chậm thôi và phớt lờ ý kiến cảnh báo của thành viên HĐQT đại diện cho các cổ đông nhỏ.
TGĐ Nguyễn Duy Dũng cho rằng các trường hợp nợ xấu, nợ khó đòi là bình thường?
Đặc biệt đối với khoản nợ của Công ty Hoàng Đạo thì chủ tịch HĐQT phát biểu là đến ngày 6/7/2012 chủ tịch mới biết đến khoản nợ 30,6 tỷ này. Thật lạ lùng khi sự việc đã xảy ra hơn 6 tháng trước mà chủ tịch ko hề hay biết. Vậy rõ ràng Ông Trần Văn Hạnh đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý vốn nhà nước (do ông Hạnh đại diện) gây thất thoát, thiệt hại lớn cho nhà nước mà còn bao che, không xử lý sai phạm theo đúng qui chế tài chính của công ty đối với Ông Nguyễn Duy Dũng ( Tổng giám đốc), Ông Nguyễn Anh Tuấn ( Phó Tổng giám đốc), Bà Trần Thị Minh Nga ( kế toán trưởng), Ông Đặng Hữu Nam ( phó phòng)….là những người trực tiếp ký đề nghị và chi tiền liên quan công nợ khó đòi nêu trên.
Ngoài ra, theo phản ánh của các cổ đông thì Seaprodex Sai Gon dự định bán căn nhà số 200 Điện Biên Phủ (TP.HCM) và kho lạnh Sóng Thần để bù đắp vào các khoản lỗ nêu trên. Như vậy, nếu việc này diễn ra thì Seaprodex Sai Gon sau khi cổ phần đã dẫn đến tài sản nhà nước mất còn các cổ đông thì trắng tay. Trước các nguy cơ vỡ thế trận tại Seaprodex Sai Gon cần lắm sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng để làm rõ các sai phạm mang tính cá nhân, tập thể nhằm thu hồi tối đa nguồn vốn nhà nước và cả phần vốn của các cổ đông.
Phạm Khoa
www.nguoiduatin.vn