Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Tòa án có được gắn camera ở phòng xử án?


Có hai luồng dư luận trái chiều: ủng hộ và không ủng hộ gắn camera ở phòng xử án.


- Phía ủng hộ thì lập luận: Toà án là nơi giải quyết tranh chấp, cần có hệ thống ghi âm, ghi hình đồng bộ để ghi lại toàn bộ diễn biến phiên xử. Băng ghi âm, ghi hình này là tài sản của toà, do toà quản lý không phải bất cứ ai cũng có thể sử dụng.


Trường hợp người tham gia tố tụng có bức xúc, khiếu nại thì toà có thể dựa trên băng ghi âm, ghi hình để xem xét thấu đáo cho họ. Việc gắn hệ thống camera không quá khó và không vượt quá sức của các toà, chi phí gắn camera không cao.



Xét xử vụ án Nguyễn Đức Nghĩa


Các cơ quan Nhà nước đều có hệ thống camera như hải quan. Tình trạng hạn chế việc tranh tụng, phát biểu của luật sư tại phiên toà cũng như không ghi hoặc ghi không đầy đủ ý kiến của họ vào bản án vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án và vi phạm tố tụng. việc ghi âm, ghi hình và lưu vào hồ sơ vụ án cũng như công khai biên bản phiên toà là cần thiết, thể hiện rõ sự minh bạch, khách quan của phiên toà và làm căn cứ để tiếp tục giải quyết vụ án ở cấp toà tiếp theo.


- Phía không ủng hộ thì cho rằng: việc trang bị hệ thống ghi âm, ghi hình đồng bộ các phiên xử là rất khó khả thi. Việc gắn hệ thống này tại các phòng xử là rất tốn kém bởi ngoài camera còn phải trang bị hệ thống âm thanh để ghi âm đồng bộ. Toà còn phải bố trí con người và phương tiện để lưu trữ, bảo quản các file ghi âm, ghi hình này. Hằng ngày, tại một toà có thể diễn ra rất nhiều phiên xử tại nhiều phòng xử. Liệu toà có thể ghi âm, ghi hình hết, quản lý hết? Có những phiên xử mà để đảm bảo an ninh trật tự thì không thể ghi âm, ghi hình công khai. Ngoài các điều kiện vật chất, con người, luật còn quy định việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên toà chỉ có thể được tiến hành khi được sự đồng ý của Hội đồng xét xử (HĐXX). Tức về mặt quản lý hành chính, toà án có thể trang bị camera giám sát trụ sở cơ quan nhưng trong một phiên toà cụ thể thì quyền cho ghi âm, ghi hình hay không lại do HĐXX quyết định.


Đồng thời, việc ghi âm, ghi hình phiên toà có ảnh hưởng đến quyền nhân thân của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng nên không thể tuỳ tiện gắn camera tại các phòng xử, những người có mặt tại phiên xử có cảm giác gò bó, không thoải mái, mất tự nhiên, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng phiên toà.


Dù quan điểm có khác nhau, cần phải giải quyết các yêu cầu sau:


- Làm thế nào để việc xét xử diễn ra minh bạch, diễn biến phiên toà được ghi nhận đầy đủ, trung thực. Nội dung bản án quyết định của HĐXX phản ánh chính xác kết quả tranh tụng. Mặt khác, quyền điều khiển của thẩm phán chủ toạ phiên toà phải đúng luật pháp, không được lạm quyền, “bắt nạt” những người tham gia tố tụng.


Việc TAND tỉnh Khánh Hoà lắp đặt camera tại các phòng xử án diễn ra giữa “thanh thiên, bạch nhật”, được cơ quan thẩm quyền chấp thuận hay tự ý thực hiện? Nếu làm không đúng luật thì tại sao vẫn được duy trì?


Phải chăng TAND tỉnh Khánh Hoà được làm thí điểm lắp đặt camera. Nếu đúng như thế thì nên tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá kết quả thực hiện. Không nên lập luận cứng nhắc: luật không quy định thì không được làm. Nếu thực tiễn cuộc sống cho thấy việc làm trên của TAND tỉnh Khánh Hoà phát huy tác động thì có thể sửa luật để hợp pháp hoá lắp đặt camera tại các phòng xử án vì luật là do chúng ta đặt ra, cần thiết thì có thể sửa đổi, bổ sung. Dù tốn kém mà mang lại lợi ích thì vẫn phải làm.


Nguyên tắc giải quyết các vụ án là “HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.


Kim chỉ nam trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải tôn trọng công lý. Nghị quyết số 08 ngày 02-01-2002 của Bộ Chính Trị về cải cách tư pháp nhấn mạnh: quyết định của bản án phải dựa trên kết quả tranh tụng.


Thực trạng hiện nay, còn một bộ phận thẩm phán hạn chế cả tâm lẫn tầm. Chính vì vậy, có vụ án phải xử đi xử lại (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm...). Để củng cố niềm tin của người dân vào cơ quan tư pháp, trong lúc chưa có giải pháp tối ưu giải quyết án đúng chuẩn mực thì lắp đặt camera tại phòng xử án là cần thiết, nhằm “nhắc nhở” các phán quan phải cẩn trọng trong việc “nhân danh công lý”, quyết định thân phận, tài sản của bị cáo và các đương sự khác liên quan trong vụ án.


Hiện nay một số lĩnh vực như hoạt động thừa phát lại, xử phạt vi phạm giao thông đang được làm thí điểm thì việc lắp đặt camera ở các toà án cũng có thể làm thí điểm, tại sao không?


Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM)





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP