Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

'Dân xử theo hình, quan xử theo lễ'


Vụ thứ nhất do Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa xét xử, vụ thứ hai do Tòa án Nhân dân TP.HCM xét xử.


Xin đề cập vụ án thứ nhất trước. Để đi đến quyết định phạt Trần Bá Tuấn, Nguyễn Đình Quyết mỗi bị cáo chín tháng tù treo về tội “dùng nhục hình”, TAND tỉnh Khánh Hòa đưa ra nhận định: hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng và xâm phạm sức khỏe, danh dự của công dân được luật hình bảo vệ. Hành vi đó cũng gây mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung và hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ công an nhân dân nói riêng, tạo ra bức xúc trong dư luận xã hội.


TAND tỉnh Khánh Hòa dơ cao, đánh khẽ qua lập luận: Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo chưa có tiền án tiền sự, động cơ phạm tội của các bị cáo xuất phát trên tinh thần trách nhiệm cao (?) về đấu tranh trấn áp tội phạm, được ngành công an tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen; phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên không cần thiết cách ly các bị cáo với xã hội.



Thật khó hiểu, mở đầu nhận định “đúng tội, đúng pháp luật” để rồi hội đồng xét xử (HĐXX) lại “hạ nhiệt, xuống nước” không phù hợp sự thật khách quan hành vi phạm tội của các bị cáo mà mang nặng cảm tính, suy diễn chủ quan, nhằm tạo cớ để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo vì “xét thấy không cần thiết cách ly với xã hội, mà chỉ cần phạt tù treo đối với những bị cáo từng là công bộc của nhân dân”!


Vụ thứ hai: Phạm Thị Mỹ Linh bị xét xử về tội “chống người thi hành công vụ”. Khi bà Trương Thị Hạnh (mẹ của bị cáo Linh) lưu thông xe gắn máy trên đường bị CSGT Nguyễn Đức Ánh và Vũ Quang Long lập biên bản xử lý vi phạm thì bà Hạnh giật lấy cuốn biên bản... và giằng lấy xe. CSGT chặn đầu xe, kéo đuôi xe. Linh xông đến xô anh Ánh, Thấy anh Long đang nắm giữ xe của bà Hạnh nên Linh xô anh Long ra và tát vào mặt anh. Bà Hạnh kéo Linh lại, Linh hét lớn, mệt mõi rồi ngất xỉu. Hồ sơ vụ án và diễn tiến phiên tòa ghi nhận Linh có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: tại phiên tòa (phúc thẩm), bị cáo và mẹ sụt sùi khóc, thể hiện bị cáo tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi sai trái (tát tay CSGT).


Trước đó, ngày 23.8.2011, TAND quận 12 (TP.HCM) xử sơ thẩm nhận định khi phạm tội bị cáo Linh chưa thành niên, phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, gia đình nghèo. Tòa án phạt bị cáo Linh chín tháng tù, trong lúc ngoài điều luật định tội (Điều 257 Bộ luật Hình sự) có thể áp dụng thêm Điều 60 (Bộ luật Hình sự) BLHS, phạt bị cáo tù treo kèm thời gian thử thách.


Theo báo giới thì tại phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, bị cáo Linh xin hưởng án treo để được đi học, đi làm nuôi mẹ và em trai. Bị cáo cho rằng lúc đó hơi bị ức chế trong người chứ không cố ý tát CSGT. Lúc đầu bị cáo không nhận thức được hành vi sai trái của mình nhưng sau khi tòa giải thích thì đã nhận ra.



Theo chúng tôi, đối với vụ án “chống người thi hành công vụ” tòa án có thể dựa vào căn cứ pháp lý kết hợp với tính nhân đạo của pháp luật xử phạt bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh tù treo kèm thời gian thử thách do bị cáo Linh khi phạm tội còn ở tuổi chưa thành niên. Bị cáo Linh lại có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 46 BLHS và chính sách khoan hồng đối với người phạm tội chưa thành niên quy định tại Chương X BLHS; nhận thức của bị cáo Linh chưa hoàn thiện về các quy phạm pháp luật. Đồng thời, bị cáo còn phải lao động nuôi bản thân và chăm sóc, nuôi dưỡng người thân.


Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội nặng về giáo dục, nhẹ về trừng trị. Không nên có định kiến, ác cảm đối với người phạm tội “chống người thi hành công vụ”; mà phải bình tâm tuân thủ quy định pháp luật, phạm tội tới đâu xử lý tới đó. Thực tiễn đời sống xã hội không phải lúc nào, ở đâu cán bộ nhà nước cũng hành động đúng, đó đây xảy ra sự lạm quyền của cán bộ viên chức dẫn tới “tức nước, vỡ bờ” người dân không kiềm chế được phải có hành động thái quá điển hình gần đây là vụ cưỡng chế thu hồi đất diễn ra ở Tiên Lãng, TP.Hải Phòng.


Đành rằng nền tư pháp nước ta chưa có chế định án lệ nhưng những người, cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân theo quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng “sai một ly, đi một dặm” mà phải hết sức thận trọng, đắn đo, cân nhắc tránh sai sót dẫn tới hậu quả khó lường.


Luận về phiên xử vụ án điều tra viên phạm tội “dùng nhục hình”, kiểm sát viên thực hành quyền công tố nhận định: khi thi hành công vụ, các bị cáo Tuấn, Quyết dùng nhục hình với các hình thức như xích chân, đánh đập, chích điện buộc bà Lan phải khai nhận những sự việc không đúng sự thật. Hành vi của các bị cáo gây ra nhiều thương tích đối với bà Lan là trái pháp luật. Tưởng chừng sẽ đề nghị mức án tương thích, kiểm sát viên lại đề nghị phạt các bị cáo ĐTV mức án 06 đến 09 tháng tù treo!


Có thể nói vụ án “dùng nhục hình” qua thông tin trên báo chí, không chừng mức độ phạm tội của ĐTV có khả năng truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 298 BLHS. Thiết nghĩ, ĐTV là người “cầm cân, nãy mực”, am tường luật pháp mà cố tình vi phạm pháp luật cần thiết phải xử lý nghiêm minh để làm gương. Mặt khác, làm gì có tiền án, tiền sự mà là ĐTV, cho nên xác định ĐTV chưa có tiền án, tiền sự chẳng những không cần thiết mà có phần khôi hài!


Hội đồng xét xử nhận định ĐTV “có tinh thần trách nhiệm cao, đấu tranh trấn áp tội phạm dẫn đến dùng nhục hình”. Phải chăng muốn chứng tỏ tinh thần trách nhiệm cao phải dùng nhục hình? Vậy thử hỏi tại sao ĐTV không sử dụng nghiệp vụ được đào tạo? Trong khi đó BLHS nghiêm cấm dùng nhục hình, lẽ nào ĐTV lại không nắm bắt, vận dụng khi thi hành nhiệm vụ được giao?


Nếu được phép so sánh tính chất hành vi, hậu quả xảy ra của hai vụ án thì vụ án “dùng nhục hình” có phần “nặng ký” hơn vụ án “chống người thi hành công vụ”. Lẽ ra vụ án “dùng nhục hình” phải được xử lý một cách thích đáng thì tòa lại tuyên mức hình phạt nhẹ hều khiến dư luận chưng hửng, không đồng tình!


Quân pháp bất vị thân, không được phép tạo ra tiền lệ “dân xử theo hình, quan xử theo lễ” vì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Cho dù người phạm tội có công đi nữa thì họ đã được hưởng chính sách đãi ngộ người có công.


Nhận thức tầm quan trọng của “phép công là trọng, niềm tây sá nào”, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 ngày 02-01-2002 về cải cách tư pháp. Nghị quyết nhấn mạnh: quyết định của bản án phải căn cứ vào hồ sơ điều tra được kiểm chứng tại phiên tòa qua, kết quả tranh tụng dân chủ, khách quan.


Người tiến hành tố tụng nào “lơ đễnh” trong hoạt động tố tụng dẫn tới quyết định trái quấy phải quy trách nhiệm, tùy mức độ sai phạm có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.


Luật sư Trần Công Ly Tao


Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh





www.nguoiduatin.vn

Back to TOP