Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Chuyện trẻ con giết người


Trẻ con ở đây là các cô bé Lê Thị H.T., Trần Thị H., Phạm Ngọc A. và các bạn bè chung lớp Trường THCS Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), ở độ tuổi 14, 15. Vẫn những câu chuyện giận hờn của tuổi học trò, chơi tá lả quỳ gối, thách thức đánh nhau mà không được về gọi bố... những chuyện trẻ con tưởng như rất nhỏ nhặt!


Phòng xử 104B ngày 30-3, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Thị H.T. với tội danh giết người. Bị cáo cột tóc vổng đuôi gà, vừa đi vừa khóc khi được dẫn vào phòng xử. Nhìn thấy di ảnh bị hại đặt ở hàng ghế đầu tiên, bị cáo vội vã cúi đầu. Có mặt trong phòng xử, nhiều bạn bè của cả bị cáo và bị hại đều mặc đồng phục học sinh, nhiều em cũng cột tóc đuôi gà, trên đầu còn cài ghim tóc hình con bướm màu xanh đỏ.


“Đánh nhau nhiều lần rồi”


Bị cáo khóc thút thít, run rẩy khi hội đồng xét xử thẩm vấn. Chủ tọa phiên tòa phải kiên nhẫn ngồi chờ bị cáo qua cơn xúc động và cho bị cáo ngồi khai.


Hồ sơ vụ án thể hiện Trường THCS Đồng Tâm đã đình chỉ học tập 15 ngày với Lê Thị H.T., Trần Thị H., Phạm Ngọc A. và một số bạn bè vì tội đánh nhau ở trường. Ban giám hiệu cũng đã gọi gia đình các em lên để thông báo về việc này và bắt cam kết không để con đánh nhau nữa. Cũng vì mâu thuẫn này mà khi lên lớp 8, T. bị chuyển sang lớp 8B trong khi các bạn vẫn học lớp 8A. Chuyển lớp rồi, T. vẫn bị bạn của H. chặn đánh. Cáo trạng thể hiện H. và bạn bè đánh T. hai lần, T. và bạn đánh H. một lần.



T. tiếp tục khai: “Các bạn nói cháu ngủ với con trai. Cháu rất giận. Ngày 30-5-2012, cháu đến trường để ôn thi lên lớp 10 thì gặp hội bạn H., bạn A.. Cháu hỏi H. thừa nhận H. nói. Bọn cháu thách đánh nhau một chọi một và không được về gọi bố”.


Chủ tọa quát: “Thách đánh nhau chứ các bạn đã đánh đâu mà bị cáo rút dao đâm bạn”.


Bị cáo khóc to hơn: “Dạ, vì các bạn xúm nhau đánh cháu nhiều lần rồi nên cháu sợ và tức giận mà không kiềm chế được”.


T. khai con dao dùng để đâm bạn là nhặt được trên đường tới trường. Vết dao đâm làm em Trần Thị H. bị thương và em Phạm Ngọc A. chết trên đường đi cấp cứu.


Hội đồng xét xử hỏi bố bị cáo: “Ông chăm sóc con cháu thế nào mà mới 14 tuổi đầu đã cầm dao đâm hết người này đến người khác?”. Bố bị cáo đến tòa với bộ đồ lao động, ông bảo mình bị chột một mắt, lại bị bệnh gút, ngày nào cũng đi đổ bêtông đến 12g trưa mới về. Nhiều lần về nhà ông thấy T. bị xây xước, tóc tai rối xù, áo quần xộc xệch, bảo bị các bạn đánh. “Tôi đã đến nhà mấy đứa bạn nó, rồi đến trường nhờ hội phụ huynh giải quyết, nhưng nhà trường giải quyết không nghiêm để xảy ra việc này. Chứ trước giờ T. là đứa ngoan, đi học xong là về nhà lo lợn gà, cơm nước, còn biết thêu thùa kiếm tiền”- ông nói.


Hai người cha của bị hại và bị cáo đều bảo con mình hiền lành, ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ, đi học về đúng giờ nên không đánh người mà chỉ bị các bạn đánh. Nghe thế, dù không phải người liên quan, cũng không được mời đến tham dự phiên tòa nhưng ông Phạm Văn Kim (bảo vệ Trường THCS Đồng Tâm) cũng xin phát biểu. Chủ tọa phiên tòa đã để cho ông nói gần 10 phút. Ông kể chuyện nhóm T. và A. ghét nhau từ hồi còn lớp 7, lên lớp 8 và lớp 9 rồi vẫn cứ ghét. Hôm xảy ra vụ án, ông chạy từ cổng bảo vệ vào trường thì thấy A. đã nằm lạnh ngắt, T. thì đã vứt dao bỏ chạy. Ông bảo: “Nhiều lần bố T. tới trường chửi um lên, đe đốt trường đốt lớp vì để con ông bị đánh. Chuyện xảy ra không ai muốn, giờ tôi mong hai gia đình bớt căng thẳng, vì hai nhà là anh em họ ngoại...”.


Chuyện người lớn


Giờ nghị án, bố bị cáo đứng nói vọng cả dãy hành lang: “ĐM, chỉ tại nhà trường không nghiêm nên con tôi mới ra thế này, tôi đã tìm đến tận trường bảo phải giải quyết ổn thỏa chuyện của bọn này nhưng nhà trường không nghe. Tôi mà gặp cô giáo chủ nhiệm của nó ở đây thì tôi giết...”.


Bố bị cáo bức xúc. Nhiều anh em của bị cáo cũng thể hiện sự tức giận khi cho rằng T. rất ngoan, hiền lành mà bây giờ phải ngồi đó, cách xa người thân qua ô cửa kính với còng số 8 trên tay và nức nở khóc. Bi kịch của mình làm họ quên mất rằng gia đình bị hại đã chịu nỗi mất mát không thể nào bù đắp.


“Đau xót quá, tôi tiếc cuộc đời con tôi quá cô ơi” là những câu nói xót xa mà ông Ất, bố của A., cứ nhắc đi nhắc lại suốt câu chuyện dài. A. là con gái thứ hai của ông. Từ ngày con mất, ông không còn tâm trí đâu để làm ăn. Ao cá, chuồng trại với ba con lợn nái, 30 con lợn con đều chết gần hết. “Năm 2010, nghe tin các cháu đánh nhau ở trường, tôi về hỏi thì cháu nói không tham gia, tôi nghe thế là yên tâm rồi. Nếu nó hư thì tôi cho ăn đòn chứ không dung dưỡng”- ông nói.


Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Ất đã làm đơn kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt đối với T.. Ông bảo tòa xử 9 năm tù là quá nhẹ so với mất mát của gia đình ông: “Con tôi mất mà nhà bên kia không có lời hỏi han nào. Họ thách thức, khinh thường gia đình tôi lắm. Con tôi mổ tử thi mà họ bảo với dân làng đi xem bộ lòng thối làm gì. Họ còn bảo tôi đòi bồi thường tổn thất những 500 triệu đồng. Thật ra khi tức giận thì tôi nói thế thôi chứ ai mà đòi hỏi số tiền ấy. Tiền bạc bao nhiêu cũng hết, nhưng tình cảm người ta quá coi thường gia đình tôi rồi, tôi cay cú và khổ tâm quá!”.


Hai gia đình vốn là anh em họ giờ trở thành xa lạ, với đầy lòng hận thù và sự oán trách nhau. Chuyện học sinh chơi tá lả, thách đánh nhau... nhà trường có thể kỷ luật cho nghỉ học 15 ngày, thậm chí đuổi học vĩnh viễn, nhưng đuổi học rồi làm sao có thể dạy dỗ được các em? Cha mẹ các em có thể đánh đòn khi biết con đánh nhau với bạn, nhưng cách dạy ấy làm sao giúp được lũ trẻ?









Hội đồng xét xử rất đau xót


“Bị cáo có được học môn giáo dục công dân không, môn học ấy có dạy bị cáo bài học làm người không, bố mẹ bị cáo có dạy bị cáo một điều nhịn là chín điều lành không?”... Vị hội thẩm hỏi hàng loạt câu hỏi mà bị cáo chỉ biết cúi bảo “dạ có” lí nhí trong cổ họng.


Sự chua xót thể hiện cả trong giọng nói của vị hội thẩm: “Cả hội đồng rất đau xót khi phải xét xử một phiên tòa thế này. Các cháu toàn tên đẹp sáng ngời, bố mẹ gửi vào những cái tên như thế biết bao là hi vọng, thế mà các cháu để xảy ra hậu quả thế này, một người đi tù, một người bị thương, một người chết. Thử hỏi có đau lòng không? Các bậc phụ huynh có mặt trong buổi xét xử hôm nay phải ý thức được con dại cái mang, của đau con xót, chỉ vì vấn đề giáo dục không tốt mà ra nông nỗi này. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại cách cư xử chứ không phải cứ đổ lỗi cho nhau...”.



Theo Tâm Lụa (Tuổi trẻ online)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP